Phát huy thêm những giá trị mới về kinh đô Hoa Lư
Đợt khai quật khảo cổ học ở các huyện Hoa Lư, Nho Quan và Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) thuộc nhiệm vụ 'Nghiên cứu lịch sử vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư từ đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt' đã thu được nhiều kết quả mới.
Với mục đích chung là nghiên cứu làm rõ giá trị lịch sử văn hóa, vai trò và vị thế của vùng đất quanh ngã ba sông Bôi – sông Hoàng Long trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên đợt khai quật đã thu được nhiều kết quả mới. Đây là công việc cụ thể góp phần thực hiện nhiệm vụ chung bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên đất Ninh Bình. Khai quật di tích Cố đô Hoa Lư nhằm nghiên cứu tìm kiếm khu vực trị sở huyện lỵ của chính quyền phong kiến đóng tại vùng đất Ninh Bình từ đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt. Khai quật các khu mộ gạch Đền Hạ (Gia Lâm), Đồi Cò (Gia Tường) và Đồi Chùa (Liên Sơn) nhằm thu thập thêm các tư liệu, di tích, di vật khảo cổ thuộc giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên trên vùng đất Ninh Bình.
Tổng diện tích của đợt khai quật lần này là 400m2. Cụ thể, tại khu vực di tích Cố đô Hoa Lư, đoàn khai quật đã mở 5 hố khai quật và 3 hố thăm dò có diện tích là 300m2. Tại khu vực di tích mộ gạch diện tích khai quật là 100m2.
Tại khu vực di tích Cố đô Hoa Lư, mặc dù mở khai quật 5 hố, nhưng đoàn khảo cổ chỉ thu được nhiều kết quả mới tại hố H1 và H5. Các hố còn lại thu được một số mảnh gạch, sành vỡ thuộc thế kỷ 10 và trước đó.
Ở hố khai quật H1 được mở tại cánh đồng Lũy Dung, khoảng giữa Đền Đinh và Đền Lê đã làm xuất lộ ba lớp kiến trúc thuộc các giai đoạn lịch sử thời Đại La, thời Đinh – Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau. Tầng kiến trúc thứ nhất, phát lộ một vài viên gạch Bắc thuộc được đặt ở rìa ngoài có tác dụng gia cố. Qua nghiên cứu so sánh, các nhà khảo cố nhận định lớp kiến trúc thứ nhất thuộc thời Đại La, có niên đại từ trước thế kỷ 10. Ở tầng kiến trúc thứ hai còn sót lại tường gạch từ thời Đại La, chỗ cao nhất có độ cao đến 12 hàng gạch, trong kẽ tường còn sót lại một số mảnh sành. Dựa vào những mảnh sành kê chèn trong kiến trúc, có thể nhận định đây là nền kiến trúc thời Đinh ở thế kỷ 10. Lớp kiến trúc thứ ba xuất hiện rãnh thu nước có kỹ thuật xếp gạch hình chữ V, gạch tận dụng từ loại gạch bìa màu xám. Từ các di tích và di vật xuất lộ, các nhà khảo cổ ghi nhận lớp kiến trúc thứ ba nằm ở giai đoạn tu sửa, tôn tạo kiến trúc thời Đinh – Tiền Lê.
Tại hố khai quật H5, mở tại cánh đồng Nội Trong, cách Đền Vua Đinh về phía nam 450m. Trong phạm vi hố đào phát lộ 3 cụm cọc là cột nhà và cột móng kè của kiến trúc nhà cửa, cung điện. Cụm thứ nhất gồm 22 cọc chia thành 2 hàng chôn sâu vào sinh thổ, trong đó 7 cọc có đường kính 30cm, còn lại có đường kính từ 14-20cm. Cụm thứ hai gồm 7 cọc được tạo thành cụm gần tròn, nằm ở phía tây. Cụm thứ ba gồm 12 cọc, phân bố thành 2 hàng tương tự cụm thứ nhất, trong đó các cọc chính có đường kính 30cm trở lên. Trong hố khai quật này còn thu được di vậy là các loại gạch, ngói, gốm, sứ, sành… thuộc nhiều niên đại từ thời Hán đến thời Đinh – Tiền Lê. Sau khi phân tích các nhà khảo cổ nhận định có số lượng nhiều nhất là gạch ngói thuộc thế kỷ 7-9. Đồ gia dụng chủ yếu xuất lộ gốm men thời Tống, sành thuộc thế kỷ 10. Từ các di tích kiến trúc và di vật xuất lộ, bước đầu ghi nhận đây là kiến trúc giai đoạn Đại La, sau đó được Nhà Đinh sử dụng lại ở giai đoạn đầu lập quốc.
