Phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong phòng, chống thiên tai

Cơn bão số 3 đã qua đi, nhưng chắc hẳn với mỗi người dân, nhất là các tỉnh miền Bắc đều không sao quên được bởi sức mạnh khủng khiếp từ thiên nhiên. Hậu quả là những nỗi đau, thiệt hại không gì có thể so sánh được. Có cùng trải qua những tháng ngày đó mới thấy sức mạnh của sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân.

Người dân cùng lực lượng chức năng khắc phục sự cố công trình thủy lợi Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh, sáng 14/9/2024. Ảnh: TTXVN phát

Người dân cùng lực lượng chức năng khắc phục sự cố công trình thủy lợi Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh, sáng 14/9/2024. Ảnh: TTXVN phát

Khó vạn lần dân liệu cũng xong

Cống trạm bơm Văn Thai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) có nhiệm vụ lấy nước tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa của bà con nông dân trong xã và các vùng lân cận. Tuy nhiên, lũ trên sông Thái Bình lên trên báo động số 3, xảy ra sự cố nước chảy vào hạ lưu cống với lưu lượng lớn, áp lực mạnh, nguy cơ vỡ cống rất cao; đồng nghĩa với vỡ đê, nguy cơ mất an toàn cho hơn 150.000 dân, hàng nghìn ha cây trồng, vật nuôi huyện Lương Tài và nhân dân huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Trước tình huống khẩn cấp, với phương châm 4 tại chỗ, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lương Tài huy động 1.800 lượt cán bộ chiến sỹ Quân đội, Công an, nhân dân các xã Minh Tân, Lâm Thao, Lai Hạ, Trung Kênh, Trung Chính, Phú Lương, Trừng Xá. Huy động 12 ô tô vận chuyển đất, đá; 4 máy xúc và phọc; 32.000 bao tải dứa; 150 m3 đá dăm; 855 m3 đất, cát; 6m3 đá hộc; 3 bạt chống sóng; 20 rọ sắt; 100 chiếc áo phao; 10,8 m3 gỗ, xử lý bằng phương pháp hoành triệt dùng bao tải đất. Cùng với đó, chính quyền huyện Cẩm Giàng tổ chức ứng trực, sẵn sàng đối phó với tình huống khẩn cấp. Với sự hiệp đồng tác chiến, phối hợp chặt chẽ của các lực lượng, chiều 12/9, sự cố đã được khắc phục hoàn toàn.

Đến nay, mặc dù cơn bão qua nhiều ngày, nhưng ông Vũ Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Tài vẫn không thể quên những tháng ngày cùng nhân dân chống lũ.

Ông Vũ Văn Hào bày tỏ: Lương Tài là huyện vùng trũng, thuần nông, bởi vậy, nguy cơ ngập úng và thiệt hại rất lớn. Trong những ngày trước, sau bão, lũ các lãnh đạo huyện, phòng chuyên môn đều tham gia trực 100% quân số. Mặc dù nhà ở gần nhưng nhiều đồng chí hơn 10 ngày chưa về nhà, sát cánh cùng nhân dân chặn dòng lũ dữ. Điều mà ông thấy ấn tượng nhất là tình người và tinh thần đoàn kết của nhân dân khi xử lý sự cố trạm bơm Văn Thai. Chỉ sau 30 phút, phát hiện sự cố, huyện huy động hàng trăm người dân có mặt, mỗi người không ai bảo ai mang theo các vật dụng cần thiết, đến hiện trường xúc cát, xe đẩy, đá, phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý sự cố. Nhờ công tác ứng phó ban đầu kịp thời nên sự cố mới có thể nhanh chóng giải quyết, tránh thiệt hại nặng nề.

Cùng với Văn Thai, bài học huy động sức dân tham gia chống lũ còn được minh chứng rất rõ tại khu phố Đẩu Hàn, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Chắc hẳn hơn 1.700 nhân khẩu khu Đẩu Hàn, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh không thể nào quên được 2 ngày, 3 đêm nhân dân đồng lòng chặn dòng lũ dữ.

