Phát huy hiệu quả vốn đầu tư công trung hạn

Để khai thác bền vững tiềm năng, lợi thế của địa phương thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư, nhất là vốn đầu tư công trung hạn để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hỗ trợ Nhân dân phát triển sản xuất, góp phần quyết định vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Vốn đầu tư công trung hạn góp phần xây dựng hệ thống trường lớp ngày càng khang trang. Ảnh: LT

Vốn đầu tư công trung hạn góp phần xây dựng hệ thống trường lớp ngày càng khang trang. Ảnh: LT

Nhiệm kỳ này, tỉnh Quảng Trị đã nghiên cứu, ban hành nhiều chương trình, nghị quyết có liên quan về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Trong đó xác định rõ việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn là nhằm hoàn thiện các chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thành dứt điểm hạ tầng giao thông quan trọng làm cơ sở thu hút đầu tư... Giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 12.471,81 tỉ đồng để thực hiện 1.505 dự án, công trình. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã cân đối, phân bổ nguồn lực để xây dựng nhiều công trình trọng điểm ở Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh như: tuyến đường trung tâm nối Khu công nghiệp Đông Nam Quảng Trị đến Cảng Cửa Việt với tổng chiều dài 24,7 km; cơ bản hoàn thành 2 khu tái định cư với tổng diện tích 55 ha, đồng thời hoàn thành kết cấu hạ tầng thiết yếu tại một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh… Nhờ vậy đã góp phần tích cực trong việc kêu gọi thu hút đầu tư đến với Quảng Trị. Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn này cũng đã bố trí xây dựng 11 công trình chợ với trên 1.000 điểm kinh doanh đã đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa của Nhân dân trên địa bàn.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, nguồn vốn đầu tư công đã tập trung thực hiện 30 chương trình, dự án, góp phần nâng tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,5%, đảm bảo công suất tưới, tiêu chủ động cho 85% - 90% diện tích đất canh tác lúa, đảm bảo tưới chủ động cho vùng màu và cây công nghiệp với diện tích 5.500 - 6.000 ha; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 4.000 ha, ngăn mặn giữ ngọt chống lũ sớm, lũ tiểu mãn cho 7.500 ha đất trồng trọt, đảm bảo tiêu thoát nước và bảo vệ môi trường nước với tổng diện tích 13.500 ha.

Cũng từ nguồn vốn này, ngành nông nghiệp đã đầu tư thực hiện 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền được hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo nhu cầu cho 500 tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão; hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho 150 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tập trung. Hệ thống đường lâm nghiệp phục vụ sản xuất vùng nguyên liệu tập trung ở 6 huyện gồm: Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa và Đakrông được nâng cấp, sửa chữa với tổng chiều dài 44,6 km, góp phần thúc đẩy ngành lâm nghiệp phát triển.

Cũng trong giai đoạn này, vốn đầu tư công trung hạn đã ưu tiên phân bổ thực hiện 32 công trình giao thông với tổng chiều dài 286 km đường hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, kết nối giao thương các vùng miền trong tỉnh. Nhiều địa phương đã tranh thủ nguồn lực này để hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao ở tất cả các cấp góp phần vào xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị. Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 cũng đã tập trung quan tâm đầu tư hệ thống trường học với quy mô, cơ cấu hợp lý giữa các vùng miền. Giai đoạn này tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp 29 trường mầm non, 30 trường tiểu học, 38 trường THCS, 29 trường THPT, 4 trung tâm bồi dưỡng chính trị…. Đặc biệt, từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn, ngành Giáo dục và Đào tạo đã được ưu tiên vốn thực hiện Đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn giai đoạn 2019-2021, trong năm 2019 đã thực hiện đầu tư 106 phòng học (50 phòng học mầm non, 41 phòng học tiểu học và THCS, 15 phòng học THPT) với tổng mức đầu tư gần 77 tỉ đồng. Nhờ vậy, đến nay Quảng Trị cơ bản xóa phòng học tạm, phòng học mượn, lớp ghép trên địa bàn toàn tỉnh…

Có thể nói, ý nghĩa to lớn của nỗ lực đầu tư hạ tầng không chỉ dừng ở kết nối giao thông mà còn mở ra sự hoàn thiện về mạng lưới cấp điện, nước, bưu chính viễn thông, hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị và những công trình trọng điểm về y tế, giáo dục, an sinh xã hội… Những đồng vốn từ ngân sách đã trở thành động lực chính, đặt nền móng cho doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào địa phương ngày một sinh động hơn.

Theo ông Nguyễn Huy, Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư trọng điểm, trọng tâm trong xây dựng hạ tầng trên các lĩnh vực, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị… góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo sức bật kích thích sự phát triển, thay đổi diện mạo quê hương. Kết quả đó có được là nhờ chính sự công khai, minh bạch phân bổ nguồn lực. Các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 được lựa chọn, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo định hướng phát triển chung, gắn với khả năng ngân sách. Chính điều này đã khắc phục tình trạng quyết định chủ trương, quyết định đầu tư không căn cứ khả năng cân đối ngân sách. Nhờ vậy, giai đoạn này tỉnh đã khắc phục được tình trạng phê duyệt dự án tràn lan, ưu tiên vốn cho các dự án chuyển tiếp, thanh toán cơ bản nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản vay và ứng trước từ ngân sách Nhà nước của giai đoạn trước để lại. Bên cạnh đó, tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, thực hiện đầu tư theo đúng quy hoạch, thực hiện cơ cấu đầu tư phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, Nhờ vậy, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vừa góp phần làm lành mạnh nền tài chính và cải thiện đáng kể bức tranh đầu tư công của tỉnh.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=148554