Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc ta. Cho đến hôm nay, bài học về tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vẫn vẹn nguyên giá trị. Vận dụng sáng tạo bài học và kinh nghiệm quý báu đó, cùng với sự đổi mới của đất nước, nhân dân các dân tộc Hà Giang đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng quê hương cực Bắc ngày càng giàu mạnh, ấm no.
Cách đây tròn 78 năm, ngày 19.8.1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã đồng lòng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945 là kết tinh của truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường và khát vọng tự do, hòa bình, ấm no, hạnh phúc của toàn dân tộc ta. Thành quả vĩ đại và những bài học vô giá của Cách mạng Tháng Tám tiếp tục soi đường, cổ vũ nhân dân ta đưa đất nước tiến lên trong công cuộc đổi mới để uy tín và vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, nhân dân ta có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tự hào và phát huy tinh thần quật cường cùng bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tập trung phát triển mọi mặt đời sống KT-XH và đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng. Kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nền nông nghiệp được đẩy mạnh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Du lịch có sự bứt phá mạnh mẽ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Chính trị - xã hội ổn định, QP-AN được củng cố, tăng cường...
Nổi bật trong giai đoạn 2021 – 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân của tỉnh đạt 5,94%. Kết cấu hạ tầng được cải thiện đáng kể; ưu tiên, huy động nguồn lực triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối vùng cao. Các tuyến đường huyện, đường nông thôn, đường ra cửa khẩu, lối mở, đường tuần tra biên giới được quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo, sửa chữa. Đặc biệt, tận dụng lợi thế đặc trưng về tiểu vùng khí hậu, các địa phương trong tỉnh đã từng bước hình thành vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng 4,66%. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực triển khai các giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nâng giá trị thu hoạch bình quân ước năm 2023 đạt 62 triệu đồng/ha, tăng 12 triệu đồng/ha so với năm 2020.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tích cực thực hiện đột phá tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân thông qua việc triển khai các chương trình như: Cải tạo vườn tạp; quan tâm sắp xếp, bố trí ổn định dân cư đối với các hộ đang cư trú phân tán nơi xa xôi, hẻo lánh, có nguy cơ sạt lở cao; tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nghiên cứu triển khai dự án cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất tại các huyện vùng cao. Hỗ trợ xây dựng 3.113 căn nhà đối với người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới (giai đoạn 2), với kinh phí trên 186 tỷ đồng. Quan tâm, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, trong giai đoạn 2021 – 2023, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 24.000 người, giải quyết việc làm cho 66.598 lao động. Triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Từ 2021 – 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ 72.409 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay 480,2 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm 3,75%; năm 2022 giảm 5,17%.
Đặc biệt, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới (NTM), các tầng lớp nhân dân đã chung sức đồng lòng, góp công, góp của thực hiện các tiêu chí. Đến nay, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn NTM, thành phố Hà Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỷ lệ thôn biên giới có điện đạt tiêu chí NTM đạt 92% (tăng 31,1% so với năm 2020). Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,9% (tăng 8,1% so với năm 2020). Bộ mặt nông thôn của địa phương ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên về mọi mặt.
Dưới ánh sáng soi đường của Cách mạng Tháng Tám cùng tinh thần “Triệu trái tim, một ý chí”, mỗi người dân Hà Giang nguyện đồng sức, đồng lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Giang trở thành tỉnh có KT-XH phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.