Anh Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Đẩu Hàn chia sẻ, sau khi nhận được thông tin nước sông Cầu lên báo động 3, từ chiều 10/9, từ sự chỉ đạo của tỉnh, các hộ dân trong làng đều huy động mỗi gia đình ít nhất 1 người tham gia đắp đê, chống lũ. Người xe cát, dồn cát, đắp đê, căng bạt, phụ nữ yếu hơn thì lo hậu cần. Mọi người đều cố gắng cứu đê, bảo vệ an toàn cho các hộ dân cùng với gần 100 ha lúa, hoa màu.

Đến nay, anh Nguyễn Văn Quyết vẫn không thể quên sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng, nhân dân khắp nơi cùng Đầu Hàn vượt qua khó khăn. “Bất chấp trời mưa lớn, chạy đua cùng cơn lũ đang cuồn cuộn chảy về có nguy cơ “nuốt chửng” đê bối, nước đang ngấp nghé, trực nhấn chìm con đê, hàng trăm chiến sĩ Công an, Quân đội, thức trắng đêm cùng nhân dân đắp xong những đoạn đê trọng yếu, bảo vệ an toàn. "Đắp đê lên cao bao nhiêu thì nước dâng bấy nhiêu, đến đêm thứ 3, khi chúng tôi đều thấm mệt, không ai bảo ai, hàng trăm người dân ở khắp nơi cùng thức đêm đắp xong gần 3km đê chống lũ với độ cao hơn 1 mét. Mặc dù rất mệt nhưng chúng tôi ai cũng cảm thấy ấm lòng bởi hai tiếng “đồng bào””, anh Quyết bày tỏ.

Không chỉ ở trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, sự cố do thiên tai gây ra, tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng hỗ trợ, cùng huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội kịp thời xử lý nhanh chóng, an toàn đoạn đê bị vỡ vào 6 giờ ngày 14/9, tại vị trí km8+200 bờ hữu công trình thủy lợi Ngũ Huyện Khê đoạn tiếp giáp giữa phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và xã Dục Tú, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Do nước sông dâng cao, áp lực nước lớn, đoạn đê này xảy ra sự cố vỡ bờ với chiều rộng 5-7 m, nguy cơ gây ngập úng 500 hộ dân khu dân cư Ao Nhãn, khu phố Đa Hội, phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn.

Trực tiếp đến hiện trường xử lý sự cố, ông Nguyễn Tuấn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Từ Sơn chia sẻ: Với phương châm “4 tại chỗ”, chỉ sau 30 phút phát hiện sự cố, thành phố đã huy động hơn 1.500 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, sử dụng 4 máy xúc, 5 xe ô tô cùng đất đá, cọc tre, bao tải đất… xử lý sự cố. Cùng với đó, địa phương tiếp tục cử lực lượng chức năng theo dõi vị trí được xử lý, đồng thời tiến hành rà soát các vị trí khác có nguy cơ vỡ, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực sẵn sàng xử lý, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi cũng như tính mạng, tài sản của nhân nhân trong khu vực. Với sự khẩn trương, quyết liệt, đến khoảng 9 giờ 30 phút cùng ngày, sự cố được kiểm soát, không gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.

Quyết liệt vào cuộc, đến từng điểm “nóng”

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi, trước diễn biến phức tạp, khó lường của cơn bão số 3, ngay từ đầu, Bắc Ninh đã tích cực, chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó với cơn bão.

Ngày 5/9/2024, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn chỉ đạo thành lập các đoàn công tác gồm Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy có kinh nghiệm về công tác ứng phó với mưa bão tổ chức kiểm tra, giám sát các điểm xung yếu và công tác phòng chống lụt bão tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, động viên người dân ở các khu vực nguy hiểm sơ tán đến nơi an toàn, quán triệt cán bộ, công nhân viên, dân phòng tại các trạm bơm, điếm canh đê nâng cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng ứng phó các tình huống khi mưa bão đổ bộ vào tỉnh.

