Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng Ninh Bình ngày càng giàu mạnh, văn minh

Nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự phối hợp của chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng và phát huy, tiềm năng, sức sáng tạo trong Nhân dân được khơi dậy mạnh mẽ, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2019-2024.

Các đại biểu dự lễ cắt băng khánh thành và gắn biển Cầu Bản, xã Hùng Tiến (Kim Sơn). Ảnh: Đức Lam

Các đại biểu dự lễ cắt băng khánh thành và gắn biển Cầu Bản, xã Hùng Tiến (Kim Sơn). Ảnh: Đức Lam

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024, 5 năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đó là củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Công tác tuyên truyền, vận động tập hợp Nhân dân, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được đổi mới cả về nội dung, hình thức. MTTQ các cấp đã phát huy hiệu quả yếu tố tích cực của mạng xã hội, thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; định hướng dư luận xã hội, đấu tranh, phản bác các thông tin xuyên tạc, xấu độc của các thế lực thù địch; kịp thời nắm tình hình, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, phản ánh, kiến nghị với các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức nền nếp ở 100% khu dân cư, trong đó có trên 90% khu dân cư tổ chức tốt cả phần lễ và phần hội; trên 62% khu dân cư tổ chức "Bữa cơm đại đoàn kết". Ngày 18/11 hàng năm đã thực sự trở thành Ngày hội của toàn dân, một phương thức tuyên truyền hiệu quả mang đậm dấu ấn của MTTQ các cấp, qua đó cổ vũ tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng quê hương, phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo sự gắn bó, liên hệ mật thiết giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên với Nhân dân.

Với tinh thần hướng về cơ sở, MTTQ các cấp xác định lấy cơ sở là trung tâm để triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và là một trong 2 khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024. Theo đó, MTTQ các cấp tiếp tục duy trì việc phân công cán bộ dự sinh hoạt với Ban Công tác Mặt trận khu dân cư để trao đổi, đối thoại, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Trong nhiệm kỳ, đã có hơn 5.000 lượt cán bộ Mặt trận các cấp đi cơ sở, dự sinh hoạt tại khu dân cư, kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền quan tâm, giải quyết những vấn đề băn khoăn, bức xúc trong Nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, không để phát sinh điểm nóng ngay từ cơ sở.

Bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, căn cứ tình hình thực tiễn, MTTQ các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Nổi bật là đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Đã vận động Nhân dân đóng góp nguồn lực, hiến đất, hiến công, hiến kế xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế; xây dựng, nhân diện các mô hình tự quản, mô hình điểm về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội... MTTQ các cấp chủ trì tổ chức tốt việc lấy ý kiến đánh giá hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Thông qua hoạt động của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã góp phần tích cực, chung sức với các cấp ủy đảng, chính quyền hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo lộ trình đề ra.

Đặc biệt, với gần 3% đồng bào dân tộc thiểu số và 23,65% đồng bào theo tôn giáo (Công giáo và Phật giáo) sinh sống trên địa bàn tỉnh, 5 năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã coi trọng và thực hiện tốt công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên giữ liên hệ, gặp gỡ, thăm hỏi các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hàng năm, mỗi độ Tết đến Xuân về, MTTQ phối hợp với Công an tỉnh gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo trong toàn tỉnh, góp phần tạo điều kiện để các tôn giáo được giao lưu, chia sẻ và hiểu nhau hơn. Qua đó tạo sự đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng Đảng bộ, Chính quyền và các tầng lớp nhân dân xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển nhanh và bền vững. MTTQ các huyện Gia Viễn, Nho Quan phối hợp với Công an cùng cấp và các ngành có liên quan tổ chức hội nghị gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp đầu xuân. Trong nhiệm kỳ, MTTQ các cấp phối hợp với các ngành chức năng tham mưu giải quyết 160 nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, không để xảy ra "điểm nóng" về tôn giáo.

MTTQ tỉnh chủ trì, phối hợp với một số tổ chức thành viên, 2 tổ chức tôn giáo chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả 5 mô hình điểm về công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh. Trong đó, mô hình "Vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương-giáo" là mô hình tiêu biểu trong toàn quốc, thể hiện sinh động tình đoàn kết lương-giáo. Thực hiện mô hình, 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng 48 nhà Đại đoàn kết lương-giáo, với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng, trong đó, chức sắc Phật giáo hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng, chức sắc Công giáo hỗ trợ trên 1,09 tỷ đồng, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" hỗ trợ 921 triệu đồng, còn lại là nguồn hỗ trợ của gia đình, anh em dòng tộc. MTTQ tỉnh cùng với các tổ chức tôn giáo và các tổ chức thành viên ủng hộ trên 300 triệu đồng chung tay xây dựng công trình Đại đoàn kết-Cầu Bản, xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn...

Với những hiệu quả thiết thực đem lại từ mô hình, tháng 2 năm 2024, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tặng Bằng khen cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong "vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết". Bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể, MTTQ các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt vai trò là "cầu nối" giữa các tôn giáo, giữa tôn giáo với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Đây là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ qua.

