Phát huy 'Mỏ vàng văn hóa'

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng văn hóa: “Là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta”. Với lịch sử hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam “…Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương/ Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có”- Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và bao áng văn thơ hào hùng của cha ông thực sự là “những thỏi vàng” trong “mỏ vàng” của dân tộc, mà trên thế giới không phải dân tộc nào cũng có. Do đó, các thế hệ Việt Nam có bổn phận và trách nhiệm giữ gìn và phát huy.

Phát huy truyền thống văn hiến hào hùng của dân tộc, thời đại Hồ Chí Minh luôn là niềm tự hào của mỗi người dân. Một dân tộc tiên phong trong đấu tranh chống thực dân đế quốc đã sản sinh ra nền văn hóa tiên phong chống đế quốc trong thời đại mới. Đó là một “mỏ vàng văn hóa” trong nền văn hóa dân tộc hiện đại. Trải qua ngót nửa thế kỷ, nhiều tác phẩm văn hóa, văn nghệ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ vẫn như những tượng đài sững sững bất chấp thời gian, gắn bó mật thiết với cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, với nhân dân và mang đầy tính nhân văn sâu sắc. “Mỏ vàng” này trước hết phải kể đến những công trình nghiên cứu, tác phẩm, cụm tác phẩm được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đi liền với các công trình nghiên cứu, những tác phẩm, cụm tác phẩm văn hóa, văn nghệ là tên tuổi, phẩm chất, nhân cách, đạo đức, tài năng của những tác giả sáng tạo ra nó. Có thể nói, khi nhắc đến các nhà văn hóa này ai ai trong chúng ta cũng phải kính nể, ngưỡng mộ về đức độ, tài năng, sự cống hiến, sáng tạo cho dân tộc, đất nước, nhân dân, góp phần làm nên nền văn nghệ “tiên phong chống đế quốc” trong thế kỷ XX. Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng những công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, những công trình giáo dục và văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật. Đây được xem là giải thưởng danh giá nhất hiện nay. Cho đến nay, đã có 5 đợt Nhà nước ta đã tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Đợt 1 vào năm 1996; đợt 2 vào năm 2000; đợt 3 vào năm 2005; đợt 4 vào năm 2012; đợt 5 vào năm 2017. Tất cả các đợt đều có những công trình nghiên cứu, cụm tác phẩm, tác phẩm xuất sắc, để đời, đóng góp xứng đáng vào nền văn hóa cách mạng Việt Nam, trong đó đợt 1 vào năm 1996 có nhiều tác giả, tác phẩm, công trình nghiên cứu gắn bó chặt chẽ với hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại và có đóng góp vào nền văn hóa “tiên phong chống đế quốc trong thời đại ngày nay”. Điểm qua các công trình nghiên cứu, tác phẩm, cụm tác phẩm cũng là một cách để chúng ta có dịp nhìn ngắm những “thỏi vàng” trong “mỏ vàng văn hóa” Việt Nam hiện đại:

Về khoa học xã hội có 8 giải cho các công trình của các tác giả: Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn; Giáo sư Trần Huy Liệu; Giáo sư Đặng Thai Mai; Giáo sư Trần Văn Giàu; Giáo sư Vũ Khiêu; Giáo sư Cao Xuân Huy; Giáo sư Hồ Tôn Trinh (tức Hoàng Trinh); Giáo sư Đinh Gia Khánh.

Về lĩnh vực Y, dược học có 13 công trình của các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc: Giáo sư Hồ Đắc Di; Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Hưởng; Giáo sư Đặng Vũ Hỷ; Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch; Giáo sư Tôn Thất Tùng; Giáo sư Đỗ Xuân Hợp; Giáo sư Đặng Văn Ngữ; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đặng Văn Chung; Giáo sư Trần Hữu Tước; Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trương Công Quyền; Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi; Bác sĩ Hoàng Tích Mịnh.

