Phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) được Quốc hội thông qua ngày 11-11 (có hiệu lực vào ngày 1-1-2022), sẽ cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm, tư duy mới của Đảng, Nhà nước, về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (BGQG). Đặc biệt, Luật BPVN sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân, toàn quân, xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG toàn dân rộng khắp, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu... Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu một số ý kiến của cử tri về Luật BPVN.

Đồng chí Đoàn Quốc Chính.

Đồng chí Đoàn Quốc Chính.

Đồng chí Đoàn Quốc Chính, Bí thư Huyện ủy Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng: Luật BPVN vừa được Quốc hội thông qua đã dành Điều 3 quy định các chính sách của Nhà nước về Biên phòng; Điều 27 về chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Khi Luật đi vào cuộc sống sẽ là “kim chỉ nam” để lực lượng BĐBP cùng các địa phương biên giới tham mưu với Chính phủ thực hiện đầy đủ chính sách thực thi nhiệm vụ biên phòng, đầu tư hiện đại hóa các công trình biên giới, hệ thống đường tuần tra biên giới, hệ thống đồn, trạm biên phòng và hiện đại hóa các trang thiết bị bảo vệ biên giới... Bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách đặc thù đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, đặc biệt là chính sách cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, cống hiến. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng...

Luật BPVN sẽ là cơ sở pháp lý để lực lượng BĐBP tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên biên giới; tham mưu cho chính quyền địa phương trong sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG gắn với củng cố quốc phòng - an ninh. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng KVBG phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh BGQG, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG.

Đồng chí Sùng Hồng Mai.

Đồng chí Sùng Hồng Mai.

Đồng chí Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai: Trải qua hơn 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng BĐBP luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào ở KVBG, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Luật BPVN đã được Quốc hội thông qua, với những quy định cụ thể về chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng sẽ phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh BGQG, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG; huy động nguồn lực thực hiện chính sách biên phòng, chính sách cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống cho nhân dân ở KVBG… Đầu tư hiện đại hóa các công trình biên giới, các trang thiết bị quan sát hiện đại hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới; xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới, đồn, trạm Biên phòng đáp ứng yêu cầu bảo vệ BGQG trong tình hình mới.

Đặc biệt, Luật BPVN ra đời sẽ tạo “đòn bẩy” thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giúp đồng bào các dân tộc tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển vùng biên giới ngày một giàu đẹp. Từ đó, mỗi người dân trở thành “cột mốc sống” cùng với lực lượng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh BGQG.

Đồng chí Đinh Duy Luân.

Đồng chí Đinh Duy Luân.

Đồng chí Đinh Duy Luân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”... Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược Bảo vệ BGQG”.

Với vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của BGQG, Luật BPVN khi đi vào cuộc sống sẽ cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, thực hiện hiệu quả các vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ biên phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG...; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, đối ngoại ở KVBG. Đồng thời, xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG toàn dân rộng khắp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới.

Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở KVBG, cửa khẩu bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu; bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh BGQG. Bên cạnh đó, phát huy được nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương và xã hội vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng yêu cầu xây dựng BGQG, KVBG vững mạnh.

Đồng chí Phan Công Luận.

Đồng chí Phan Công Luận.

Đồng chí Phan Công Luận, Bí thư Đảng ủy xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp: Tình hình trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng cơ bản ổn định, giao thương qua lại biên giới ngày càng phát triển, nhiều địa phương trở thành trung tâm giao lưu thương mại biên giới. Ngoài ra, công tác đối ngoại nhân dân hai bên biên giới có sự phát triển thông qua mô hình kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới, thắt chặt tình đoàn kết nhân dân hai bên biên giới, chung tay xây dựng bảo vệ đường biên, mốc quốc giới.

Điều 12, Luật BPVN quy định Hợp tác quốc tế về Biên phòng với những nguyên tắc, nội dung, hình thức chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng, nhất là lực lượng BĐBP thiết lập, phát triển quan hệ biên giới; xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị với chính quyền và nhân dân, lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới; xây dựng và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về biên phòng, cơ chế hợp tác biên phòng song phương, đa phương theo quy định của pháp luật; đàm phán, giải quyết các vấn đề, vụ việc về biên giới, cửa khẩu; tuần tra biên giới; kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu; đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa Việt Nam với các nước; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai, sự cố môi trường, biến đổi khí hậu, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Viết Hà (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-suc-manh-tong-hop-bao-ve-vung-chac-chu-quyen-lanh-tho-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia-post435011.html