Phát huy tiềm năng, lợi thế nổi trội thúc đẩy phát triển công nghiệp dược

Để công nghiệp dược phát triển nhanh, bền vững, tương xứng tiềm năng, lợi thế; thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, nguồn vốn nhằm giúp doanh nghiệp, nông dân hình thành và phát triển các vùng nuôi trồng dược liệu. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, tập trung vào các dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường.

Vùng trồng Dây thìa canh dược liệu của Công ty TNHH Nam Dược tại xã Hải Lộc (Hải Hậu) đạt tiêu chuẩn GACP-WHO của Tổ chức Y tế thế giới.

Vùng trồng Dây thìa canh dược liệu của Công ty TNHH Nam Dược tại xã Hải Lộc (Hải Hậu) đạt tiêu chuẩn GACP-WHO của Tổ chức Y tế thế giới.

Đầu tư phát triển mạnh chương trình hóa dược, dược liệu

Đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tỉnh có điều kiện tự nhiên, sinh thái đa dạng, đất đai thuận lợi cho phát triển sản xuất nhiều loại cây trồng, trong đó có các loại cây dược liệu như: cát cánh, đương quy, bạch truật, hương nhu, bạc hà, cây hoa hòe… Hiện nay, diện tích đất có rừng toàn tỉnh là 2.967,32ha, chủ yếu là rừng ngập mặn, trong đó, rừng đặc dụng 1.059,58ha; rừng phòng hộ 1.720,85ha; rừng sản xuất 186,89ha (gồm rừng sản xuất trong quy hoạch 88,23ha và rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng đang rà soát để đưa vào quy hoạch 117,54ha) là nơi có nhiều loài cây thuốc quý như: củ gấu, sài hồ, sâm đất, dứa dại, ô rô, vọng đắng, trinh nữ...

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng trồng cây dược liệu đáp ứng tiêu chuẩn GACP là nguồn nguyên liệu cho một số công ty dược lớn (Công TNHH Nam Dược, Công ty TNHH Traphaco, Công ty Hoa Thiên Phú…). Trong đó, trồng đinh lăng ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu; ngưu tất ở các huyện Vụ Bản, Nghĩa Hưng; dây thìa canh ở Hải Hậu; cát cánh; hòe ở các huyện... Các loại cây dược liệu hiện trồng đều có chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Cụ thể, diện tích đinh lăng khoảng 290ha, sản lượng đạt trên 2.800 tấn, tập trung chủ yếu ở Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh…; diện tích hoa hòe, thanh hao trên 132ha, sản lượng đạt trên 990 tấn, rải rác ở các huyện; diện tích ngưu tất, xạ đen, hương nhu, cà gai leo, ngải cứu, nghệ, bạch chỉ, diệp hạ châu gần 300ha, sản lượng khoảng 3.500 tấn, trồng rải rác ở các huyện.

Các loại cây thuốc trên địa bàn tỉnh hiện đang được đưa vào danh mục đầu tư bảo tồn, phát triển gồm: củ gấu biển, diệp hạ châu, sâm đất, sài hồ, cây ngưu tất, huyền sâm, cát cánh, dây thìa canh, hoa hòe. Hiện, ngành Y tế đang phối hợp các sở, ngành hữu quan, các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển vùng trồng cây dược liệu. Theo đó, tổng diện tích cây dược liệu đến năm 2025 khoảng 1.325ha. Trong đó, đinh lăng (tổng diện tích khoảng 750ha, tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng); ngưu tất (tổng diện tích khoảng 70ha, chủ yếu tại các huyện Vụ Bản, Nghĩa Hưng); hòe, thanh hao (tổng diện tích khoảng 150ha, tại các huyện Nam Trực, Xuân Trường, Giao Thủy).

Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 7 nhà máy sản xuất thuốc thành phẩm (trực thuộc 5 doanh nghiệp) đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới” (GMP-WHO), bao gồm 3 nhà máy sản xuất thuốc tân dược và 4 nhà máy sản xuất thuốc dược liệu. Hiện nay các công ty dược trong tỉnh đang không ngừng đổi mới, từng bước chuyên nghiệp hóa, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển bằng cách hợp tác với các đối tác trong nước, nước ngoài, các viện nghiên cứu, các trường đại học để nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, “thế mạnh” của công nghiệp dược tỉnh ta là có nhiều doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh, chế biến dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền được Bộ Y tế chứng nhận đủ điều kiện cung ứng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền cho các bệnh viện.

