Phát huy lợi thế, đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu
Bài viết 'Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới' của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra nhiều vấn đề căn cốt, nhiều bài học kinh nghiệm thiết thực, sinh động, có tính thực tiễn cao được đúc rút từ nhiệm kỳ trước, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta hôm nay. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng gợi mở nhiều vấn đề quan trọng cho tỉnh An Giang trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra nhiều vấn đề căn cốt, nhiều bài học kinh nghiệm thiết thực, sinh động, có tính thực tiễn cao được đúc rút từ nhiệm kỳ trước, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta hôm nay. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng gợi mở nhiều vấn đề quan trọng cho tỉnh An Giang trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, điểm nổi bật là An Giang luôn đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai theo phương châm lấy thị trường làm mục tiêu, định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-6-2012 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã hoàn thành tám quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ khoảng 100 mô hình, dự án ứng dụng đổi mới công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong thời gian qua, An Giang đã thu hút 60 dự án đăng ký đầu tư vào nông nghiệp, tổng số vốn 22.860 tỷ đồng, chiếm hơn 24,9% tổng số dự án và chiếm 36,52% tổng vốn đăng ký đầu tư toàn tỉnh. Giai đoạn 2015 - 2020, An Giang đã chuyển dịch diện tích trồng lúa sang cây trồng có giá trị cao hơn với 22.554 ha. Từ đó, giúp giá trị sản xuất bình quân trên một héc-ta năm 2020 đạt 192 triệu đồng, tăng hơn 45 triệu đồng so với năm 2015. Tỉnh tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Trong đó, tập trung ba nhóm sản phẩm là gạo nếp, thủy sản và cây ăn quả, gắn với thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
Quán triệt các nhiệm vụ mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề ra, tỉnh An Giang tiếp thu và vận dụng phù hợp thực tiễn để phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Nhiệm kỳ 2020-2025, Ðảng bộ và chính quyền tỉnh An Giang xác định ngành nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. An Giang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ðể thực hiện các khâu đột phá, An Giang đề ra những giải pháp trọng tâm như đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Khuyến khích phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khép kín trên các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh. Tỉnh luôn tìm ra giải pháp tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong thu hút đầu tư, nhất là về cải cách thủ tục hành chính, mời gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư, giải quyết bài toán giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thu hút một số doanh nghiệp lớn đăng ký đầu tư lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, công nghiệp năng lượng tái tạo. Thực hiện đồng bộ việc nâng cấp, chỉnh trang đô thị trung tâm với xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2020-2025, nền nông nghiệp An Giang nói riêng, cả nước nói chung sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Việc hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội phát triển nông nghiệp, nhất là khi Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA)… có hiệu lực. Do vậy, An Giang sẽ có đột phá trong phát triển thị trường, nhất là thị trường cao cấp quốc tế để phát huy lợi thế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo chiều sâu.
Nguyễn Thanh Bình
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang