Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa
Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.
Thay đổi này bên cạnh tạo cơ hội cũng đòi hỏi các nhà trường cần phát huy sự chủ động, trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học ở các nhà trường.
Phát huy sự chủ động
Để lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 9 cho học sinh, Trường Trung học Cơ sở Quán Bàu, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) đã giao cho từng tổ nhóm chuyên môn đọc, phân tích kỹ ưu thế, hạn chế của từng bộ sách giáo khoa. Trên cơ sở góp ý của các giáo viên, nhà trường đã giao tổ chuyên môn tổng hợp, đề xuất danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu, bỏ phiếu và gửi báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Là giáo viên dạy Ngữ văn, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắm, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Quán Bàu cho biết: Với sách Ngữ văn, trường đang được giới thiệu 3 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Cánh diều và Chân trời sáng tạo. Qua trực tiếp nghiên cứu, nhiều giáo viên đang nghiêng về bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống vì có sự kế thừa từ các năm học trước. Phần kiến thức, nội dung các giáo viên đánh giá là khá ổn và học sinh đã làm quen với chương trình.
Ngoài các cuốn sách trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, hiện Trường Trung học Cơ sở Quán Bàu đang cùng lúc sử dụng sách của một số bộ sách khác ở nhiều môn học. Vì lẽ đó, việc sử dụng nhiều bộ sách cho cùng một cấp học có thể tiếp tục trong năm học tới với học sinh lớp 9.
Nói thêm về điều này, thầy giáo Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Theo chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa và sách giáo khoa hiện nay chỉ là tài liệu tham khảo. Qua nghiên cứu các bộ sách, nhà trường thấy rằng hầu hết đều đáp ứng được việc cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh, giúp các em hình thành các phẩm chất và phát triển năng lực. Nhưng bên cạnh đó, mỗi bộ sách cũng có những ưu việt riêng và không phải bộ sách nào cũng tốt 100%. Vì thế, khi được trao quyền tự chủ, trường khuyến khích các giáo viên bày tỏ ý kiến, dũng cảm để nghiên cứu lựa chọn. Không nên vì thói quen mà lựa chọn một bộ sách thiếu tính ưu việt, ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh và của nhà trường.
Thuộc huyện miền núi Quỳ Châu, nhiều học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Châu Hội sinh ra trong gia đình đông con, hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân sẽ tác động đến việc chọn sách giáo khoa của nhà trường sau khi trường được tự chủ trong việc lựa chọn.
Cô giáo Hà Thị Hồng, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Châu Hội, huyện Quỳ Châu cho biết: Sau 3 năm thực hiện thay sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cô thấy học sinh ở trường đang học bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và khá phù hợp với đặc thù của học sinh miền núi. Với nhiều dữ liệu hợp lý nên các em tiếp thu kiến thức dễ dàng, học sinh phát triển được năng lực, phẩm chất. Cô cũng thích các hoạt động trải nghiệm theo sách mới vì các em vừa được học, vừa được trải nghiệm những kiến thức gắn với thực tế cuộc sống nơi các em đang sống.
Tuy nhiên, bộ sách đã được lựa chọn với chương trình lớp 1, cô mong có thêm những sự điều chỉnh, ví dụ như lượng từ, lượng vần trong 1 bài còn hơi nhiều. Thế nên, nếu chỉ dạy trong 1 ngày thì hơi nặng. Thực tế, trong quá trình dạy học, các thầy cô đã phải tăng thêm thời lượng để phù hợp với chương trình. Qua nghiên cứu cô đang thiên về chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống khối lớp 5 vì đa dạng bài dạy và phù hợp với đối tượng địa phương.
Cô giáo Phan Thị Bá Tuyết, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trường Tộ, huyện Hưng Nguyên cũng cho rằng: Giáo viên là người trực tiếp đứng lớp và họ hiểu học sinh của mình. Trong khi đó, nhà trường cũng hiểu được đặc điểm của trường và họ sẽ lựa chọn được bộ sách phù hợp với điều kiện dạy học, cơ sở vật chất, đặc thù vùng, miền và năng lực của học trò cũng như của giáo viên. Bên cạnh đó, cô cho rằng, khi được tự chủ trong việc lựa chọn sách giáo khoa, giáo viên sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, chọn lựa sách theo đúng chương trình mình đã và đang giảng dạy. Qua đó, giúp phát huy quyền tự chủ, sự sáng tạo của giáo viên và phù hợp với thực tế dạy học hiện nay.
Giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa là sự thay đổi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các nhà trường tự chủ và nâng cao trách nhiệm trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Sự thay đổi này cũng nhằm hạn chế tình trạng lợi ích nhóm của một số đơn vị cung ứng, tăng lợi ích của học sinh, giáo viên và của nhà trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, để đảm bảo sự khách quan đòi hỏi các nhà trường và các giáo viên cần nghiên cứu kỹ từng bộ sách giáo khoa, công tâm và nêu cao vai trò trong việc thẩm định, bình chọn.
Phù hợp với thực tiễn
Tại Nghệ An, để việc lựa chọn sách giáo khoa đúng với mục tiêu đề ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành rõ các tiêu chí lựa chọn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.
Theo đó, việc chọn sách giáo khoa trong các nhà trường phải đảm bảo 3 tiêu chí: Phù hợp với việc học của học sinh; thuận lợi đối với giáo viên; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, việc này cũng cần phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Thực tế cho thấy, dù đã có những hướng dẫn khá rõ ràng, nhưng qua tìm hiểu tại các trường, việc lựa chọn sách giáo khoa ở một số nơi vẫn còn làm theo kiểu đối phó, chung chung và không tránh khỏi bệnh hình thức. Vì thế, nhiều trường dù đã thành lập hội đồng, thực hiện các bước lựa chọn sách theo đúng quy trình nhưng số trường có sự thay đổi “đột phá” trong sự lựa chọn sách giáo khoa so với các năm học trước không nhiều. Điều đó có nhiều nguyên nhân, một phần là vì phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh của nhà trường, của địa phương, của từng gia đình. Nhưng không tránh được việc một số trường ngại đổi mới, ngại va chạm.
Để việc lựa chọn sách đúng, trúng đối tượng, phù hợp với thực tiễn, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nghiên cứu kỹ Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 12/2/2024, để thực hiện đúng quy trình. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nêu cao vai trò của từng thành viên hội đồng trong lựa chọn sách giáo khoa.
“Sở cũng đã tổ chức các buổi tập huấn, gửi sách giáo khoa bản mềm, bản cứng để các nhà trường đọc và nghiên cứu bản mẫu. Quan điểm của Sở là việc thực hiện lựa chọn phải đảm bảo dân chủ, tạo thuận lợi cho phụ huynh và học sinh trong mua, sử dụng sách giáo khoa sau này. Bên cạnh đó, cũng phải lựa chọn được những bộ sách đạt chất lượng, đảm bảo tốt việc dạy và học ở các nhà trường”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết.
Thực tế cho thấy, cùng với việc đổi mới sách giáo khoa, việc tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên cũng cần được thực hiện thường xuyên. Chỉ khi các thầy cô được trau dồi kiến thức chuyên môn, chủ động tìm kiếm thông tin, áp dụng nhiều nguồn học liệu khác nhau phục vụ việc soạn giáo án, phương pháp giảng dạy mới, thực sự khuyến khích học trò tìm tòi, sáng tạo, đọc nhiều sách, làm nhiều dự án bài tập,… thì lúc đó những mục tiêu đổi mới giáo dục được đề ra mới có thể thành hiện thực.