Phát huy hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

5 năm qua, Đảng bộ Tòa án nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong nội bộ và tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Đảng bộ Tòa án nhân dân tỉnh triển khai các văn bản thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đảng bộ Tòa án nhân dân tỉnh triển khai các văn bản thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hàng năm, Đảng ủy Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai nghiêm túc Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị và các văn bản của Trung ương, của tỉnh và ngành về quy chế dân chủ ở cơ sở đến 100% cấp ủy, chi bộ và từng cán bộ, đảng viên thông qua các cuộc họp giao ban, họp đảng ủy, chi bộ, hội nghị trực tuyến. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ và thực hiện quy chế dân chủ tại đơn vị. Với phương châm “Dân chủ phải thực chất, liên tục và gắn với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị”, Đảng ủy đã nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Chi hội Luật gia. Tập trung đổi mới phương thức hoạt động của Công đoàn cơ sở, phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo cơ quan; chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, hướng dẫn, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị.

Thực hiện quy chế dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ, 5 năm qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã đề nghị Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm 49 thẩm phán; bổ nhiệm 46 lượt chức danh lãnh đạo, quản lý; ra quyết định luân chuyển, điều động, biệt phái 129 cán bộ công chức, tuyển dụng 15 công chức. Các quy trình trong công tác tổ chức cán bộ đều đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, không có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Công tác cải cách thủ tục hành chính - tư pháp tại Tòa án hai cấp được đẩy mạnh, công khai các TTHC và thực hiện dân chủ trong mọi hoạt động; phát huy chất lượng hoạt động của tổ hành chính tư pháp thuộc Văn phòng Tòa án tỉnh; thực hiện đổi mới lề lối làm việc, quy trình hóa các thủ tục hành chính tư pháp nhằm đảm bảo sự minh bạch và thuận tiện cho người dân khi đến làm việc tại Tòa án. Triển khai ứng dụng rộng rãi, đồng bộ, hiệu quả khoa học công nghệ trong tổ chức, hoạt động nội bộ của các đơn vị Tòa án; thực hiện công khai bản án, quyết định có hiệu lực trên cổng thông tin điện tử của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của đơn vị.

Cùng với đó, chú trọng chỉ đạo các đơn vị Tòa án nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp công dân, bố trí phòng tiếp dân, niêm yết nội quy tiếp công dân tại trụ sở; thực hiện chế độ tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất theo quy định. 5 năm qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã tiếp 246 lượt công dân, 18 đoàn đông người phức tạp, tiếp nhận 834 đơn khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh; trong đó không có đơn quá hạn, không có đơn thư khiếu kiện kéo dài. Công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW được chú trọng, hàng năm, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 12 Tòa án nhân dân huyện, thành phố. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện công khai, dân chủ; có kết luận, thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra cụ thể, rõ ràng.

Đồng chí Nguyễn Hồng Nam, Bí thư Đảng ủy, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết: Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền; của người đứng đầu, của cán bộ, công chức về quyền làm chủ và vai trò của nhân dân; thực hiện tốt nguyên tắc công khai, dân chủ trong mọi hoạt động của đơn vị. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư luôn đảm bảo gần dân, sát dân, công khai, minh bạch, tôn trọng; kịp thời, dứt điểm những yêu cầu của người dân, hạn chế đơn thư kéo dài, vượt cấp.

Phát huy kết quả đạt được, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tòa án tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân vào hệ thống Tòa án, là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-huy-hieu-qua-viec-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-41121