Phát huy lợi thế dân số vàng

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với 69% dân số trong tuổi lao động. Vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết được những thách thức cũng như tận dụng được cơ hội vàng mà cơ cấu “dân số vàng” mang lại. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

LỢI THẾ TO LỚN CỦA CƠ CẤU DÂN SỐ VÀNG

Ðặc điểm nổi bật trong thời kỳ “cơ cấu vàng” là dân số có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, hiện nay chiếm khoảng 69% tổng dân số. Đây là thời kỳ mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Từ năm 2007, với tỷ số phụ thuộc chung (nhóm dân số 0-14 tuổi và nhóm dân số trên 65 tuổi tính trên nhóm dân số 15-64) dưới 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 - 50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này.

Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt để cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua. Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” là một cơ hội hiếm hoi và đây chính là cơ hội để Việt Nam cất cánh như một số nước trong khu vực đã nói trên.

Theo GS. Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa họcViện Dân số, Gia đình và Trẻ em, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ “dân số vàng” để cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 - 200 năm sau. Với tổng số dân Việt Nam khoảng 96 triệu người, hiện nay số người trong độ tuổi lao động ở nước ta đã trên 64 triệu người. Đây là dư lợi lớn của “dân số vàng” cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, với khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi là thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI THÁCH THỨC

Mỗi năm, nước ta có từ 1,5 - 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Tuy nhiên lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”.

Theo một thống kê năm 2015 của Viện Khoa học Lao động và Xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người có bằng cấp càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng lớn. Trong khi đó, người không có bằng cấp lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh trong tương lai, thâm hụt của nhóm cao tuổi ngày càng tăng thì thách thức chính sách đảm bảo an sinh xã hội là không nhỏ. Do đó, cơ hội chuyển thành “dư lợi dân số” chỉ còn vài năm nữa, nếu không thay đổi năng suất lao động thì dư lợi dân số đang dương sẽ trở về 0, sau đó sẽ là số âm trong những năm tiếp theo.

Thực tế, cơ hội “dân số vàng” không tự động mang lại tác động tích cực mà nó phải được “giành lấy” để “đẻ” ra lực lượng lao động vàng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Về thực trạng cơ cấu lao động hiện nay, ông Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho hay, tỷ trọng lao động của ngành nông, lâm, thủy sản trong tổng số lao động của nền kinh tế vẫn đang có xu hướng giảm dần, trong khi tỷ trọng lao động của các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ có xu hướng tăng dần.

Nếu giai đoạn “dân số vàng” diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm đương tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, thì sẽ trở thành động lực mạnh của nền kinh tế. Ngược lại, nếu cơ hội không được chớp lấy thì đất nước phải đối mặt với những thách thức mới. Mà trước tiên là lực lượng đông đảo trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, người thất nghiệp dễ mắc tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của đất nước. Như vậy, “dân số vàng” sẽ không có giá trị nếu không thực sự “vàng” về tri thức và tay nghề.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, để phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng” cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là, duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình “già hóa dân số”; tăng cường cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị tăng cao dựa trên năng suất lao động, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, các ngành sử dụng nhiều lao động; mở rộng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động… Đặc biệt tận dụng và phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng” thông qua chương trình phối hợp liên ngành cũng như vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân./.

Bác sĩ Mai Xuân Phương
Tổng cục Dân số - Bộ Y tế

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/phat-huy-loi-the-dan-so-vang-124290