Phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Không ít người quan niệm rằng, việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là trách nhiệm của riêng lực lượng Cảnh sát PCCC.

Tuy nhiên, mỗi vụ cháy, nổ đều cho thấy trách nhiệm này không của riêng ai mà là của toàn xã hội và quan trọng nhất là ý thức của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và từng người dân.

Hầu hết các vụ cháy đều gây hậu quả rất nặng nề

Hầu hết các vụ cháy đều gây hậu quả rất nặng nề

Số vụ cháy do bất cẩn, thiếu hiểu biết chiếm tỷ lệ cao

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 2.959 vụ cháy, nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 1.057 tỷ đồng.

Riêng trong tháng vừa qua, cả nước xảy ra 239 vụ cháy, nổ, làm 5 người chết và 5 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 200 tỷ đồng. Con số trên bằng gần 1/5 tổng thiệt hại từ đầu năm đến nay.

Những con số này cho thấy, các vụ cháy diễn biến rất phức tạp, khó lường. Nổi lên là cháy rừng rất khốc liệt và trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung trong tháng 6, tháng 7 năm nay. Bên cạnh đó là các vụ cháy lớn tại các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, trong khu công nghiệp; cháy trong khu dân cư cũng gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Điển hình là vụ cháy tại khu nhà xưởng ở phố Đại Linh, phường Trung Văn, Hà Nội ngày 12-4 làm 8 người tử vong; hay cháy ở Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông vào ngày 28-8 không chỉ thiệt hại nhiều tỷ đồng mà còn gây ô nhiễm không khí, nguồn nước.

Và chắc nhiều người vẫn còn ám ảnh về vụ cháy ở quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) vào tháng 11-2016, làm 13 người chết. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc nhóm thợ gây hỏa hoạn bất cẩn, thiếu kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy.

Trong quá trình sửa quán, nhóm thợ này đã dùng máy hàn để cắt bản lề cánh cửa làm vảy hàn bắn vào các phần ốp cách âm, gây cháy. Khi phát hiện sự cố, những người này dùng tay dập lửa.

Một nguyên nhân nữa là quán karaoke chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy và chưa được cấp giấy phép kinh doanh karaoke.

Theo kết luận của cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân xảy ra cháy nhưng phần lớn đều do ý thức của con người. Hàng loạt vụ cháy mà nguyên nhân rất đơn giản, có khi chỉ bắt nguồn từ việc vô ý vứt viên than tưởng đã cháy hết vào hố rác chung cư, hoặc vứt mẩu tàn thuốc lá từ tầng cao xuống, hay để quên nồi cá kho trên bếp, quên tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi nhà…

Khi xảy ra cháy nổ thì mạnh ai nấy chạy, không có sự hỗ trợ đối với cộng đồng và những người sống xung quanh. Cùng với đó là kỹ năng thoát hiểm, kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều cơ quan, đơn vị, hộ gia đình còn xem nhẹ công tác PCCC, chưa quan tâm đầu tư mua sắm trang bị, xây dựng phương án chữa cháy tại cơ sở theo quy định…

Mỗi người dân là một chiến sĩ chống “giặc lửa”

Mỗi vụ cháy xảy ra, để lại hậu quả vô cùng to lớn về vật chất và con người. Vì thế, để công tác phòng chống “giặc lửa” thực sự hiệu quả, cùng với việc trang bị phương tiện PCCC ngày càng hiện đại, hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về PCCC bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và có tính khả thi cao, thì việc nâng cao ý thức của mỗi người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác PCCC, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và chủ hộ gia đình.

Còn mỗi người dân, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về PCCC, cần phải tự nâng cao kỹ năng về PCCC, kỹ năng thoát nạn khi cháy xảy ra đồng thời trang bị những phương tiện chữa cháy tại gia đình là hết sức cần thiết.

Theo lực lượng PCCC, mọi hoạt động PCCC đều phải được giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Không ai khác, người dân chính là lực lượng tại chỗ hiệu quả nhất. Từng người, từng hộ gia đình phải biết về PCCC để khi xảy ra cháy nhỏ, biết xử lý thì sẽ không có cháy lớn. Khi đã thực hiện tốt các biện pháp phòng thì không bao giờ lo cháy nữa, nếu có xảy ra cháy cũng sẽ xử lý kịp thời, không gây hậu quả lớn.

Vì vậy, công tác PCCC muốn đạt được kết quả tốt nhất cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, trong đó, mọi hoạt động PCCC phải được tiến hành từ cơ sở, quận, huyện, khu phố… đặc biệt là từ các hộ gia đình và từng cá nhân.

Thực hiện điều này cũng chính là thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác PCCC, đó là: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ. Việc đảm bảo an toàn PCCC là việc phải làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương.

PCCC không phải là việc của riêng ai, đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, mỗi người dân, chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể cần tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Có như vậy, công tác PCCC mới thực sự có những chuyển biến tích cực, hạn chế tối đa những thiệt hại do cháy, nổ gây ra. /.

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/an-ninh-trat-tu/phat-huy-suc-manh-toan-dan-trong-cong-tac-phong-chay-chua-chay-117846