Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Hà Nội - Đường đến thành công
LTS: Bốn năm qua, Hà Nội đã thực hiện thường xuyên, nền nếp Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về 'Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh'. Đáng chú ý, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã phát huy kết quả đạt được trong những năm qua gắn với thực hiện chuyên đề năm 2020 về 'Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh'. Báo Hànôịmới giới thiệu loạt bài 'Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Hà Nội - Đường đến thành công', phản ánh về vấn đề này.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, anh Đặng Văn Tú (ngoài cùng bên trái) đã tích cực xây dựng “Phòng đọc cộng đồng” phục vụ nhân dân thôn Đông Dương, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Bá Hoạt
Bài 1: Nhân lên giá trị cao đẹp
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị, thời gian qua đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô có những việc làm thiết thực, ý nghĩa vì cộng đồng, qua đó nhân lên những giá trị cao đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào đời sống xã hội. Họ là hạt nhân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa bàn dân cư, thiết thực đưa chủ trương của Trung ương và thành phố Hà Nội vào cuộc sống.
Từ làm đẹp cho quê hương…
Dẫn khách đi trên con đường rộng rãi, to đẹp nối từ thôn Thanh Lũng ra quốc lộ 32, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong (huyện Ba Vì) Đỗ Đình Trưởng không giấu được niềm vui bởi trước đây, con đường huyết mạch của xã vừa nhỏ hẹp, xuống cấp nay đã khang trang, sạch đẹp. Ông Trưởng nhớ lại: Năm 2012, xã Tiên Phong chủ trương mở rộng đường làng để xây dựng nông thôn mới và gia đình ông Kiều Hải Nam (thôn Thanh Lũng) đã tiên phong hiến gần 40m2 đất thổ cư để mở rộng đường. Không những thế, gia đình ông còn dành toàn bộ số tiền được bồi thường giải phóng mặt bằng ủng hộ địa phương xây dựng nông thôn mới.
"Tấc đất tấc vàng - nhưng nếu cứ so đo thiệt hơn thì việc cải tạo con đường không thể thành công. Mở rộng đường không chỉ giúp đời sống của bà con mà chính gia đình tôi cũng được hưởng lợi", ông Kiều Hải Nam bộc bạch.
Cũng với suy nghĩ tích cực ấy, năm 2017, một lần nữa gia đình ông Kiều Hải Nam lại hiến thêm 202m2 đất canh tác để làm đường giao thông nội đồng. Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân thôn Thanh Lũng chia sẻ: "Nhiều người đã noi gương ông Nam, hiến đất mở đường, cùng đoàn kết, đồng thuận một lòng để đưa xã Tiên Phong đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020".
Cùng với những cá nhân sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để đóng góp xây dựng nông thôn mới ở khu vực ngoại thành, ở nội thành lại có những "hạt nhân" giữ cho phố phường luôn sạch, đẹp. Ông Chu Văn Chi, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 4 phường Nhật Tân, quận Tây Hồ là một trong nhiều tấm gương điển hình. Suốt 8 năm qua, cứ 5h hằng ngày, ông Chi đạp xe một vòng quanh khu dân cư để thu dọn túi rác, bóc gỡ tờ rơi quảng cáo, rao vặt. Ngày đầu phát động phong trào giữ sạch ngõ phố, ông Chi có sáng kiến mua thùng sơn cũ, phát cho các gia đình để đựng rác; vận động nhân dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; huy động sự vào cuộc của các hội, đoàn thể trong việc giám sát, nhắc nhở giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư.
Bền bỉ "giữ lửa", là hạt nhân quy tụ đoàn kết trong phong trào “sạch phố, đẹp nhà”, “Tuyến ngõ văn minh đô thị kiểu mẫu” tại ngõ 668 đường Lạc Long Quân - nơi ông Chi sinh sống đã được UBND quận Tây Hồ biểu dương và nhân rộng toàn quận. Đồng thời, ông Chi cũng là tác giả của mô hình "Tổ dân phố không rác" tại 6 tuyến phố văn minh đô thị của khu dân cư số 4.