Phát huy truyền thống "Tương thân, tương ái" của dân tộc, hằng năm, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, động viên các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tích cực chăm lo, giúp đỡ người nghèo và các hoạt động an sinh xã hội. 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động trên 135 tỷ đồng ủng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội". Từ nguồn Quỹ đã có 2.122 hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở; nhiều thương, bệnh binh được hỗ trợ xe lăn; hàng nghìn người nghèo được hỗ trợ sinh kế, nhiều học sinh nghèo được tiếp bước đến trường…

Những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy đã thắp sáng ngọn lửa yêu thương, khơi dậy nguồn lực, khát vọng và ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân Ninh Bình trên hành trình dựng xây, phát triển quê hương, đất nước. Cùng với đó, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã khẳng định vai trò quan trọng trong phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

MTTQ tỉnh chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có nhiều hoạt động cứu trợ nhân đạo, từ thiện, kịp thời chia sẻ, giúp đỡ đồng bào trong nước và nước ngoài bị thiệt hại do thiên tai, hoạn nạn. Tham mưu làm tốt công tác đối ngoại quốc tế và đối ngoại nhân dân. Tiêu biểu như năm 2020, MTTQ tỉnh vận động toàn dân tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra với số tiền trên 15,5 tỷ đồng và hàng nghìn hiện vật; năm 2023 tham mưu trích Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" của tỉnh hỗ trợ nhân dân 2 nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục thảm họa động đất… Sự chủ động, tích cực của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới, xây dựng hình ảnh đất và người Ninh Bình thân thiện, giàu lòng nhân ái.

Nhiệm kỳ qua cũng ghi dấu ấn hoạt động của MTTQ các cấp với vai trò phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Theo đó, MTTQ các cấp đã phối hợp đổi mới công tác tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; chủ động đề xuất và tham gia xây dựng chương trình, nội dung các kỳ họp và các dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội trình tại các kỳ họp HĐND cùng cấp. Đồng thời, duy trì thường xuyên công tác hòa giải, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kịp thời tham mưu giải quyết, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Trong nhiệm kỳ, MTTQ các cấp chủ trì tổ chức 1.100 cuộc giám sát; phối hợp, tham gia trên 3.250 cuộc. Trong đó, MTTQ tỉnh chủ trì giám sát 16 cuộc tại 28 cơ quan, đơn vị, đồng thời, tổ chức giám sát thông qua văn bản tại 12 cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố trong tỉnh. Điểm mới là lần đầu tiên giám sát 1 đại biểu Quốc hội và 4 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; chủ trì tổ chức 2 hội nghị phản biện xã hội. Các Ban Thanh tra nhân dân chủ trì 914 cuộc giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 502 công trình, dự án trên địa bàn. Qua giám sát đã có những đề xuất, kiến nghị được các đơn vị đồng tình tiếp thu và có giải pháp khắc phục, góp phần thực hiện tốt dân chuở̉ cơ sở, đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí trong xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn, tạo lòng tin trong Nhân dân, giữ vững ổn định ở cơ sở.

Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực tham gia đóng góp vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, số cử tri đi bầu đạt 99,57%. Đây là kỳ bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất từ trước đến nay, không có đơn vị nào phải bầu cử lại, bầu cử thêm.

Song song với đó, trong nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp đã quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có trình độ, năng lực công tác, có uy tín, đạo đức, có tâm, có tầm, có tinh thần trách nhiệm cao và gắn bó với cơ sở. Hệ thống tổ chức MTTQ thường xuyên được củng cố, mở rộng, có cơ cấu hợp lý, bảo đảm tính đại diện, tính tiêu biểu, tính thiết thực; tập hợp được những người tiêu biểu trong các lĩnh vực và thành phần kinh tế, tăng số người ngoài Đảng đại diện cho các giai tầng xã hội tham gia vào Ủy ban MTTQ, thực sự là "cầu nối" tin cậy giữa Nhân dân với các cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở.

Những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2019-2024 đã khẳng định vị trí, vai trò nòng cốt của MTTQ trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, chung sức đồng lòng cùng cả hệ thống chính trị xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Từ thực tiễn hoạt động nhiệm kỳ 2019- 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của MTTQ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc: Đảng vừa thể hiện tốt vai trò là thành viên, đồng thời vừa là người lãnh đạo MTTQ Việt Nam. Thực tế cho thấy nơi nào cấp ủy đảng thực sự quan tâm, thường xuyên chăm lo xây dựng và phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì nơi đó hoạt động của Mặt trận có nhiều thuận lợi, phát huy hiệu quả tích cực, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân được củng cố vững chắc.

Thứ hai, MTTQ các cấp phải nâng cao tính chủ động, sáng tạo, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; xác định đúng và trúng các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để triển khai thực hiện; tích cực tuyên truyền và vận động Nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; chăm lo xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản hiệu quả ở cộng đồng dân cư.

Thứ ba, các hoạt động của Mặt trận phải rõ việc, rõ chủ thể, rõ kết quả và hướng về cơ sở, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa MTTQ với HĐND, UBND là điều kiện quan trọng nhất để Mặt trận hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. MTTQ các cấp phải thể hiện tốt vai trò chủ động trong công tác phối hợp và thống nhất hành động với chính quyền và các tổ chức thành viên trên cơ sở quy chế phối hợp đã ký kết, có sự phân công cụ thể trách nhiệm của mỗi bên, đồng thời thường xuyên bổ sung, hoàn thiện phù hợp với từng thời điểm và nội dung công việc; quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động.

Thứ tư, phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hiệu quả thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vào phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị, qua đó tạo sự đồng thuận xã hội và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.

Thứ năm, quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có trình độ, năng lực công tác, có uy tín, đạo đức, có tâm, có tầm, có tinh thần trách nhiệm cao và gắn bó với cơ sở; phải gần dân, lắng nghe và thấu hiểu dân; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân đến với Đảng và Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2019-2024 là tiền đề quan trọng để MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, vững tin bước vào nhiệm kỳ mới. Với tâm thế tràn đầy niềm tin, MTTQ các cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, phát huy vai trò nòng cốt, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ ý chí với tinh thần "Đoàn kết-Dân chủ-Sáng tạo-Phát triển" và khát vọng xây dựng Ninh Bình thành tỉnh nông thôn mới vào năm 2025, đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguyễn Hoàng Hà
(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-huy-suc-manh-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-khoi-day-khat/d20240730075820276.htm