Phát huy nguồn lực liên kết vùng trong xúc tiến thương mại từ 'bài học bó đũa'

Với những hoạt động xúc tiến thương mại đơn thương không thể hiệu quả bằng những hoạt động có sự hợp lực và quy mô, mà trọng tâm chính là liên kết vùng.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) về vấn đề này.

Với hàng loạt hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trọng điểm từ đầu năm đến nay, xin bà cho biết, công tác xúc tiến thương mại theo quy mô vùng năm nay có sự khác biệt như thế nào, đặc biệt trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chủ lực cho các địa phương?

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

Qua quá trình thực tiễn triển khai các công tác xúc tiến thương mại có thể thấy rất rõ là những hoạt động xúc tiến thương mại mang tính chất đơn thương thì không thể hiệu quả bằng những hoạt động xúc tiến thương mại có sự hợp lực và quy mô. Bài học vỡ lòng đầu tiên của chúng ta đã được tiếp cận là bài học đúc rút của câu chuyện bó đũa. Đó là chia lẻ thì yếu, mà hợp lại thì mạnh.

Chính vì vậy, trong xu thế toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới rất sâu sắc như hiện nay, các hoạt động xúc tiến thương mại mang tính chất quy mô cũng không nằm ngoài xu thế này. Và với tinh thần luôn luôn năng động, sáng tạo, tìm ra những phương thức đổi mới trong hoạt động xúc tiến thương mại, từ cuối năm ngoái, Bộ Công Thương đã đưa vào chương trình công tác của Bộ thực hiện chuỗi những hoạt động hội nghị xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng và thực hiện xuyên suốt cho cả 6 vùng kinh tế.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện được 5 chương trình hội nghị và vào ngày 6/9, hội nghị còn lại sẽ được tổ chức tại TP. Cần Thơ về nội dung xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thông qua các sự kiện này, với sự quan tâm tham gia vào cuộc cùng của các địa phương trong vùng, sự hợp lực về trí tuệ, về các nguồn lực khác đã tạo ra được rất nhiều ý tưởng mới khai phá tốt hơn các hoạt động xúc tiến thương mại trong tương lai.

Đặc biệt, đây cũng là dịp để các chủ thể trong lĩnh vực xúc tiến thương mại bao gồm các cơ quan Trung ương, các cơ quan địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và nhiều chủ thể khác của hệ sinh thái xúc tiến thương mại trao đổi tìm ra những giải pháp xúc tiến thương mại có tính chất gắn kết, hợp lực tốt hơn giữa các đơn vị, hướng tới phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình thương mại không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở các thị trường nước ngoài được hiệu quả.

Thông qua một loạt những cơ chế chính sách mà Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã ban hành nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác xúc tiến thương mại thời gian qua, bà đánh giá như thế nào về tác động của các chính sách đến thúc đẩy liên kết vùng, liên kết các địa phương trong công tác xúc tiến thương mại?

Nhìn lại nội dung của Đại hội Đảng lần thứ XIII có thể thấy có một nội dung rất quan trọng, đó là ưu tiên trọng tâm tập trung để tăng cường liên kết ngành, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, thúc đẩy tham gia vào những chuỗi giá trị sản xuất, chuỗi phân phối toàn cầu.

Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng được Bộ Công Thương tổ chức, tháng 6/2024. Ảnh: Đỗ Nga

Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng được Bộ Công Thương tổ chức, tháng 6/2024. Ảnh: Đỗ Nga

Trong công tác xúc tiến thương mại, Chính phủ và Bộ Công Thương thời gian vừa qua cũng đã đặt ra rất nhiều những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc thúc đẩy liên kết vùng bằng cách đưa ra những quy hoạch về phát triển các vùng kinh tế, thành lập các Tổ Điều phối về liên kết vùng,…

Cụ thể là những chính sách thông qua những chương trình lớn như: Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; Chương trình thương hiệu quốc gia; Chương trình phát triển thương hiệu trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm. Những chương trình này đặt ưu tiên để các địa phương cùng ngồi bàn thảo, tìm ra và có sự hợp tác để thực hiện những hoạt động có quy mô tham gia từ tối thiểu 2 địa phương trở lên và của một số những ngành hàng trọng điểm, chủ lực có thế mạnh nhất định của từng địa phương.

Thông qua những chương trình này, chúng tôi ghi nhận có sự tham gia của các doanh nghiệp giúp cho việc thực hiện chương trình khởi rất sắc rõ nét hơn so với giai đoạn trước đây. Với những chính sách ưu tiên tập trung trọng tâm, trọng điểm trong việc tăng cường những hoạt động có quy mô lớn hơn, có tính liên kết cao hơn sẽ là một trong những hướng đi chủ đạo trong thời gian tới.

Mặc dù Chính phủ cũng như các cơ quan ban ngành đã rất nỗ lực trong công tác xúc tiến thương mại với sản phẩm chủ lực tại các địa phương, song, thực tế còn nhiều thách thức. Thời gian tới, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Cục sẽ triển khai những hoạt động gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất và liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại?

Khi đưa các doanh nghiệp đi xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài, chúng tôi cũng tiếp xúc được với khá nhiều các nhà nhập khẩu và họ đánh giá rất cao về chất lượng, mẫu mã cũng như nhiều sản phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên, khi đề cập đến số lượng cung ứng thì đa số các doanh nghiệp hiện không đáp ứng được. Vì vậy, phải có những biện pháp quyết liệt trong liên kết sản xuất và phải bảo đảm sát những tiêu chí của các thị trường nhập khẩu thì mới có được lượng hàng lớn để phục vụ cho những hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô liên kết vùng, liên kết quốc tế cao hơn.

Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ thực hiện rất nhiều các hoạt động. Theo kế hoạch, ngoài việc tiếp tục thực hiện các hội nghị về xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu theo quy mô của từng vùng kinh tế để tiếp tục tìm ra những điểm nổi cộm phải đi sâu hơn cho các hoạt động xúc tiến thương mại, trong năm tới, Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng mới, đó là mô hình tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài theo quy mô vùng và chúng tôi gọi theo tiếng Anh là “Winning with Việt Nam - Chiến thắng cùng Việt Nam".

Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng mới - tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài theo quy mô vùng

Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng mới - tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài theo quy mô vùng

Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp, các địa phương có nhu cầu đi ra thế giới để khảo sát thị trường, học hỏi những mô hình hoạt động, mô hình xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, việc này sẽ dẫn đến các vấn đề như khó tiếp cận thị trường, phân tán nguồn lực. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình xúc tiến có quy mô hơn, với những đoàn tham gia lớn hơn... tạo nên hiệu ứng truyền thông cao hơn cho các doanh nghiệp tại các sự kiện. Đây cũng sẽ là một trong những hoạt động trọng tâm trong hỗ trợ xúc tiến thương mại liên kết vùng mà Bộ Công Thương sẽ thực hiện trong năm 2025.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tìm ra những biện pháp xúc tiến thương mại có sự hợp lực lớn hơn của các địa phương và doanh nghiệp trong thời gian tới với mong muốn các địa phương, doanh nghiệp nhiệt tình ủng hộ để hàng Việt bước ra thế giới với quy mô, vị thế là ngày càng mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Nga thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-huy-nguon-luc-lien-ket-vung-trong-xuc-tien-thuong-mai-tu-bai-hoc-bo-dua-343184.html