Hiện tại, các sản phẩm “chủ lực” tạo nên “thương hiệu” của các công ty gồm: Bổ phế Nam Hà, thuốc chữa bệnh lao sản xuất theo đơn đặt hàng của các tổ chức quốc tế (Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà); các loại thuốc tiêm bột đông khô Cephalosporin (Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Dân); các thuốc có nguồn gốc từ bài thuốc gia truyền (Công ty TNHH Nam Dược); Hoạt huyết dưỡng não, Tioga viên (Công ty Cổ phần Dược phẩm Trường Thọ)… Các doanh nghiệp dược trong tỉnh như: Công ty Cổ phần Dược phẩm PQA, Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà, Công ty TNHH Nam Dược, Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Dân, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trường Thọ, Công ty Cổ phần Dược phẩm Fresh life, Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen chi nhánh Nam Định cũng đã xây dựng cơ sở, nhà máy sản xuất, chế biến dược phẩm được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), góp phần đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước trong lĩnh vực sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng.

Về kinh doanh dược, toàn tỉnh có 904 cơ sở bán buôn, bán lẻ; trong đó có 35 cơ sở bán buôn thuốc đều đạt “Thực hành tốt phân phối thuốc”, 220 nhà thuốc (15 nhà thuốc bệnh viện), 639 quầy thuốc đều đạt “Thực hành tốt nhà thuốc”, 15 cơ sở bán lẻ thành phẩm thuốc dược liệu. Mạng lưới bán buôn, bán lẻ thuốc được phát triển và củng cố theo quy định của Luật Dược và các văn bản hướng dẫn thi hành. Số lượng cơ sở bán buôn thuốc, bán lẻ thuốc thuộc phạm vi Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, hình thức tổ chức đa dạng. Các cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phần mềm quản lý nhà thuốc, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Nam Định là một trong 4 đơn vị trên cả nước triển khai thí điểm Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 4041/QĐ-BYT ngày 7/9/2017 của Bộ Y tế.

Các cơ sở bán buôn thuốc cơ bản tuân thủ thực hiện việc niêm yết giá bán buôn từng loại thuốc tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở bán buôn thuốc. Các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc. Công tác đấu thầu thuốc thực hiện đúng theo các quy định của Nhà nước, đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập đều bố trí cán bộ làm công tác dược lâm sàng. Nhiều đơn vị đã thành lập bộ phận dược lâm sàng, hoạt động theo Nghị định số 131/2020/NĐ-CP; phối hợp với Trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức các lớp đào tạo liên tục về dược lâm sàng cho cán bộ chuyên môn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế y tế số

Thời gian qua, các Sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã tích cực tham mưu cho tỉnh trong hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tháng 3/2023 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 tỉnh Nam Định, theo đó, dành quỹ đất 5ha cho dự án phát triển sản xuất công nghiệp dược. Về ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, tỉnh ưu tiên công nghiệp dược phẩm và sản xuất dược liệu. Khuyến khích các doanh nghiệp dược phẩm trên địa bàn không ngừng đổi mới, từng bước chuyên nghiệp hóa, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển bằng cách hợp tác với các đối tác trong nước, nước ngoài, các viện nghiên cứu, các trường đại học để nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Để công nghiệp dược phát triển nhanh, bền vững, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 24/1/2024 về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, xây dựng quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu của tỉnh Nam Định tại các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên.

Duy trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc”; 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc”. Duy trì 100% các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh được kết nối liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực dược được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Duy trì 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng đúng quy định.

Chủ động nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi công tác nghiên cứu, sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu; phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống cây dược liệu, tham gia phát triển nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc”. Xây dựng quy hoạch tổng thể vùng nuôi trồng dược liệu kết hợp khuyến khích “Trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà” và khai thác dược liệu tự nhiên hợp lý, bảo đảm lưu giữ, tái sinh dược liệu. Quy hoạch và phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc, bảo tồn nguồn gen và phát triển dược liệu quý hiếm, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống.

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dược, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến phát triển dược liệu trong tỉnh. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao, nghiên cứu chọn tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu trong tỉnh. Chú trọng khai thác hạ tầng thúc đẩy thương mại điện tử, dịch vụ bưu chính và logistics trong việc đóng gói, phân loại, bảo quản và vận chuyển các sản phẩm ngành dược nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế y tế số.

Bài và ảnh: Việt Thắng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202411/phat-huy-tiem-nang-loi-the-noi-troithuc-day-phat-trien-cong-nghiep-duoc-5063afd/