Phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan kiểm toán
Theo Báo cáo các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) năm 2024 của Liên hợp quốc (LHQ), chỉ 17% mục tiêu đang đi đúng lộ trình như kế hoạch đề ra; gần một nửa đạt mức tiến triển tối thiểu, trong khi hơn 1/3 đang đình trệ hoặc thậm chí thụt lùi. Trong bối cảnh đó, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) với những công cụ giám sát mạnh mẽ cần phát huy vai trò để cải thiện tình trạng này.

Cuộc họp lần thứ 5 của Nhóm công tác INTOSAI về SDGs và các Chỉ số phát triển bền vững chính. Ảnh: ST
Nguy cơ đình trệ các mục tiêu phát triển bền vững
Trong báo cáo mới công bố, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Indonesia, bà Isma Yatun, chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến tiến độ thực hiện SDGs bị chững lại, điển hình như đại dịch Covid-19. Đại dịch đã gây ra tình trạng mất việc làm nghiêm trọng, gián đoạn hoạt động của nhiều doanh nghiệp, gia tăng khoảng cách giữa các nhóm kinh tế - xã hội và tạo gánh nặng lớn cho hệ thống y tế.
Bên cạnh đó, LHQ cho rằng các xung đột toàn cầu đang tác động sâu sắc đến tiến trình đạt được SDGs. Hiện tại, xung đột đang ở mức cao nhất mọi thời đại, khiến hàng triệu người phải di dời, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoàn thành các mục tiêu.
Biến đổi khí hậu cũng là rào cản lớn, nhất là đối với các nước đang và kém phát triển. Tình trạng thiên tai, khan hiếm tài nguyên làm trầm trọng thêm nạn đói nghèo, ảnh hưởng đến y tế và giáo dục. Ngoài ra, việc lồng ghép SDGs vào chính sách quốc gia vẫn gặp nhiều thách thức: từ khó khăn trong quy hoạch, lập ngân sách, thiếu quy trình giám sát, đánh giá đến sự thiếu nhất quán trong dữ liệu và thông tin, nhận thức chưa đầy đủ, nguồn nhân lực hạn chế, bộ máy hành chính kém hiệu quả và thiếu tài trợ.
Các quốc gia hiện đã đi qua nửa chặng đường thực hiện SDGs trong chu kỳ 15 năm (2015 - 2030). Tuy nhiên, với tình hình thế giới hiện nay, cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau” đang đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành.
Cần khuôn khổ quản trị mạnh mẽ hơn cho các SAI
Để đối phó với những thách thức trên, bà Isma Yatun nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, đoàn kết, tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là phát huy vai trò của cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI). Cộng đồng quốc tế đã kêu gọi các SAI, trong phạm vi nhiệm vụ của mình, nỗ lực đóng góp vào thành công của việc thực hiện SDGs.

Các quốc gia đang tiếp tục nỗ lực để thực hiện thành công SDGs. Ảnh: ST
Việc các SAI tham gia thúc đẩy thực hiện SDGs tại từng quốc gia là hết sức cần thiết. Bằng cách đưa SDGs vào nội dung kiểm toán, các SAI không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của các mục tiêu này, mà còn góp phần củng cố cơ chế quản trị, tăng cường trách nhiệm giải trình để đạt được các mục tiêu đề ra. Những cuộc kiểm toán SDGs mang lại thông tin giá trị về nỗ lực của Chính phủ, làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và đưa ra các khuyến nghị thiết thực.
Ngoài hoạt động chuyên môn, các SAI còn chủ động tham gia nhiều diễn đàn, sáng kiến quốc tế liên quan đến các khía cạnh của SDGs, thể hiện vai trò tích cực của mình.
Theo ông Vital do Rêgo - Chủ tịch Tòa Thẩm kế Liên bang Brazil, kiêm Chủ tịch INTOSAI - những năm qua, các SAI toàn cầu đã thể hiện vai trò then chốt, góp phần quan trọng vào việc xây dựng tương lai bền vững. Các SAI đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy quản trị tốt, đảm bảo hiệu quả trong sử dụng nguồn lực công và chính sách công vì lợi ích người dân.
Bên cạnh đó, Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) cũng có đóng góp đáng kể trong việc hỗ trợ LHQ giám sát thực hiện SDGs. INTOSAI đã đánh giá kết quả kiểm toán SDGs tại khoảng 60 quốc gia, đồng thời hướng các nỗ lực vào việc củng cố năng lực cho từng SAI trong quá trình giám sát SDGs.
LHQ đánh giá INTOSAI có tiềm năng mở rộng vai trò như một tổ chức quốc tế quan trọng trong giám sát các chương trình toàn cầu do LHQ quản lý. Việc các SAI tham gia giám sát những thỏa thuận quản trị do LHQ thiết lập có thể mở ra hướng đi mới, nâng cao vai trò và ảnh hưởng của INTOSAI trong tiến trình thực hiện SDGs.
Đảm nhận vai trò chủ tịch INTOSAI giai đoạn 2028-2031, SAI Indonesia cam kết khuyến khích cộng đồng SAI bảo vệ việc hoàn thành SDGs trong năm cuối cùng thực hiện SDGs và đưa ra chiến lược kết thúc, bao gồm cả việc tham gia định hình các chương trình nghị sự toàn cầu hậu thực hiện SDGs.
Dù đã có những đóng góp đáng kể, nhưng theo bà Isma Yatun, vai trò của các SAI vẫn chưa được phát huy đầy đủ. Sự tham gia của các SAI trong việc quản trị và thực hiện trách nhiệm giải trình liên quan đến SDGs ở cấp độ toàn cầu còn nhiều hạn chế. Trước nguy cơ các SDGs khó hoàn thành đúng hạn, cộng đồng SAI cần thiết lập một khuôn khổ quản trị mạnh mẽ hơn - đặc biệt ở cấp độ toàn cầu - cho giai đoạn từ năm 2024 đến 2030, nhằm đảm bảo SDGs được thực thi hiệu quả và bền vững./.
(Theo INTOSAI)
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/phat-huy-manh-me-vai-tro-cua-co-quan-kiem-toan-41582.html