Ngoài ra, đợt khai quật tại di tích mộ gạch cũng đem lại nhiều kết quả tích cực. Tại di tích mộ gạch Đền Hạ đã phát hiện được 3 kiến trúc mộ gạch. Mộ thứ nhất là 1 mộ hạch hình cũi chữ nhật, mộ đã bị mất toàn bộ mái vòm do bị ban sạt. Trong mộ tìm được nhiều đồ tùy táng kèm theo. Mộ thứ 2 và 3 là cặp mộ đôi, có phần cửa hướng ra sông đã bị tụt lở, vòm mộ còn quan sát được hình dáng mộ giống lò nung đồ gốm với đầu mộ được tạo hình phễu, chân mộ thu hẹp, trong cả hai mộ không có đồ tùy táng.
Ở di tích mộ gạch Đồi Cò phát lộ 1 kiến trúc mộ gạch, hướng đông tây, hình dáng giống lò nung đồ gốm với đầu mộ được tạo hình phễu, chân thu hẹp. Mộ được xây và cuốn vòm 2 lớp. Được xây bằng gạch bìa và gạch múi bưởi, đa số các viên có trang trí hoa văn khắc vạch nổi hình xương cá. Mộ bị đào đục từ vòm xuống nên trong mộ không còn đồ tùy táng.
Đoàn khai khai quật tại di tích mộ gạch Đồi Chùa nhận thấy mộ bị xâm hại khá nặng, phần vòm cuốn và một nửa phía tây mộ bị bạt bởi quá trình làm tường rào của nhà dân. Những tư liệu về mô gạch mới được khai quật đã góp phần làm phong phú thêm bức tranh lịch sử, văn hóa, xã hội vùng đất Ninh Bình giai đoạn 10 thể kỷ đầu Công nguyên. Kết quả khai quật bước đầu ghi nhận đây là những ngôi mộ thời Đông Hán.
Qua việc kết quả của đợt khai quật di tích mộ gạch phân bố quanh ngã ba sông Bôi - sông Hoàng Long từ đầu Công nguyên cho đến các dấu tích di tích, di vật thời Đại La ở Cố đô Hoa Lư đều ghi nhận vùng đất Ninh Bình xưa đã được các triều đại phong kiến phương Bắc quan tâm xây dựng từ rất sớm. Điều này cũng phần nào chứng tỏ, tại thời điểm đó, Hoa Lư đã đảm nhận vai trò là Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt – Nhà nước đầu tiên khai mở nền độc lập, tự chủ sau hơn ngàn năm bị ngoại bang đô hộ. Từ kết quả đợt khai quật năm 2021, bước đầu cho phép nhận định về quy hoạch chung của kinh thành Hoa Lư, gồm hai khu vực Thành Nội và Thành Ngoại. Đợt khai quật này đã mang lại thêm nhiều nhận thức mới hơn về Kinh đô Hoa Lư, giúp các nhà khảo cổ hình dung rõ hơn về quy mô và không gian, kiến trúc của Hoàng thành Hoa Lư.
Trên cơ sở nghiên cứu bước đầu tại khu vực trên, đoàn khai quật đề nghị giữ nguyên hiện trạng di tích Cố đô Hoa Lư khu vực từ Ngòi Chẹm đến hết cánh đồng Nội Trong để phục vụ nghiên cứu khảo cổ học. Đồng thời, đoàn sẽ tiếp tục mở rộng khai quật để làm rõ quy mô, không gian phân bố, mặt bằng kiến trúc, kỹ thuật xây dựng… các kiến trúc trong các hố khai quật vừa qua để nhận diện rõ hơn kiến trúc Hoàng thành Hoa Lư.
Những di vật được tìm thấy sẽ được đưa về bảo tàng tỉnh để trưng bày, lưu trữ đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư và rộng hơn là lịch sử - văn hóa vùng đất Ninh Bình.