Phát huy thiết chế văn hóa xã nông thôn mới

So với các xã khác trong huyện Đức Linh thì Đa Kai là địa phương 'sinh sau, đẻ muộn' mới được thành lập từ năm 1990. Nhưng Đa Kai có vị trí địa lý và khí hậu khá thuận lợi để phát triển nhanh nông nghiệp, nhất là cây ăn trái. Người dân Đa Kai giao thương thuận lợi với các địa phương bạn như: huyện Đạ Huoai, Tân Phú (Lâm Đồng) xã Nam Chính, Sùng nhơn (Đức Linh). Với diện tích tự nhiên khá rộng, nhưng dân số không đông (11.411 người) nên mật độ dân số của xã gần 136 người/km2. Từ đầu năm 2017 cán bộ và nhân dân Đa Kai đã đăng ký xây dựng xã nông thôn mới và cũng trong năm đó huyện Đức Linh đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Trung tâm văn hóa xã Đa Kai với số vốn đầu tư hơn 2,91 tỷ đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết và một phần vốn ngân sách địa phương. Công trình có quy mô nhà trệt cấp 3 với diện tích xây dựng 334,18m2 được bố trí hội trường 150 chỗ ngồi, các phòng chức năng, phòng đọc sách, phòng truyền thanh, phòng hành chính. Ngoài việc đầu tư phần xây lắp khang trang, UBND huyện Đức Linh đã đầu tư trang thiết bị bên trong với tổng giá trị gần 300 triệu đồng như: trang bị 190 bộ bàn ghế (2 chỗ ngồi) cho hội trường; trang bị đầu máy DVD, amply, loa pull, micro không dây; bục diễn thuyết, bục đặt tượng Bác Hồ bằng gỗ…Việc đầu tư xây dựng công trình Trung tâm văn hóa Đa Kai nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cấp xã, đáp ứng nhu cầu tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương tương xứng với xã nông thôn mới.

Phát huy thiết chế văn hóa xã nô

 Công trình nhà văn hóa xã xây dựng từ vốn xổ số kiến thiết.

Công trình nhà văn hóa xã xây dựng từ vốn xổ số kiến thiết.

Sau khi công trình hoàn thành và đưa vào khai thác, hoạt động người dân các thôn trong xã có dịp giao lưu, gặp gỡ qua các hội nghị, lớp tập huấn tại hội trường Trung tâm văn hóa xã Đa Kai do UBND xã tổ chức. Anh Lê Hùng Sanh, người dân xã Đa Kai chia sẻ: “Trước đây xã không có hội trường lớn nên việc họp hành chỉ tổ chức ở 10 thôn. Nhưng kể từ khi xây dựng Trung tâm văn hóa xã các cuộc họp, các buổi tập huấn đông người như: tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình hoặc tập huấn sạ giống lúa mới, cách phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa… được xã tổ chức thường xuyên. Vì thế, các chính sách mới người dân quan tâm và hiểu sâu hơn, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo tham gia vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả. Mặt khác, khơi dậy tính tự lực đối với người nghèo vươn lên để giảm nghèo bền vững, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của xã từ năm 2016 chiếm 8,54%, nhưng đến đầu năm 2020 hộ nghèo giảm xuống dưới 2,93% dân số. Đồng thời, qua các cuộc họp dân đã tạo sự đồng tâm và đồng lòng nhân dân trong công cuộc giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương…”.

Có thể nói, từ khi đưa công trình vào hoạt động, xã Đa Kai đã phát huy công năng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, thường xuyên tổ chức các cuộc họp tuyên truyền chính sách mới. Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

LƯƠNG KHANG

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/phat-huy-thiet-che-van-hoa-xa-nong-thon-moi-135375.html