Ngay trong thời điểm mưa bão, các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp thị sát và chỉ đạo công tác ứng phó tại một số điểm xung yếu về mưa lũ. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn chỉ đạo kịp thời khi di dời 40 hộ dân sinh sống tại hai khu 2A và 3D, Khu tập thể Công ty Thuốc lá Bắc Sơn, phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh đến nơi tạm trú. Đây là hai khu tập thể được xây dựng năm 1979 và 1987, hiện đã xuống cấp, có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của người dân, Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo khơi thông hệ thống tiêu, thoát nước của thành phố nhằm bảo đảm an toàn giao thông, chống ngập úng cục bộ.

Bất cứ nơi nào, khi phát hiện ra các tình huống khẩn cấp, sự cố, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều có mặt kịp thời, chỉ đạo, xử lý an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, khi cơn bão đổ bộ vào Bắc Ninh, song song với nhiệm vụ ứng phó, khắc phục hậu quả, đồng thời đề cao cảnh giác với tình huống nước lũ trên các triền sông dâng cao do nguồn nước từ trên thượng nguồn đổ về, đe dọa sự an toàn của các tuyến đê, nhất là hệ thống đê bối bao quanh các khu dân cư ngoài bãi sông Cầu hay các sự cố mạch ngầm, mạch sủi; nứt, sạt trượt mái đê; rò rỉ cống ngoài đê… đều được tỉnh phát huy hiệu quả yếu tố “4 tại chỗ”, bảo đảm tuyệt đối an toàn, hạn chế tối đa những thiệt hại.

Do nước lũ trên các triền sông dâng cao, nhiều khu dân cư sống ven đê do ảnh hưởng nước sông dâng cao đã bị ngập, lụt cục bộ, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đã trực tiếp cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thị sát tình hình đê điều, động viên bà con nhân dân vùng lũ. “Quan điểm của tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung hỗ trợ tối đa người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ, không để ai bị thiếu thốn, nhất là lương thực, thực phẩm, thuốc men. Về lâu dài, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp thống kê thiệt hại, hỗ trợ kịp thời cho bà con yên tâm phát triển sản xuất”. Chính sự động viên kịp thời này của người đứng đầu tỉnh Bắc Ninh đã tạo động lực, niềm tin, động viên nhân dân, tạo nên khối đại đoàn kết vượt qua khó khăn, khắc phục thiên tai.

Đánh giá về công tác phòng, chống bão số 3 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định một trong những yếu tố làm nên thành công của tỉnh là công tác hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị, trong đó lực lượng “4 tại chỗ” của các địa phương, lực lượng vũ trang Công an, Quân đội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ trong công tác phối hợp. Đặc biệt, khẳng định thương hiệu điểm đến hấp dẫn và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư khi Bắc Ninh không để mất điện, ngập úng trong khu công nghiệp, vừa đảm bảo an toàn hệ thống thủy lợi, song vẫn đảm bảo hệ thống tiêu thoát nước công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, sau cơn bão số 3, Bắc Ninh có thêm nhiều kinh nghiệm mới trong công tác phòng chống lụt bão, trong đó, cần tư duy lại việc “Bắc Ninh là địa phương không có bão, không có lụt” để có biện pháp chủ động hơn trong công tác ứng phó với bão, tránh tâm lý chủ quan; phương án “4 tại chỗ” cần được củng cố thường xuyên, xây dựng kế hoạch phối hợp hiệp đồng giữa lực lượng tại chỗ và các lực lượng vũ trang trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời cần chủ động hơn để giảm thiểu thiệt hại…

Thanh Thương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-trong-phong-chong-thien-tai-20240922120840136.htm