Phát huy kinh nghiệm, trí tuệ, uy tín của người cao tuổi trong xây dựng đất nước

Ngày 14-1, Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026 dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại 35 điểm cầu trong cả nước, với sự tham gia của 339 đại biểu đại diện cho trên 9,7 triệu hội viên cả nước.

 Quang cảnh đại hội.

Quang cảnh đại hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng đại hội.

Dự đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể.

Về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông.

Phát biểu khai mạc đại hội, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam khóa V Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát triển hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên và người cao tuổi. Nhiều phong trào và chương trình chăm sóc người cao tuổi được triển khai và mang lại hiệu quả cao.

Bình quân mỗi năm có 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ, trong đó có trên 6.500 cụ tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng quà và thiếp chúc thọ. Hằng năm, trên 1,9 triệu lượt người cao tuổi được tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe; trên 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Cả nước có trên 6,5 triệu người cao tuổi đang tham gia lao động, sản xuất, trong đó có 357.967 người đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi. Hơn 665.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra nhân dân, tổ hòa giải cơ sở, có 300.150 người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở...

Phát huy những kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2021-2026, Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng công tác phát triển hội viên; hướng mạnh hoạt động về cơ sở. Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức, loại hình chăm sóc người cao tuổi; phát huy vai trò nòng cốt của hội trong phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi, phấn đấu để người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình, xã hội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”; phát huy mạnh mẽ kinh nghiệm, trí tuệ, uy tín của người cao tuổi; kính trọng, bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi nhất là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương, ghi nhận những đóng góp của người cao tuổi Việt Nam, đặc biệt trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người cao tuổi.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại đại hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại đại hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Để tiếp tục phát huy vai trò của người cao tuổi, xây dựng tổ chức hội vững mạnh cần tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với Hội Người cao tuổi; tiếp tục quán triệt sâu rộng các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi; đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi. Ngoài ra, Hội cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát triển số lượng đi đôi với chất lượng, tập hợp đông đảo hơn nữa hội viên tham gia phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”. Phát huy những kinh nghiệm quý báu của người cao tuổi để tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự. Hội cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người cao tuổi để phản ánh kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền, góp phần thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi, nhất là người cao tuổi thuộc diện chính sách, người cao tuổi ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, người cao tuổi và tổ chức hội tiếp tục phát huy trí tuệ và kinh nghiệm, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, khuyến học, khuyến tài; động viên con cháu có ý chí vươn lên trong học tập, công tác, sản xuất, kinh doanh…

Đại hội đã bầu 93 đại biểu tham gia Ban Chấp hành khóa VI. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam khóa VI.

Hiền Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1022444/phat-huy-kinh-nghiem-tri-tue-uy-tin-cua-nguoi-cao-tuoi-trong-xay-dung-dat-nuoc