Phát huy tinh thần chiến thắng Phước Long

Các cấp chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang long trọng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Phước Long (6-1-1975 - 6-1-2024). Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng giá trị và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Phước Long vẫn vang vọng mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngày nay, tinh thần chiến thắng Phước Long đang được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy cao độ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vùng đất Phước Long đã thấm đỏ máu hồng của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng. Từ thời Pháp thuộc, trên vùng đất này đã diễn ra không ít cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột của nhân dân các dân tộc anh em. Kẻ thù đã thiết lập tại Phước Long thành chốn lao tù để giam cầm và tra tấn dã man những người con trung kiên của đất nước. Đến thời Mỹ - ngụy, chúng biến vùng đất này thành “vành đai thép” nhằm bảo vệ đô thành Sài Gòn từ xa. Đồng thời ngăn chặn sự chi viện của ta theo tuyến đường Trường Sơn vào các chiến trường Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đất Phước Long những năm tháng chiến tranh còn là địa điểm tập kết hàng hóa, hậu cần và lực lượng của ta phục vụ các chiến trường. Với vị trí đặc biệt quan trọng này, Phước Long đã được phía ta chọn để thực hiện “trận trinh sát chiến lược” làm phép thử đối với quân ngụy và sự can thiệp của Mỹ bằng Chiến dịch đường 14 - Phước Long.

Sau hơn 20 ngày đêm chiến đấu (mở màn chiến dịch đêm 13-12-1974 đến ngày giải phóng Phước Long 6-1-1975), quân ta đã tiêu diệt hơn 500 tên địch, bắt 1.179 tên, thu 1.498 súng các loại, 190 máy thông tin, 90 xe cơ giới; bắn rơi 12 máy bay và nhiều trang thiết bị quân sự của địch... Chiến thắng Phước Long đã mở thông cánh cửa nối Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, làm thay đổi cục diện trên toàn chiến trường miền Nam. Đặc biệt, với chiến thắng này, Phước Long trở thành tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, từ đó củng cố ý chí sắt đá, tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hướng đến trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Trong chặng đường gần nửa thế kỷ qua, Phước Long đã phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết chung lòng ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, biến vùng đất đầy bom đạn năm xưa thành đô thị trẻ, năng động và tràn đầy sức sống. Phước Long hôm nay đã có những bứt phá rất mạnh mẽ về nhiều mặt và là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của Bình Phước. Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình chung nhưng thị xã Phước Long đã đạt nhiều kết quả vượt bậc. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 33.896 tỷ đồng, tăng 18,46% so với cùng kỳ năm 2022; sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 871,79/870 tỷ đồng; tổng thu ngân sách ước đạt hơn 228 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người hơn 108 triệu đồng/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại; giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đã được nâng cao. Trong đó, Giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” truyền thống mừng chiến thắng Phước Long được tổ chức vào ngày 6-1 hằng năm là sự kiện văn hóa, thể thao lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Phước Long hôm nay cũng là điểm đến lý tưởng trong hoạt động du lịch dã ngoại, về nguồn, văn hóa, lịch sử và các nhà đầu tư.

Phát huy truyền thống anh hùng và bài học lịch sử trong đấu tranh cách mạng, thị xã Phước Long đang nắm chắc thời cơ, chọn khâu đột phá và tranh thủ mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Đặc biệt, sớm đưa Phước Long đạt đô thị loại III và trở thành một cực tăng trưởng mới, bền vững của Bình Phước trong tương lai gần.

Tấn Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/152664/phat-huy-tinh-than-chien-thang-phuoc-long