Phát huy kinh nghiệm khống chế dịch SARS trong phòng, chống các dịch bệnh mới
SARS được đánh giá là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất xảy ra trong những năm đầu thế kỷ 21. Riêng tại Việt Nam, sau 45 ngày đêm chiến đấu, đội ngũ cán bộ thầy thuốc dũng cảm, vận dụng sáng tạo các biện pháp dự phòng và cứu chữa người bệnh. Nhờ đó, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận khống chế thành công dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm này.
Ðể ôn lại khoảng thời gian đầy cam go và nguy hiểm trong cuộc chiến chống lại dịch SARS, Bộ Y tế tổ chức Chương trình kỷ niệm Việt Nam 10 năm phòng, chống SARS thành công. Ðây cũng là dịp chúng ta tri ân những cán bộ y tế đã thầm lặng hy sinh cả đời mình cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân; đồng thời nhắc lại những thành công, những bài học, kinh nghiệm quý báu trong việc phòng, chống SARS, từ đó áp dụng vào thực tiễn phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi hiện nay.
Dịch SARS là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất đã xảy ra trong những năm đầu thế kỷ 21. Chỉ trong thời gian ngắn đã lây lan ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ với 8.422 người mắc, trong đó có 916 người chết. Sự tiến triển nhanh của bệnh cùng với đặc tính dễ lây lan đã tạo nên một sự hoang mang lo lắng đến tột độ của những người dân phải tiếp xúc, sống gần khu vực có người bệnh. Dịch đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế- xã hội của nhiều nước trên thế giới. Nhìn lại những hình ảnh ghi lại thời gian đó cho thấy mọi người đi lại đều phải mang khẩu trang; nhiều cuộc họp đã bị đình hoãn; các cửa khẩu quốc tế, biên giới đều tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt sức khỏe người xuất nhập cảnh... Hai lĩnh vực: Du lịch và thương mại trên thế giới bị đình trệ, ước tính, dịch SARS gây thiệt hại khoảng 150 tỷ USD cho các nước trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, dịch gây thiệt hại khoảng 1,1% GDP của lúc bấy giờ.
Với cam kết chính trị ngay lập tức ở cấp cao nhất; sự chỉ đạo sát sao của Ðảng, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội, chính quyền địa phương, tinh thần minh bạch và chia sẻ thông tin, quyết tâm và sáng tạo, chúng ta đã thực hiện quyết liệt các biện pháp sàng lọc ngay từ cửa khẩu và cả cộng đồng để phát hiện sớm, xử lý và điều trị kịp thời ngay các trường hợp mắc đầu tiên, không để dịch lan rộng. Ðội ngũ cán bộ thầy thuốc của nước ta dũng cảm, sẵn sàng vượt khó khăn, vận dụng sáng tạo các biện pháp cứu chữa, giành giật từng mạng sống của người bệnh, cùng với đó là sự hỗ trợ hợp tác, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của các tổ chức quốc tế. Kết quả sau 45 ngày, đêm chiến đấu với dịch bệnh, đến ngày 28-4-2003, Việt Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS.
Nói về những nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại dịch SARS, Tổng Giám đốc WHO lúc đó đánh giá về thành công của Việt Nam tại cuộc họp kỹ thuật về SARS trong dịp Ðại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 56 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) tháng 5-2003 như sau: "Kinh nghiệm phòng, chống SARS ở Việt Nam cho thấy rằng, sự cam kết chính trị ngay lập tức ở cấp cao nhất đóng một vai trò quyết định. Việt Nam đã chứng minh cho thế giới làm thế nào một nước đang phát triển bị một dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng tiến công đã chiến thắng bệnh tật khi việc thông báo bệnh nhanh chóng và công khai; khi sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế thế giới được yêu cầu nhanh chóng và được đáp ứng đầy đủ và khi việc phát hiện các trường hợp bệnh nhanh chóng, cách ly ngay lập tức và chống nhiễm trùng và theo dõi triệt để những người có tiếp xúc được thực hiện tốt".
Khống chế thành công dịch SARS là niềm tự hào của nước ta đối với cộng đồng thế giới. Mặc dù là một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn nhưng với cam kết chính trị mạnh mẽ, sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ y tế và sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức quốc tế, chúng ta đã tìm ra được các biện pháp hiệu quả để khống chế nhanh, kịp thời để bảo vệ sức khỏe người dân. Trong niềm tự hào, vinh dự đó, chúng ta cũng không quên những cán bộ y tế đã hết mình phục vụ người bệnh, trong khó khăn, nguy hiểm, giữa lúc phải đối mặt giữa cái sống và cái chết, những tấm gương hết mình vì người bệnh của các cán bộ y tế càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Trong số 63 người bệnh SARS ở Việt Nam, có 37 người là bác sĩ, y tá, cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh và năm người đã hy sinh cuộc sống của mình cho cuộc chiến chống SARS.
Chúng ta cũng không thể nào quên hình ảnh bác sĩ Carlo Urbani đã vượt qua những nguy hiểm, tiến hành điều tra những trường hợp mắc đầu tiên tại Việt Nam và đã đưa ra cảnh báo đối với toàn thế giới về sự nguy hiểm của dịch SARS. Những cán bộ kiểm dịch ngày đêm căng mắt sàng lọc những hành khách nhập cảnh để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu; những cán bộ y tế miệt mài đến từng nhà của người tiếp xúc với người bệnh để kiểm tra sức khỏe, theo dõi và quản lý nhằm phát hiện và cách ly kịp thời những trường hợp mắc bệnh trong điều kiện không biết ai trong số họ đã bị nhiễm bệnh.
Phát huy thành quả chống dịch SARS, ngành y tế mười năm qua đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt, năng lực phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi được nâng cao; công tác tổ chức thu dung, điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả rõ rệt; công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm cũng được tích cực chủ động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Những sự trưởng thành đó được thể hiện rõ qua việc ngành y tế khống chế các dịch cúm A(H5N1) trên người, cúm đại dịch A(H1N1) cũng như nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác.
Hiện nay, tình hình các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi trên thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt như dịch cúm A(H7N9) đang gia tăng hằng ngày tại Trung Quốc trong khi chúng ta đang phải tập trung giải quyết các nguy cơ bùng phát trở lại dịch cúm A(H5N1). Mặc dù đạt được những thành công về công tác phòng, chống dịch nhưng ngành y tế dự phòng còn không ít khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực...
Chính vì vậy hơn lúc nào hết những kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch SARS nói riêng cần được phát huy ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, ngành y tế mong luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ; sự hỗ trợ mạnh mẽ của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cũng như sự giúp đỡ tích cực của các tổ chức quốc tế trong việc phòng, chống các bệnh nguy hiểm và mới nổi đang là một thách thức lớn đối với ngành y tế toàn cầu cũng như của Việt Nam.
PGS, TS NGUYỄN THỊ KIM TIẾN
Bộ trưởng Y tế
Theo
Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/khoahoc/moi-truong/item/20189602-.html