Phát huy sức mạnh cộng đồng vệ sinh môi trường sau lũ

Sau lũ lụt, rác thải, bùn đất khiến môi trường một số khu vực bị ô nhiễm cục bộ. Ngay sau khi nước rút, các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đã khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. Công tác vệ sinh môi trường tại các cơ quan, đơn vị, trên các tuyến đường, nhà dân được tập trung thực hiện, đảm bảo các hoạt động sớm trở lại như thường nhật.

Dốc sức giúp dân

Mưa lớn sau cơn bão số 3 đi qua, việc khắc phục thiệt hại, dọn dẹp nhà cửa, công trình công cộng là một khối lượng công việc khổng lồ mà tỉnh Tuyên Quang phải bắt tay ngay vào làm. Để sớm đưa cuộc sống ổn định trở lại, tại khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội cùng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng công an nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.

Trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau lũ trên địa bàn tỉnh, Đại tá Hán Tô Hải, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Lực lượng vũ trang tỉnh đã tỏa đi các hướng, các địa bàn bị ngập lụt trên địa bàn tỉnh giúp đỡ nhân dân khắc phục; việc giúp dân được triển khai tích cực và khẩn trương để quyết tâm, cố gắng đưa cuộc sống của bà con trở lại bình thường”.

Sau bão lũ, lực lượng Công an toàn tỉnh tích cực tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội, cùng các lực lượng chức năng sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh sau bão lũ. Ngay trong chiều 12 - 9, khi nước lũ cơ bản rút hết, Đại tá Phạm Kim Đĩnh, Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp đến các điểm ngập sâu nước mới rút chỉ đạo Công an toàn tỉnh khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống.

Lực lượng Công an tỉnh tích cực vệ sinh môi trường sau lũ tại tuyến đường Quang Trung.

Lực lượng Công an tỉnh tích cực vệ sinh môi trường sau lũ tại tuyến đường Quang Trung.

Tại thành phố Tuyên Quang, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đã tỏa đi nhiều hướng, xuống các trục đường huyết mạch của thành phố và các khu dân cư, đến các xã, phường giúp dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, củng cố lại nhà cửa…

Bà Hoàng Thị Yến, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) xúc động bày tỏ: "Nhờ có các chú bộ đội, công an tham gia hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường sau lũ, cảnh quan xung quanh trở nên sạch sẽ và đẹp hơn hẳn. Sự tận tâm và nhiệt tình của các lực lượng đã giúp người dân chúng tôi vượt qua khó khăn, nhanh chóng khôi phục lại cuộc sống thường ngày. Thật sự biết ơn và cảm kích trước những nỗ lực ấy!"

Trong tình hình khối lượng công việc còn ngổn ngang, sự hỗ trợ tích cực của LLVT tỉnh Tuyên Quang và Công an nhân dân có ý nghĩa quan trọng, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống sau bão. Những việc làm chủ động, tích cực “thắm tình quân dân”, “vì dân phục vụ” của cán bộ, chiến sĩ LLVT và côn an nhân dân đã góp phần giúp nhân dân trên địa bàn tỉnh sớm ổn định cuộc sống; qua đó cũng lan tỏa hình ảnh đẹp về Bộ đội Cụ Hồ, công an trong lòng nhân dân.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng phát huy vai trò quan trọng, tích cực huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân. Với tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, Hiệp hội đã tổ chức lực lượng, phương tiện nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và đời sống cộng đồng.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Trong số những đơn vị tham gia chiến dịch, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng (TP Tuyên Quang) huy động 5 xe tải có tải trọng 8 tấn để tham gia vận chuyển rác thải. Những chiếc xe này đã hoạt động liên tục, đặc biệt ở các khu vực có lượng rác thải lớn, góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường sau lũ. Sự tham gia của các doanh nghiệp như Thành Hưng không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng góp sức khi địa phương gặp khó khăn. Hợp tác xã đá vôi Đội Cấn đã đóng góp 3 xe đầu kéo chuyên dụng, giúp vận chuyển lượng rác thải lớn từ các khu vực ngập sâu đến nơi tập kết an toàn. Các công ty khác cũng tích cực tham gia thu gom rác thải là Công ty TNHH Hiệp Phú, Công ty cổ phần Công nghiệp Tân Hà, Công ty Đông Bắc, Công ty Tuyên Hà Thịnh…

Chiều ngày 13-9, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục huy động 30 xe ô tô và 20 máy xúc để hỗ trợ công tác xúc rác và vận chuyển rác thải sau lũ. Những phương tiện này không chỉ giúp tăng tốc quá trình dọn dẹp mà còn giảm bớt gánh nặng cho người dân và các lực lượng địa phương. Hình ảnh những chiếc xe ô tô hối hả ra vào các khu vực bị ngập lụt, cùng các máy xúc miệt mài làm việc giữa lớp bùn đất, đã trở thành minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết và sức mạnh tập thể trong thời khắc khó khăn.

Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, lực lượng “áo xanh” đã chung sức cùng các cấp, các ngành và lực lượng chức năng tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão. Trong bão lũ, lực lượng đoàn viên thanh niên các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia cứu trợ, hỗ trợ người dân.

Khi bão lũ qua đi, đoàn viên thanh niên lại tích cực phối hợp cùng các đơn vị chức năng và nhân dân hỗ trợ thu gom rác thải phát sinh. Bí thư Thành Đoàn thành phố Tuyên Quang Phạm Thị Bích Hường chia sẻ: Các tuyến đường bị ngập lụt của thành phố ngổn ngang rác thải và bùn non gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông và ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Vì thế, trong sáng nay (13 -9), Thành đoàn đã huy động 60 đoàn viên, thanh niên tập trung dọn vệ sinh môi trường trên tuyến đường Quang Trung. Đồng thời chỉ đạo đoàn viên thanh niên cấp xã, phường tập trung hỗ trợ bà con nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.

