Phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc Thái trong cộng đồng

Thực hiện chủ trương phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, người Thái ở bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào, vừa xây dựng đời sống văn hóa dân cư ở cơ sở.

Phụ nữ đồng Thái ở xã Phúc Sơn luyện tập các điệu múa truyền thống. Ảnh: Hải Thượng

Phụ nữ đồng Thái ở xã Phúc Sơn luyện tập các điệu múa truyền thống. Ảnh: Hải Thượng

Từ đầu năm 2020 đến nay, đều đặn vào chiều thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, các thành viên của câu lạc bộ (CLB) dân ca Thái bản Cao Vều lại tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng bản để cùng nhau tập luyện các làn điệu dân ca Thái. Già có, trẻ có, tất cả đều say mê ca hát, các thành viên tham gia được chia thành từng nhóm nhỏ để luyện tập. Trong ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái, các phụ nữ trong bộ trang phục truyền thống say sưa tập hát, người già thì dệt vải, trẻ thì nhảy múa, tạo nên không khí vui nhộn, rộn ràng khắp cả núi rừng.

Chị Lương Thị Kim Chi, Bí thư Chi đoàn bản Vều 2, xã Phúc Sơn cho biết: Để thuận lợi trong việc tập luyện các nội dung, thành phần tham gia được chia thành từng đội cụ thể, gồm đội ẩm thực, đội dân ca dân vũ, đội cồng chiêng, tất cả các đội đều có một trưởng nhóm để duy trì luyện tập, chủ yếu là luyện tập các làn điệu mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Thái. Những người đi trước, có kinh nghiệm hướng dẫn cho những người đi sau, người già hướng dẫn cho người trẻ, tất cả cùng chung niềm đam mê ca hát, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào.

Không chỉ luyện tập các nội dung, làn điệu truyền thống phổ biến của dân tộc mình, bà con trong bản còn thường xuyên kết nối với các CLB đàn, hát ở các địa bàn khác để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, qua đó, sưu tầm, bổ sung những làn điệu đặc sắc, hấp dẫn để luyện tập và biểu diễn.

Ông Đặng Đình Lâm, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Cao Vều cho biết: “Xác định giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Thái nói riêng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, những năm qua, Ban quản lý bản Cao Vều đã tổ chức sưu tầm, bảo tồn các làn điệu, nghề thủ công truyền thống như: Dệt thổ cẩm, phục dựng các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì tổ chức, tạo sân chơi lành mạnh và khuyến khích tinh thần, khả năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, Ban quản lý bản cũng đã huy động mọi tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn hóa mới trong cưới hỏi, đám ma... Những hoạt động này vừa bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, vừa thu hút khách du lịch để tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: “Bản Cao Vều nằm sát biên giới Việt - Lào, cách trung tâm xã 20km. Bản có diện tích tự nhiên 259ha với 93 hộ/ 323 nhân khẩu sinh sống, trong đó có 71 hộ dân tộc Thái. Những năm qua, dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân bản Cao Vều luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, xây dựng, phát triển đời sống kinh tế - văn hóa, từng bước xóa đói giảm nghèo, làm cho bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc”.

Thời gian trước đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc sản xuất, chế tác các sản phẩm thủ công truyền thống ở bản Cao Vều chỉ mới dừng lại ở quy mô hộ gia đình, mang tính tự phát với mục đích chính là phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Cùng với khôi phục các CLB, hoạt động dân ca, dân vũ, các nghề truyền thống như đan lát, thêu, dệt cũng được khôi phục.

Qua đó, giúp bà con vừa giữ gìn, phát triển văn hóa truyền thống, đồng thời, góp phần tích cực thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình, từ ngày có chủ trương phục hồi nghề đan lát truyền thống, cụ ông Lang Văn Khun có thêm niềm vui để thể hiện khả năng đan lát của mình. Cụ Khun có thể đan được tất cá các dụng cụ như rổ, rá, đồ dùng truyền thống của đồng bào Thái...
Dừng tay uốn cây mây đan chiếc ghế truyền thống của đồng bào Thái, cụ Khun chia sẻ: “Bình thường, tôi làm các sản phẩm chỉ để dùng trong gia đình, nhưng từ khi có chủ trương khôi phục nghề truyền thống và phục hồi các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ du lịch cộng đồng thì sản phẩm làm ra nhiều hơn, có người mua, gia đình có thêm thu nhập. Trong bản đã có nhiều gia đình khôi phục lại nghề đan, lát truyền thống và mang lại hiệu quả kinh tế”.

Phục hồi các nét đẹp văn hóa truyền thống không những góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở xã Phúc Sơn, mà còn nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng đời sống văn hóa dân cư ở cơ sở ngày càng phát triển.

Hải Thượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-tinh-hoa-van-hoa-dan-toc-thai-trong-cong-dong-post433368.html