Phát huy sức mạnh của tổ chức hội, đoàn thể trong vận động hội viên tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh phối hợp các hội, đoàn thể thành lập nhiều mô hình tuyên truyền, vận động hội viên (HV) tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT). Sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của hội, đoàn thể huyện, thành phố cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở; sự linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện phù hợp với thực tế địa phương; HV, đoàn viên tích cực tham gia góp phần quan trọng trong việc phát triển người tham gia.

Viên chức Bảo hiểm xã hội lồng ghép tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các buổi sinh hoạt của các tổ/nhóm do hội, đoàn thể thành lập

Viên chức Bảo hiểm xã hội lồng ghép tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các buổi sinh hoạt của các tổ/nhóm do hội, đoàn thể thành lập

Hiện toàn tỉnh có gần 180 mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên phối hợp với cơ quan BHXH các cấp triển khai thực hiện bằng hình thức sinh hoạt tổ/nhóm ở cấp xã (gọi chung là các mô hình). Tổng số người tham gia từ các mô hình hoặc do thành viên của các mô hình vận động được là 5.263 người, trong đó tham gia BHXH tự nguyện là 634 người, BHYT là 4.629 người.

Bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh - Giám đốc BHXH tỉnh nhận xét: “Các mô hình được BHXH tỉnh cũng như toàn ngành BHXH Việt Nam đánh giá rất cao vì đã góp phần tăng thêm độ bao phủ BHYT toàn dân và thúc đẩy người dân tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo an sinh lúc tuổi già”.

Điển hình như Chi hội Nông dân Ấp 2, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, do chú Võ Văn Mạnh làm Chi hội trưởng. Với hình thức thành lập tổ hùn vốn, hàng tháng tiết kiệm trong chi tiêu, chi hội vận động mỗi hộ góp từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ chưa có điều kiện mua BHYT, BHXH tự nguyện. Hoạt động có hiệu quả, Hội Nông dân xã chọn Ấp 2 làm điểm để nhân rộng mô hình. Đến nay, xã đã thành lập được 10 tổ, với 120 thành viên tham gia, số tiền góp vốn mỗi kỳ vài chục triệu đồng.

Chú Mạnh chia sẻ: “Bước đầu, Chi hội tiến hành khảo sát các hộ nông dân trên địa bàn và lập danh sách các hộ đăng ký tham gia vào tổ. Sau đó, mời các hộ họp để thông tin về sự cần thiết của việc tham gia vào tổ thì được quyền lợi như thế nào và thống nhất phương thức góp vốn, xếp lịch nhận vốn, ưu tiên xét cho người lớn tuổi hoặc những hộ chưa mua BHYT, BHXH được nhận vốn trước; bình bầu Ban quản lý tổ; bàn và thống nhất quy chế của tổ để Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đề nghị UBND xã ra quyết định thành lập tổ”.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Tân Nghĩa cũng rất quan tâm tuyên truyền bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, HV, nông dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia. Từ đó, nhiều gia đình HV nông dân, nhất là HV có hoàn cảnh khó khăn đã hiểu và tham gia mua BHYT. Ông Bùi Văn Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nghĩa cho hay: “Theo quy chế, mỗi thành viên khi được nhận vốn sẽ để lại cho tổ một số tiền tùy theo sự thống nhất của tổ viên để làm chi phí tập viết trà nước khi tổ chức họp tổ. Định kỳ mỗi tháng, tổ chức sinh hoạt 1 lần gắn với sinh hoạt lệ tổ Hội. Mô hình góp phần rất quan trọng để hoàn thành tiêu chí số 14.1 về tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, đạt trên 95%”.

Có thể thấy rằng, các mô hình được thành lập từ các hội, đoàn thể tham gia BHYT, BHXH tự nguyện trong tỉnh đã thể hiện tinh thần “Tương thân tương ái”, sống có nghĩa, có tình của người dân. Qua đó, vun đắp tình làng nghĩa xóm, giúp HV giảm bớt chi phí khám và điều trị bệnh, giảm nhẹ gánh nặng về tài chính cho gia đình HV có hoàn cảnh khó khăn, góp phần đáng kể trong thực hiện chính sách an sinh xã hội ở địa phương; phát huy tinh thần “người có giúp người khó” để hỗ trợ nhau khi gia đình có người đau ốm, giảm chi phí khám chữa bệnh, nhất là giảm được tình trạng trong lúc thắt ngặt phải vay lãi nặng.

Để kịp thời hỗ trợ và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình này tại cơ sở, thời gian tới, BHXH tỉnh giao BHXH cấp huyện định kỳ tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT; khuyến khích các tổ, nhóm, mô hình tham gia làm cộng tác viên cho các tổ chức dịch vụ thu; kịp thời đề xuất cấp trên khen thưởng các tổ, nhóm hoạt động hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.

Theo BHXH tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 133.056 người tham gia BHXH, tăng 7.654 người so với cuối năm 2022, đạt 101,21% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao (27.072 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 104,90%); có 1.494.000 người tham gia BHYT, đạt bao phủ 93,37% dân số (tăng 20.311 người so với cuối năm 2022), đạt 101,08% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 100,21% chỉ tiêu BHXH Việt Nam.

V.H

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/phat-huy-suc-manh-cua-to-chuc-hoi-doan-the-trong-van-dong-hoi-vien-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-bao-hie-121072.aspx