Các cô giáo trường Mầm non Phan Thiết (TP Tuyên Quang) tham gia vệ sinh khu vực trường học để học sinh sớm trở lại trường.

Các cô giáo trường Mầm non Phan Thiết (TP Tuyên Quang) tham gia vệ sinh khu vực trường học để học sinh sớm trở lại trường.

Chị Nguyễn Thị Bích Đào, một hộ sinh sống trên trục đường Quang Trung (TP Tuyên Quang) bày tỏ: Lũ dâng cao, nhà chị ngập trong nước. Giờ nước rút, nhà chị lại ngập ngụa trong bùn non, đồ đạc hư hỏng, công tác dọn vệ sinh nhà cửa đã làm chị mệt nhoài. Trước cửa nhà rác thải ngổn ngang, nhưng chị không còn sức để dọn. Rất may có các bạn đoàn viên thanh niên đến giúp đỡ, vệ sinh gom rác và xúc rác, bùn non lên xe cho các đơn vị chức năng chở đi. Con đường trước mặt giờ đã sạch đẹp rồi.

Tại địa bàn huyện Hàm Yên, nước lũ rút sớm hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Ngay sau khi nước rút, với sức trẻ, tinh thần trách nhiệm, Huyện đoàn Hàm Yên đã tích cực vào cuộc hỗ trợ người dân vệ sinh môi trường. Trong đó, lực lượng đoàn viên thanh niên các cấp tham gia dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường, khu vực cầu tại các xã Minh Hương, Minh Khương, Yên Phú và thị trấn Tân Yên. Hỗ trợ các hộ gia đình các xã Thái Sơn, Yên Phú, Tân Thành và thị trấn Tân Yên dọn dẹp nhà cửa, nhà văn hóa.

Hoạt động của đoàn thanh niên các cấp không chỉ thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường, mà còn là tấm gương sáng về sự đoàn kết, chung sức đồng lòng vì cộng đồng. Những hành động thiết thực của đoàn viên thanh niên đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân, góp phần củng cố niềm tin và sự yêu mến của nhân dân đối với lực lượng thanh niên các cấp.

“Dọn bùn theo con nước”

Học kinh nghiệm dọn nhà sau lũ của người dân miền Trung, người dân Tuyên quang áp dụng cách “dọn bùn theo con nước”.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) bảo, những ngày lũ dâng, ngoài việc cập nhật tin tức thời tiết, chị thấy dân cư mạng chia sẻ rầm rộ kinh nghiệm dọn nhà sau lũ của người miền Trung. Chị đã học theo và rất hiệu quả. Sau khi mực nước rút đến ngang bắp chân, gia đình chị đã dùng chổi cọ, chổi cước liên tục khuấy nước để bùn không đọng lại trong nhà, đặc biệt là ở các ngóc, ngách nhỏ hẹp. Nước hạ tới đâu, ta khuấy tới đó. Đến khi nước rút khỏi sàn nhà thì múc nước ngoài sân hoặc bơm nước sạch cọ rửa một lần nữa là ổn.

Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng bố trí xe tham gia vệ sinh môi trường.

Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng bố trí xe tham gia vệ sinh môi trường.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Huyền, tổ 14, phường Tân Hà thì bảo, bà cũng học cách của người miền Trung, thức đêm canh đúng lúc nước rút. Khi nước còn hơn một gang tay dưới sàn thì dùng chổi cứng khuấy thật mạnh để bùn sục lên, không bám dưới sàn. Bùn non bám rất lì nên phải quậy thật mạnh, nhất là trong các ngóc ngách. Nước rút xuống đến đâu thì dùng chổi đẩy nước liên tục ra khỏi nhà theo đến đấy. Lúc này bùn sẽ ra theo nước nên đến khi nước rút hết bà chỉ vệ sinh tráng lại một lượt trong nhà và đồ dùng là xong.

Những gia đình nằm trong vùng ngập lụt chưa kịp áp dụng phương pháp “dọn nhà theo con nước” thì đến hôm nay người dân đã tích cực dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa để ổn định cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Chè, thị trấn Sơn Dương xúc động kể lại: Trận lũ lịch sử khiến ngôi nhà của bà ngập trong biển nước, gia đình phải tạm lánh đi nơi khác. Ngay sau khi nước rút, bà đã lập tức quay về bắt tay vào viêc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa ngập bùn đất. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ tận tình từ các đoàn thể, bà con trong tổ và cán bộ thị trấn Sơn Dương gia đình bà đã nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.

Hiện nay, các địa bàn bị ngập lụt trên địa bàn tỉnh nước lũ cơ bản nước đã rút hết. Khối lượng rác thải sau lũ thường tăng lên đột biến, gấp 2 - 3 lần ngày thường. Do đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo người dân, các đơn vị thu gom, xử lý rác trên địa bàn tăng cường nhân lực, trang thiết bị để thu dọn bùn đất, rác thải, tránh gây ô nhiễm môi trường và phát sinh bệnh dịch. Với những nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay của cả cộng đồng vấn đề môi trường tại các địa phương bị ngập lụt cơ bản đảm bảo vệ sinh, rác thải đã và đang được thu gom, vận chuyển đến nơi tập kết.

Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phat-huy-suc-manh-cong-dong-ve-sinh-moi-truong-sau-lu-198246.html