Phát huy khối đoàn kết toàn dân, bảo vệ thành quả cách mạng
Nhận thấy sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước có lợi cho cách mạng Việt Nam, ngày 28-1-1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng (sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài).
Tháng 5-1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (khóa I) của Đảng ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng-khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Hội nghị thống nhất: "Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, phải vận dụng phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc cho nhân dân, nên Mặt trận không thể gọi như trước mà phải dùng tên khác phù hợp hơn với nhiệm vụ cách mạng giai đoạn hiện tại". Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, các giới... vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.
Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương và đặt ra nhiệm vụ giúp đỡ các dân tộc Lào và Campuchia thành lập mặt trận dân tộc của nước mình. Mặt trận Việt Minh lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu, khẩu hiệu chính là: Phản Pháp-kháng Nhật-liên Hoa-độc lập. Mặt trận Việt Minh được tổ chức theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở: Ở cấp xã có Ban Chấp hành Việt Minh do các đoàn thể Việt Minh ở làng hay xã cử ra; ở cấp tổng, huyện (hay phủ, châu, quận); tỉnh, kỳ có Ban chấp ủy Việt Minh của mỗi cấp tương ứng; ở cấp toàn quốc có Tổng bộ Việt Minh.
Tháng 10-1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ; công khai đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện chỉ thị, một cao trào cách mạng đã xuất hiện ở nhiều nơi; khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh được thành lập, kêu gọi đồng bào dũng cảm tiến lên dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh hãy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Ngày 15-3-1945, Mặt trận Việt Minh ra lời kêu gọi kháng Nhật cứu nước, chỉ rõ phát xít Nhật là kẻ thù số một của nhân dân châu Á và của cả loài người. Ngày 25-3-1945, Mặt trận Việt Minh phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước trên khắp cả nước. Ngày 14-8-1945, Tổng bộ Việt Minh ra lời Hiệu triệu quốc dân đồng bào nêu rõ: “Phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh, quân đồng minh sắp tràn vào Đông Dương... Trước cơ hội có một không hai, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, mang xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đổi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân”.
Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17-8-1945 đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản kiến nghị, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. Đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, sau này trở thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; trong vòng hai tuần, chính quyền địch hoàn toàn sụp đổ, ủy ban nhân dân lâm thời được thành lập khắp các địa phương trong cả nước.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, đại biểu Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng đọc lời Hiệu triệu đồng bào cả nước. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Thù trong, giặc ngoài; nạn đói, nạn dốt, nội phản, ngoại xâm tấn công tứ phía. Sách lược của ta lúc này là mở rộng Mặt trận Việt Minh bao gồm mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng lôi kéo địa chủ và đồng bào các tôn giáo vào Mặt trận Việt Minh. Nhiệm vụ củng cố và phát triển Mặt trận Việt Minh được đề ra cụ thể, rõ ràng, hết sức phát triển các tổ chức cứu quốc, thống nhất trong toàn kỳ, toàn quốc, sửa lại điều lệ cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Tổ chức thêm những đoàn thể cứu quốc vào Mặt trận Việt Minh như Việt Nam công giáo cứu quốc hội, Việt Nam hướng đạo cứu quốc đoàn. Giúp cho Đảng Dân chủ Việt Nam thống nhất và phát triển để thu hút vào mặt trận những tầng lớp tư sản, địa chủ yêu nước và tiến bộ...
Để làm thất bại âm mưu của bọn quân phiệt Trung Quốc "tiêu diệt Đảng Cộng sản", từ ngày 11-11-1945, Đảng ta tuyên bố “giải tán”, thực chất là chuyển vào hoạt động bí mật để tránh mũi nhọn tấn công của kẻ thù, chủ động duy trì và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước vượt qua thác ghềnh nguy hiểm. Từ đó, vai trò của Mặt trận Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao, trở thành hình ảnh của khối đại đoàn kết các tầng lớp, các đảng phái, tôn giáo, dân tộc và bộ tộc ngày càng thu nhận thêm những tổ chức thành viên mới, những nhân sĩ yêu nước, trí thức cao cấp thuộc các tầng lớp trên của xã hội. Để ngăn chặn và phân hóa hàng ngũ các đảng chính trị, phản động bám gót quân Tưởng, Mặt trận Việt Minh ký Tuyên ngôn đoàn kết với Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội; ký thỏa hiệp với Việt Nam Quốc dân đảng; ra Thông cáo chung với Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội về việc giao thiệp với Việt Nam Quốc dân đảng; ký kết thỏa thuận với Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân đảng về việc lập chính phủ liên hợp...; tự nguyện nhường lại 70 ghế trong Quốc hội cho các tổ chức, đảng phái khác. Điều này thể hiện rõ chính sách đoàn kết dân tộc, có tác dụng lôi kéo những người do dự, kể cả những người vốn có tư tưởng chống đối. Bằng uy tín cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất.
Những hoạt động yêu nước sôi nổi, chân thành và nhiệt tình của Mặt trận Việt Minh góp phần tích cực vào việc đoàn kết toàn dân chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng giữ vững chủ quyền dân tộc. Thông qua các đoàn thể cứu quốc, Mặt trận Việt Minh đã tuyên truyền, vận động quần chúng tự nguyện và hăng hái tham gia các phong trào sản xuất, cứu đói, hũ gạo tiết kiệm, tuần lễ vàng, bình dân học vụ... nhằm phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân để vượt qua những khó khăn về kinh tế, tài chính. Mặt trận cùng các đoàn thể vận động và tổ chức nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, xây dựng Hiến pháp mới, làm cho chính quyền thực sự là của dân, gắn bó với nhân dân. Do vậy toàn dân đem hết tinh thần và nghị lực quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng. Khối đoàn kết toàn dân đã thực sự trở thành hậu thuẫn vững chắc để chống lại thù trong giặc ngoài. Mặt trận Việt Minh để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác xây dựng mặt trận, tập hợp lực lượng, đoàn kết dân tộc trong các giai đoạn cách mạng sau này.
Kế tục vai trò lịch sử của Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam, không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ý thức hệ, ở trong nước hay ở nước ngoài, miễn là tán thành mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.