Phát huy sức mạnh để nhân rộng điển hình tiên tiến

Nhiều năm qua, Phong trào Thi đua yêu nước (TĐYN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có sức lan tỏa mạnh mẽ. Kết quả đó có sự phối hợp hiệu quả giữa Ban Thi đua-Khen thưởng (TĐ-KT) thành phố với Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) trong thực hiện công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến (ĐHTT) thông qua những chương trình, mô hình cụ thể.

Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”, do Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh tổ chức tháng 1-2019 đã vinh danh 96 tập thể, cá nhân điển hình trong Phong trào TĐYN, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong lễ tuyên dương, nhiều gương điển hình đã giao lưu, chia sẻ những câu chuyện xúc động về tình người, nghị lực vượt khó vươn lên và tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm bảo vệ yên bình cho nhân dân… Đây là lần thứ ba MTTQ thành phố tổ chức lễ tuyên dương nhằm cụ thể hóa chương trình phối hợp tuyên truyền, nhân rộng ĐHTT trong cộng đồng.

 Giao lưu điển hình-một hình thức tuyên truyền thi đua yêu nước ở TP Hồ Chí Minh.

Giao lưu điển hình-một hình thức tuyên truyền thi đua yêu nước ở TP Hồ Chí Minh.

Từ năm 2017 đến nay, chương trình phối hợp tuyên truyền giữa các cơ quan, đoàn thể được triển khai sâu rộng. Theo đó, từng đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Trung cho biết: “Căn cứ chỉ thị của Thành ủy và chương trình ký kết, MTTQ thành phố đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, như: Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh, rạch vì thành phố sạch, giảm ngập nước”; tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”; tuyên dương “Người công giáo TP Hồ Chí Minh tiêu biểu”; giao lưu điển hình TĐYN… Những hoạt động này được duy trì đều đặn, chặt chẽ từ cơ sở bảo đảm dân chủ, khách quan, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân”.

Theo đánh giá của Ban TĐ-KT thành phố, công tác phối hợp tuyên truyền đã phát huy tốt hiệu quả. Nhiều hình thức mới, cách làm hay được vận dụng, tác động mạnh mẽ tới các tầng lớp nhân dân, khích lệ mọi người, mọi tổ chức hăng hái thi đua làm nhiều việc tốt, như: Phụ nữ thành phố tổ chức cuộc thi kể chuyện “Gương sáng phụ nữ quanh tôi”, thi viết “Hoa giữa đời thường”, “Người con hiếu thảo”… Đoàn thanh niên đẩy mạnh thực hiện chương trình “Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo”, tuyên dương “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 giỏi”, “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”… Liên đoàn Lao động thành phố cụ thể hóa Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, duy trì đều đặn Giải thưởng Tôn Đức Thắng vinh danh kỹ sư, công nhân tiêu biểu… Hội Cựu chiến binh các cấp phát động Phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, tổ chức cuộc thi viết “Cựu chiến binh trong tôi”…

Nổi bật trong công tác phối hợp tuyên truyền là các cơ quan báo, đài thành phố. Với thế mạnh của truyền thông, Báo Sài Gòn giải phóng, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) và Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh (VOH) đã lồng ghép hoạt động chuyên môn vào công tác tuyên truyền gương điển hình TĐYN; mở chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; phát động cuộc thi viết phóng sự, ký sự nhằm phát hiện, tôn vinh gương sáng đời thường… Các tin, bài đều bám sát thực tiễn cuộc sống, hướng về cơ sở, ưu tiên tuyên truyền gương người lao động trực tiếp làm việc trên mọi lĩnh vực. Phó giám đốc VOH Nguyễn Trọng Trí chia sẻ: “Tuyên truyền Phong trào TĐYN, nhân rộng ĐHTT là một nhiệm vụ quan trọng, được ban lãnh đạo VOH quan tâm, chỉ đạo sát sao trong từng giai đoạn. Chúng tôi tích cực đổi mới nội dung, hình thức thể hiện các tin, bài, chuyên mục sao cho chân thực, hấp dẫn người nghe và giới thiệu nổi bật về gương tiêu biểu để cổ vũ mọi người học tập, noi theo”.

Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thể hiện ở kết quả khen thưởng, tôn vinh và đề nghị khen thưởng đúng người, đúng việc theo quy trình phát hiện, kiểm chứng, bình chọn, tôn vinh, tuyên truyền nhân rộng. Do đó, ĐHTT được tôn vinh đều thực sự tiêu biểu, xứng đáng, có sức thuyết phục trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo đề xuất của anh Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, công tác tuyên truyền không chỉ dừng lại ở các cơ quan có ký kết chương trình phối hợp mà phải tăng cường tuyên truyền ở các sở, ngành, địa phương bằng nhiều hình thức; đồng thời cần đánh giá hiệu ứng tuyên truyền, thống kê số lượng người dân tiếp cận với các tin, bài, chuyên mục người tốt, việc tốt trên các trang điện tử của quận, huyện, đoàn thể để đổi mới, xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp. Đây cũng là ý kiến của nhiều cán bộ làm công tác tuyên giáo, TĐ-KT trên địa bàn thành phố. Theo Trưởng ban TĐ-KT TP Hồ Chí Minh Huỳnh Công Hùng: Các cơ quan, đơn vị nên cử từ một đến hai người để tham gia thành lập tổ tuyên truyền chung nhằm trao đổi, cung cấp thông tin cho báo, đài và các đầu mối; chủ động thực hiện phần việc của mình một cách sáng tạo, lấy hiệu quả thi đua thực chất, công bằng làm tiêu chí tuyên truyền để Phong trào TĐYN của thành phố ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp, mọi lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/phat-huy-suc-manh-de-nhan-rong-dien-hinh-tien-tien-591960