Phát huy tinh thần cống hiến của thanh niên Quân đội trong tình hình mới
Trong lịch sử gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta, thanh niên quân đội đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Với lý tưởng, hoài bão cao đẹp, các thế hệ thanh niên quân đội đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, cống hiến tuổi trẻ, tâm huyết, sức lực, trí tuệ cho đất nước, dân tộc. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tinh thần cống hiến của thanh niên quân đội cần tiếp tục được bồi đắp, phát huy, góp phần giúp Quân đội ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Tinh thần cống hiến – phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống quý báu của thanh niên quân đội
Quân đội ta do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện, là Quân đội nhân dân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Mang trên mình danh xưng cao quý Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân trao tặng, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội phải hội tụ trong mình những phẩm chất cao quý của người quân nhân cách mạng, đó là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, giản dị; có lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tác phong chính quy; có mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; có tinh thần quốc tế cao cả. Những phẩm chất ấy được biểu hiện hội tụ trong tinh thần cống hiến của người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Cống hiến là sự tự nguyện trao đi những điều có giá trị của bản thân vì lợi ích chung của tập thể, cộng đồng, xã hội. Đó là một sự lựa chọn cách sống dựa trên cơ sở thấm nhuần lý tưởng; là biểu hiện mang tính hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người. Cống hiến là sự trao đi mà không mưu cầu nhận lại. Đối với chủ thể cống hiến, điều nhận lại chính là niềm vui, niềm hạnh phúc, sự thỏa mãn tinh thần khi được đóng góp giá trị của bản thân vào thành công chung. Do đó, sự cống hiến luôn gắn liền với lý tưởng, hoài bão, khi mong muốn về việc sống một cuộc đời có ý nghĩa trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy con người dâng hiến những điều tốt đẹp nhất cho sự nghiệp chung.
Thấm nhuần lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng, nêu cao tinh thần “vĩ công vi thượng” của người cộng sản, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta luôn sẵn sàng tự nguyện, tự giác chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội đã góp phần làm nên truyền thống cao quý của Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện cô đọng trong lời khái quát của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(1).
Đối với lực lượng thanh niên quân đội, việc nêu cao tinh thần cống hiến đã trở thành truyền thống tiêu biểu của những người trẻ tuổi mang trên mình màu áo Bộ đội Cụ Hồ.
Trong những năm chiến tranh đầy gian khổ, các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, tuổi trẻ, chiến đấu và hy sinh để giành độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc. Cùng với hành trình đấu tranh cách mạng đầy gian khổ của Đảng, của dân tộc, hàng triệu thanh niên Việt Nam đã ngã xuống, cho Tổ quốc được đứng lên. Trong giai đoạn đất nước hòa bình, thống nhất, tinh thần cống hiến tiếp tục được các thế hệ thanh niên quân đội hôm nay tiếp nối. Trên khắp các vùng biên cương, hải đảo, lực lượng thanh niên quân đội vẫn luôn vững vàng tay súng, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Khi đất nước gặp thiên tai, dịch bệnh, thanh niên quân đội lại không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, xông pha tới những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất để bảo vệ an toàn tính mạng và sự ổn định đời sống của nhân dân. Sự hy sinh, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ quân đội nói chung, thanh niên quân đội nói riêng đã được các tầng lớp nhân dân hết lòng biết ơn, trân trọng.
Một số giải pháp phát huy tinh thần cống hiến của thanh niên quân đội trong tình hình mới
Hiện nay, đất nước ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực hết sức phức tạp, nhiều biến động. Nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách mới. Hơn lúc nào hết, tinh thần cống hiến của thanh niên quân đội cần phải được tiếp tục phát huy cao độ, góp phần làm ngời sáng truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, xứng đáng với niềm tin yêu mà Đảng và nhân dân trao tặng. Để phát huy tinh thần cống hiến của thanh niên quân đội trong tình hình hiện nay, cần tập trung làm tốt một số biện pháp cơ bản sau đây:
Một là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, xây dựng lý tưởng, hoài bão, tình cảm cách mạng cho thanh niên quân đội. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định. Tinh thần cống hiến của thanh niên quân đội được tạo nên trước hết bởi sự thấm nhuần lý tưởng cách mạng; biến lý tưởng của Đảng, của dân tộc thành lý tưởng cá nhân, từ đó định hướng sự phát triển nhận thức, tình cảm của cá nhân một cách đúng đắn. Chỉ khi mỗi người lính biết thấu hiểu, tin tưởng vào con đường cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng; biết trân trọng, yêu quý với truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc; biết cảm thấy vinh dự, tự hào khi được khoác trên mình quân phục Bộ đội Cụ Hồ thì họ mới sẵn sàng hy sinh, cống hiến, sẵn sàng hiến dâng tâm huyết, trí tuệ, sức lực của mình cho đơn vị, cho quân đội, cho đất nước. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần phải thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Trong đó, trước hết phải đổi mới nội dung giáo dục, vừa chú trọng giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, của quân đội; vừa phải cập nhật kịp thời những vận động của thời đại, của tình hình thế giới, khu vực, qua đó giúp cho thanh niên quân đội có nhận thức chính trị đầy đủ, toàn diện, đúng đắn cho mỗi quân nhân.
