Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững

Những năm qua, hoạt động của hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (CT - XH) trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, ngày càng phát huy tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần xây dựng Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững.

Xác định công tác MTTQ và các tổ chức CT - XH là trách nhiệm của hệ thống chính trị, là bộ phận quan trọng thường xuyên trong công tác dân vận của Đảng, Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, kịp thời cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 10-ĐA/TU về Nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức CT - XH tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2022 - 2026. Thường xuyên chỉ đạo, định hướng những công tác lớn, nhiệm vụ trọng tâm cho MTTQ và các tổ chức CT - XH hoạt động. Chỉ đạo MTTQ và các tổ chức CT - XH rà soát, điều chỉnh xây dựng quy chế hoạt động, quy chế phối hợp giữa các cơ quan chính quyền.

Đổi mới phương thức, mô hình hoạt động phù hợp với tình hình mới, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Trọng tâm là việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”... Các hoạt động nhân đạo, từ thiện được thực hiện thường xuyên đạt hiệu quả thiết thực. Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng và triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch công tác đề ra; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân trên 4%/năm.

Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức CT - XH hoạt động hiệu quả. Đưa nội dung lãnh đạo công tác Mặt trận và đoàn thể thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng các cấp; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác Mặt trận, đoàn thể. Quan tâm lãnh đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy và phân công cán bộ có trình độ, năng lực làm công tác Mặt trận, đoàn thể; định kỳ hằng quý cấp ủy họp với MTTQ và các tổ chức CT - XH để định hướng chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động và những vấn đề liên quan...

5 năm qua, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tổ chức 636 hội nghị lấy ý kiến góp ý của MTTQ, các tổ chức thành viên vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với 15.551 lượt người tham dự; 181 hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với 3.982 lượt người tham dự; tổng hợp 12 báo cáo về tình hình nhân dân đối với đại hội Đảng các cấp; góp ý cho 19 dự án luật…

Tổ chức 57 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân về công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; chính sách đối với người có công… Tổ chức 64 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội khóa XV với 5.410 cử tri tham gia; 446 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII với 26.200 cử tri tham gia; phối hợp với Thường trực HĐND tổ chức 7 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa các đại biểu chuyên trách HĐND tỉnh với cử tri ngành y tế, giáo dục, doanh nghiệp, nông dân. MTTQ các cấp tổ chức 1.714 hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú với 130.600 cử tri tham dự; 1.656 hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử, với 81.402 cử tri tham dự...

Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà hộ nghèo xã Sơn Lộ (Bảo Lạc).

Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà hộ nghèo xã Sơn Lộ (Bảo Lạc).

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp ủy đảng, hoạt động của MTTQ và các tổ chức CT - XH có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả; chất lượng các tổ chức cơ sở được nâng lên rõ rệt. Bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX và nhiệm vụ chính trị của địa phương, MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 với 14/15 chỉ tiêu đạt, trong đó 5 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch đề ra; xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, các gương sáng, điển hình ngày càng được lan tỏa và nhân rộng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của MTTQ các cấp còn những hạn chế, khó khăn như: công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở một số khu dân cư hiệu quả chưa cao, chưa có chiều sâu, còn mang tính chung chung, hình thức; công tác nắm bắt tình hình nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa sát dân, gần dân. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ Mặt trận chưa đồng đều…

Để tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ các cấp trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ và các tổ chức CT - XH. Các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác Mặt trận trong tình hình mới; đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của MTTQ và các tổ chức CT - XH trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về thực hành phong cách dân vận theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân.

Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với MTTQ và các tổ chức CT - XH. Các cấp ủy đảng cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, quy chế… nhằm đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện đối với MTTQ và các tổ chức CT - XH. Tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và các tổ chức CT - XH tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước liên quan trực tiếp đến sự phát triển chung của tỉnh và các địa phương, liên quan đến quyền lợi của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Chú trọng chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác MTTQ và các tổ chức CT - XH.

Ba là, chỉ đạo chính quyền các cấp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các tổ chức CT - XH. Hằng năm, căn cứ định hướng của cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức CT - XH cùng cấp xác định nội dung cụ thể, sát với nhiệm vụ chính trị trọng tâm để phối hợp thực hiện; đồng thời, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; các quy chế, chương trình phối hợp, ký kết liên tịch giữa UBND với Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT - XH các cấp; phối hợp cung cấp kịp thời thông tin, dự thảo cơ chế, chính sách... để MTTQ và các tổ chức CT - XH phản biện theo quy định; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp thu và sớm xem xét giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát của MTTQ và các tổ chức CT - XH về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Bốn là, đổi mới tổ chức và nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức CT - XH, hướng mạnh về cơ sở, tập trung cho cơ sở và địa bàn dân cư. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân; phát huy tính năng động, sáng tạo của MTTQ và các tổ chức CT - XH các cấp trong công tác vận động quần chúng, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, cơ sở. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hóa, bệnh hình thức, bệnh thành tích; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức CT - XH.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp giữa MTTQ với chính quyền các cấp và các tổ chức CT - XH để thực hiện các cuộc vận động, phòng trào thi đua yêu nước, các việc khó, khâu yếu. Thực hiện tốt công tác phối hợp nắm bắt tình hình, thu thập ý kiến, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và dư luận xã hội để phản ánh kịp thời với cấp ủy đảng, chính quyền; theo dõi, giám sát việc chính quyền các cấp giải quyết các kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân; phối hợp tham gia giải quyết tốt các vấn đề, vụ việc phát sinh từ cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Sáu là, tiếp tục xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để MTTQ và các tổ chức CT - XH thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Không ngừng củng cố tổ chức bộ máy cơ quan MTTQ và các tổ chức CT - XH các cấp trong tỉnh; xây dựng tiêu chuẩn, chức danh gắn với chính sách đãi ngộ phù hợp để khuyến khích, thu hút cán bộ có trình độ, tâm huyết vào làm công tác MTTQ các cấp và các tổ chức CT - XH ở địa phương; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ dân vận, MTTQ, các tổ chức CT - XH của tỉnh; quan tâm tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ người dân tộc thiểu số, tôn giáo, vùng đặc thù vào cơ quan MTTQ và các tổ chức CT - XH...

Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-gop-phan-xay-dung-cao-bang-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-3170983.html