Về khoa học tự nhiên, kỹ thuật có 11 công trình của Nhóm tác giả Viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Tư lệnh Công binh; tổ GKI Viện Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Bộ Tư lệnh Hải quân, Vụ Kỹ thuật Bộ Giao thông vận tải; các Cục: Đường bộ, Đường sông, Đường biển; Cảng Hải Phòng; Ty Đảm bảo hàng hải với Công trình Phá hủy lôi từ tính và bom từ trường, đảm bảo giao thông năm 1967-1972. Nhóm tác giả tập thể: Bộ Tư lệnh Phòng không; Viện Kỹ thuật Quân sự với công trình Nghiên cứu chống nhiễu trong cuộc chiến tranh phá hại của không quân Mỹ ở miền Bắc năm 1968, 1970, 1972. Nhóm tác giả tập thể: Viện Kỹ thuật Quân sự với công trình Một số vũ khí đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ (A12, DKB nối tầng, các loại vũ khí phá chướng ngại FR, thủy lôi APS), năm 1960-1972. Về cá nhân có nhóm tác giả: Nguyễn Trinh Tiếp, Lê Tâm và các cộng tác viên: công trình nghiên cứu chế tạo súng SKZ; Giáo sư Trần Đại Nghĩa; Giáo sư Tạ Quang Bửu; Giáo sư Nguyễn Xiển; Giáo sư Lê Văn Thiêm; Giáo sư Hoàng Tụy; Giáo sư Đào Văn Tiến; Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Hiệu….Còn rất nhiều giải thưởng về các lĩnh vực khác trong đời sống thực sự là những “thỏi vàng” luôn tỏa sáng không chỉ hôm nay mà trong tương lai, trường tồn với lịch sử dân tộc.

Các đợt trao Giải thưởng Hồ Chí Minh tiếp theo có nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm văn hóa, văn nghệ làm phong phú hoàn chỉnh “bức tranh” văn hóa nước nhà trong cuộc chiến tranh vệ quốc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Truyền thống văn hiến Việt Nam đã sản sinh ra các nhà văn hóa kiệt xuất, lỗi lạc, tiêu biểu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh và các học trò xuất sắc của người. Nhiều lãnh tụ trong số đó vừa là nhà hoạt động chính trị vừa là nhà văn hóa tài ba, uyên thâm. Đồng thời với các nhà hoat đông chính trị - văn hóa của đất nước, góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng nước nhà, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các nhà văn hóa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ khác đã và đang góp phần làm nên nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.

Một đặc điểm nổi bật khác là nhiều nhà văn hóa Việt Nam ngoài đóng góp về các công trình, các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật là phẩm chất đạo đức, có lối sống trong sạch, giản dị, giàu nhân văn, tình nghĩa. Tên tuổi của nhiều nhà văn hóa đã được đặt cho nhiều đường phố ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố trong cả nước, tại các trường học, công trình công cộng. Thời gian qua, trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội đều thống nhất nhận xét: Những người có văn hóa thường ít tham nhũng, tiêu cực. Những người cán bộ tốt, được bồi đắp, trau dồi văn hóa, có nhận thức đúng về các giá trị văn hóa luôn có ý thức hoàn thiện chức trách nhiệm vụ của mình, tránh được tham nhũng, các tệ nạn xã hội. Đội ngũ này góp phần phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, làm cho xã hội đi vào trật tự, kỷ cương, nền nếp, phòng chống được các mặt trái của kinh tế thị trường, giảm sự xuống cấp đạo đức, xã hội. Việc bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, các địa phương sẽ góp phần quan trọng, tránh được tham nhũng, lãnh phí, tiêu cực, không bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

“Mỏ vàng văn hóa” luôn cần được quan tâm, chăm sóc, giữ gìn, phát huy phục vụ công cuộc xây dựng đất nước hùng cường. Câu nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác” nhắc nhở chúng ta luôn biết trân trọng, tự hào về di sản vô giá mà tổ tiên chúng ta để lại. Đó là văn hóa.

Vũ Lân

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/van-hoa-xa-hoi/2021/16158/phat-huy-mo-vang-van-hoa.aspx