Chứng kiến những việc làm của ông Chu Văn Chi, bà Lê Thị Loan (ngõ 668, đường Lạc Long Quân) chia sẻ: "Việc ông Chi tận tụy với công việc, bất kể nắng, mưa khiến người dân dần thay đổi nhận thức, cùng nhau đồng lòng giữ gìn môi trường thêm sạch, đẹp".
Còn Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Nguyễn Xuân Trường đánh giá: "Nói đi đôi với làm nên các phong trào do ông Chi gây dựng luôn được bà con đồng tình, ủng hộ”.
... đến những việc làm thiện nguyện, vì cộng đồng
Chứng kiến nhiều người nghèo không đủ điều kiện thuê xe cứu thương để đưa người thân từ bệnh viện về nhà trước khi họ trút hơi thở cuối cùng, bà Phan Thị Bính (khu dân cư số 2, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đã quyết định bán mảnh đất của gia đình để mua một chiếc xe cứu thương, chở miễn phí người bệnh nghèo trở về quê lúc họ lâm nguy. Từ tháng 12-2018 đến nay, chiếc xe nghĩa tình của bà Bính đã vận chuyển hàng trăm bệnh nhân nghèo ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chung sức làm việc thiện với bà Bính, đã có 10 tài xế tình nguyện lái xe không lương. Trong đó có ông Mai Văn Toàn ở xã Mỹ Ðức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã tình nguyện ra Hà Nội làm lái xe cứu thương miễn phí. Không chỉ dừng ở đó, bà Phan Thị Bính còn tổ chức nấu, phát cơm, cháo từ thiện tại Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội. Đều đặn mỗi tuần, 150 suất cháo và 120 suất cơm được bà Bính gửi đến tận tay bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Ngõ 668 đường Lạc Long Quân là một trong những tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn quận Tây Hồ. Ảnh: Nguyễn Quang
Nhắc đến nghĩa cử cao đẹp của bà Bính, bà Thái Thị Tám (phường Khương Ðình, quận Thanh Xuân) cảm kích: “Những việc làm của bà Bính đã góp phần lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, từ đó thu hút nhiều người cùng góp sức để thổi lên “ngọn lửa” nhân ái”.
Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với tấm lòng nhân ái, vì cộng đồng, năm 2020, bà Phan Thị Bính đã được Quận ủy Hoàng Mai khen thưởng và năm 2019, vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
Cũng như bà Phan Thị Bính, quyết tâm thực hiện những việc làm ý nghĩa vì cộng đồng, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Đặng Văn Tú (sinh năm 1991, thôn Đông Dương, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa) đã cùng những người tâm huyết thực hiện dự án “Phòng đọc cộng đồng” phục vụ nhân dân trong thôn. Anh Tú chia sẻ: “Phòng đọc vốn có tên gọi là “Đông Dương học đường”, từng là nơi nuôi dưỡng người tài cho đất nước. Trải qua thời gian, phòng đọc đã xuống cấp. Mong ước tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, với sự hỗ trợ của chính quyền và nhiều người khác, “Phòng đọc cộng đồng” thôn Đông Dương được khôi phục khang trang trở lại, với 2.800 đầu sách, thu hút đông đảo độc giả mọi lứa tuổi tới tìm kiếm tri thức”.
Bà Nguyễn Thị Hằng - một độc giả cao niên ở thôn Đông Dương cho biết: “Mừng nhất là các cháu nhỏ đã biết tranh thủ thời gian được nghỉ học, đến phòng đọc xem sách, đọc truyện thay vì sa vào trò chơi vô bổ, thậm chí có hại”. Còn em Nguyễn Thu Thủy (xóm 1, thôn Đông Dương) thông tin: “Phòng đọc có cả sách giáo khoa các loại, ai có nhu cầu có thể mượn trong suốt cả năm học, giúp tiết kiệm chi phí cho nhiều gia đình”.
Khó có thể kể hết những tấm gương bình dị trong học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các khu dân cư trên địa bàn Thủ đô. Bằng những hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa, họ trở thành những "bông hoa đẹp", tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thôi thúc mọi người có những việc làm đẹp hơn. Từ đó, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, đồng lòng góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.
(Còn nữa)