Hai là, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thanh niên quân đội trong các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Đời sống vật chất, tinh thần trong đơn vị là những yếu tố có tác động trực tiếp nhất đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của mỗi quân nhân, trong đó có lực lượng thanh niên. Đó là những cơ sở tự nhiên để hình thành, phát triển tinh thần cống hiến của cán bộ, chiến sĩ nói chung, thanh niên quân đội nói riêng. Do đó, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan đơn vị cần đặc biệt chú trọng việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đơn vị. Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn cho mọi quân nhân theo quy định, các cơ quan, đơn vị cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để không ngừng cải thiện mọi mặt đời sống, giúp cho thanh niên quân đội thực sự coi đơn vị là nhà, đồng chí, đồng đội là anh em.
Ba là, phát huy vai trò của tất cả các tổ chức, lực lượng trong xây dựng tinh thần cống hiến cho thanh niên quân đội. Trong đó, trước hết cần phát huy vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Cấp ủy, tổ chức đảng ở mỗi cơ quan, đơn vị phải xác định việc xây dựng tinh thần cống hiến cho thanh niên quân đội là nhiệm vụ quan trọng, từ đó xây dựng chủ trương, giải pháp trong Nghị quyết lãnh đạo hàng tháng, quý, năm, làm cơ sở thống nhất nhận thức và hành động của tất cả các tổ chức, lực lượng khác trong đơn vị. Đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý đơn vị cũng phải xác định việc xây dựng tinh thần cống hiến cho thanh niên quân đội là trách nhiệm của cá nhân, bởi họ chính là những người cụ thể hóa chủ trương, giải pháp lãnh đạo của tổ chức đảng, trực tiếp tổ chức, điều hành mọi hoạt động của bộ đội. Bên cạnh việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của bản thân, mỗi người cán bộ còn cần phải nêu cao gương mẫu, thực sự là tấm gương về tinh thần cống hiến, hy sinh, tận tụy, hết mình vì nhiệm vụ, vì tập thể đơn vị để thanh niên trong đơn vị học tập, noi theo. Các tổ chức đoàn, hội đồng quân nhân cần phải phát huy tốt vai trò của mình trong việc tập hợp, tổ chức, động viên cán bộ, đoàn viên thanh niên; phát huy dân chủ; tạo dựng môi trường, điều kiện thuận lợi để mọi thanh niên trong đơn vị bộc lộ tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, sở trường cá nhân, qua đó thêm tin tưởng, yêu quý, gắn bó với đơn vị, với quân đội.
Bốn là, phát huy ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của thanh niên quân đội. Ý thức, tinh thần cống hiến là yếu tố nảy sinh từ nhận thức, tư tưởng, tình cảm của mỗi người, thuộc về nội tại tinh thần của mỗi người. Do đó, không thể xây dựng được tinh thần cống hiến cho thanh niên quân đội nếu chỉ quan tâm đến những giải pháp tác động từ các chủ thể bên ngoài mà không quan tâm đến việc thúc đẩy ý thức tự giác của bản thân mỗi thanh niên. Để khơi dậy và phát huy ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự bồi đắp tinh thần cống hiến của thanh niên quân đội, các cơ quan, đơn vị cần phải giáo dục, thuyết phục, động viên để mỗi thanh niên có động cơ phấn đấu, tu dưỡng đúng đắn; thường xuyên quan tâm định hướng xu hướng phấn đấu của mỗi người; hướng dẫn, giúp đỡ họ về phương pháp rèn luyện; tạo dựng môi trường phù hợp để họ nêu cao ý thức tu dưỡng của bản thân thông qua các phong trào thi đua, khen thưởng, sơ kết, tổng kết… Việc kết hợp giữa những tác động khách quan và những nỗ lực chủ quan trong xây dựng tinh thần cống hiến cho thanh niên quân đội phải là một quá trình thống nhất, hài hòa, liên tục.
Năm là, kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa những tác động tiêu cực; đấu tranh với những biểu hiện nhận thức lệch lạc về tinh thần cống hiến của thanh niên quân đội. Một mặt, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải luôn chủ động trong việc nhận diện, nắm bắt tình hình thực tiễn; có sự đánh giá, dự báo về những nhân tố tác động đến tinh thần cống hiến của thanh niên quân đội, nhất là các yếu tố có tác động tiêu cực, từ đó kịp thời đề ra các chủ trương, giải pháp phòng ngừa. Thực tiễn cho thấy, do những tác động từ các yếu tố bên ngoài đến tinh thần cống hiến của thanh niên quân đội thường diễn ra âm thầm; sự thay đổi, chuyển biến trong nhận thức, tình cảm của mỗi thanh niên cũng rất khó nhận biết, nên giải pháp chủ yếu để phòng ngừa những tác động tiêu cực chính là phải luôn quan tâm, sâu sát, gần gũi để cá nhân mỗi thanh niên quân đội sẵn sàng chia sẻ tâm tư, tình cảm; qua đó có sự giáo dục, động viên kịp thời. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phải tạo dựng được tinh thần tự phê bình và phê bình lành mạnh, nghiêm túc trong nội bộ, từ đó kịp thời ngăn chặn những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng hay bình quân chủ nghĩa; sự thiếu ý chí, tinh thần cống hiến của thanh niên… Giải pháp này chỉ có thể thực hiện tốt khi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thực sự tạo dựng được một môi trường đoàn kết, dân chủ trong tập thể đơn vị.
NGUYỄN HẢI ĐĂNG - Văn phòng, Học viện Chính trị
(1) Hồ Chí Minh (1964), “Bài nói chuyện trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội,2011, tr.435