Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Từ khi ra đời, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, đường lối chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tất cả những quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết dân tộc trong những năm qua, nhất là trọng giai đoạn đổi mới đất nước đã được ban hành và kịp thời thể chế hóa Hiến pháp và pháp luật nên đã từng bước đi vào cuộc sống, đã khơi dậy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý đất nước. Những kết quả đạt được trong các cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và Nghị quyết Trung ương, khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng cũng như trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, đã góp phần làm cho “khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức”.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận cần chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Chăm lo và tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam các cấp phát huy vai trò của mình trong đoàn kết, tập hợp nhân dân, phản biện xã hội. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người có chức, có quyền; triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; vận động các tầng lớp nhân dân cùng Ðảng, Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, chăm lo và phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, cần nhanh chóng để hiện thực hóa các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ mọi định kiến, hòa giải dân tộc để cấu kết sức mạnh người Việt Nam ở trong và ngoài nước; phát huy truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung của tổ tiên, cùng nhau hợp sức xây dựng cho được một xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định và phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.