Phát huy sức mạnh Nhân dân nhìn từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, mốc son chói lọi vẻ vang nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bài học về tinh thần đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta kế thừa, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 Quần chúng đánh chiếm Phủ Khâm Sai, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. Ảnh tư liệu

Quần chúng đánh chiếm Phủ Khâm Sai, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. Ảnh tư liệu

Sức mạnh nhân dân - cội nguồn của thắng lợi

Cách đây đúng 78 năm, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Nhân dân Việt Nam đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm. Đất nước Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên tự do, độc lập. Chính quyền non trẻ và nền độc lập của dân tộc Việt Nam được xác lập bởi sức mạnh vô song của lòng dân muôn người như một.

Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 8/1945, tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc họp ở Tân Trào đã nhấn mạnh: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”. Khi thời cơ đến, nhanh chóng chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”; “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập, tự do”. Người có thư: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội, giành chính quyền về tay Nhân dân. Với khí thế tiến công như sấm rung, chớp giật, cả dân tộc từ Bắc đến Nam, triệu người như một, nhất tề vùng lên đưa cuộc Tổng khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn, viết nên một chương mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Ngay từ khi ra đời (năm 1930), Đảng ta đã có chủ trương, đường lối đúng đắn, vạch ra con đường đi đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam là làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành thắng lợi từng bước trong hai cuộc tổng diễn tập đầu tiên 1930-1931, 1936-1939. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã tạo cơ sở, tiền đề vững chắc để Nhân dân tin tưởng, đi theo tiếng gọi của Đảng.

Cách mạng Tháng Tám 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng lớn để tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa long trời, lở đất, có ý nghĩa lịch sử. Chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14/8 đến 28/8/1945), 25 triệu đồng bào ta đã vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân, là biểu tượng rực rỡ của tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường và tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” cùng khát vọng tự do, hòa bình ấm no, hạnh phúc, cường thịnh của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm; đồng thời, là thắng lợi của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Giá trị trường tồn

Tinh thần quật khởi và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng Tám trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc toàn dân tộc đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ, gian khổ trong suốt 30 năm.

Trong những năm tháng trường kỳ, gian lao đó, các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu như: “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… nhanh chóng được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo thành sức mạnh to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, mà đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thực tiễn lãnh đạo cách mạng trong suốt 93 năm qua của Đảng ta cũng cho thấy, tại Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ, Đảng ta rất coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết, khơi dậy, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW ngày 27/3/1990 về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” với 4 quan điểm chỉ đạo: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.

Với tầm nhìn phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy cao độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xác định cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ…

Với tinh thần "Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong" cùng bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết, “lấy dân làm gốc” của Cách mạng Tháng Tám đã được kế thừa và phát huy, đặc biệt, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng ngày càng được củng cố.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bài học xuyên suốt của Cách mạng Tháng Tám về đại đoàn kết toàn dân, luôn dựa vào sức mạnh của nhân dân vẫn còn nguyên giá trị. Với việc xác định, lòng dân là mạch nguồn tạo nên sức mạnh nội sinh, tin tưởng rằng Đảng sẽ tiếp tục huy động sức mạnh toàn dân tộc lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành nhiều thắng lợi hơn nữa.

Nguyễn Thanh Hoàng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/phat-huy-suc-manh-nhan-dan-nhin-tu-thang-loi-cua-cach-mang-thang-tam-144948.html