Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay

Truyền thống đoàn kết của dân tộc ta từ lịch sử được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh, kết tinh thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tiễn cách mạng nước ta gần một thế kỷ qua đã chứng minh một cách đanh thép sức sống mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là Đảng ta đã quán triệt sâu sắc tư tưởng đó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng qua mọi thời kỳ, từ khi thành lập Đảng cho đến nay.

Đại đoàn kết toàn dân tộc - một quan điểm mang tính chiến lược của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ những ngày đầu năm 2020 đến nay, nhân dân các dân tộc anh em trong cả nước Việt Nam đoàn kết thống nhất, chung sức, chung lòng cùng Đảng và Nhà nước “chống giặc và chiến thắng giặc Covid-19”. Một lần nữa, bạn bè quốc tế có dịp kiểm chứng giá trị của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - một quan điểm mang tính chiến lược, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và được Đảng ta, do Người sáng lập, rèn luyện, thực hiện một cách xuất sắc trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam.

Trở lại tìm hiểu và vận dụng sáng tạo quan điểm chiến lược đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh để “tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc”, một trong các thành tố cơ bản trong nội dung Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng ta.

Đối với dân tộc ta, nhân dân ta, đoàn kết là lẽ sinh tồn của dân tộc. Từ xưa đến nay, lúc nào dân ta đoàn kết “muôn người như một” thì việc gì khó, thiên tai hay địch họa, dân tộc ta, nhân dân ta cũng có thể vượt qua. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết không chỉ là điều kiện bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng mà còn là mục tiêu chiến lược của toàn bộ tiến trình cách mạng - giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội - mang đến phồn vinh cho mọi người và mỗi người dân Việt Nam. Người đúc kết, nhờ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, nên cách mạng Việt Nam đã “Thành công, thành công, đại thành công”.

Để thực hiện được đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rất giản dị và dễ hiểu những nội dung cốt lõi:

Một là, đoàn kết mọi người dân nước Việt, không phân biệt đa số hay thiểu số, giàu hay nghèo, già - trẻ, gái - trai… Trong đó, liên minh công - nông - trí là lực lượng nòng cốt.

Hai là, để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần phải kế thừa các giá trị truyền thống của ông cha. Trong đó, chủ nghĩa yêu nước là một giá trị, là mẫu số chung kết dính mọi người dân Việt Nam. Người chỉ rõ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"1.

Ba là, để đoàn kết vững chắc, lâu dài, vừa phải hiểu, tin yêu, kính trọng, học tập, dựa vào dân; vừa khoan hồng, đại lượng với những người lầm đường, lạc lối. Người tuyên bố: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ thì dù người đó trước đây chống chúng ta bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”2. Người cũng chỉ rõ, đại đoàn kết phải được phát triển trong tổ chức, các dân tộc anh em phải trở thành một khối thống nhất do Đảng cách mạng lãnh đạo. Sự hình thành và việc phát huy tốt vai trò của Mặt trận Dân tộc Thống nhất ngay từ những ngày đầu cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng và cách thức, nghệ thuật tập hợp, huy động sức dân của Người và của Đảng ta.

Với tình yêu thương con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tình cảm và đặc biệt quan tâm khích lệ, động viên đồng bào các dân tộc trong cả nước, cùng với đó, với tư cách là người tổ chức, kiến tạo thể chế, Người và Đảng đã tạo lập môi trường, điều kiện để phát huy vai trò sức mạnh đó không chỉ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc mà cả trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc giai đoạn 1930-1975 là những minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nội dung, cách thức để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay

Từ bài học lịch sử, từ yêu cầu về tạo lập động lực để hội nhập và phát triển, lúc này mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những đại biểu tham dự đại hội Đảng các cấp, cần đào sâu tìm hiểu tư tưởng và cách làm của Bác để suy ngẫm, thiết kế và tổ chức thực hiện thật tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn tiếp theo.

Theo tinh thần đó, nên thấu triệt trong nhận thức để tập trung bàn thảo, thiết kế cách thức hành động để hiện thực hóa các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tinh thần của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Độc lập, tự do là nội dung cơ bản phản ánh quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia dân tộc, của mỗi cá nhân, thành viên trong dân tộc đó. Trong đó, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi con người. Song cũng cần hiểu rằng, con người không bao giờ là một chủ thể tách biệt xã hội, mỗi cá nhân luôn là thành viên xã hội, là công dân của một nước - quốc gia dân tộc nhất định. Vì lẽ đó, quyền của con người luôn gắn liền với quyền của quốc gia, dân tộc. Con người chỉ có thể mưu cầu hạnh phúc cho chính mình, được sống và được tôn trọng phẩm giá khi quốc gia dân tộc độc lập, tự do. Chính vì vậy, ngày nay mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã phản ánh trong đó lợi ích căn bản của các thành viên, các cộng đồng cư dân Việt Nam, đó là chất keo để kết dính mọi cấp độ chủ thể lợi ích, tạo nên sức mạnh toàn dân tộc. Bởi lẽ đó, giải pháp có tính nền móng để đoàn kết toàn dân ở mọi cấp độ có thể quy về kiến tạo môi trường thể chế để khuyến khích, huy động mọi người dân, mọi tầng lớp dân cư khát vọng làm giàu và có cơ hội làm giàu bằng tài năng của chính mình. Và trên nền nguồn lực vật chất đó, bảo đảm an ninh cho mỗi con người, mỗi cộng đồng. Trọng trách này trước hết thuộc về Đảng, sau đó là của chính quyền các cấp.

Thứ hai, khi hiểu rằng “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lí gì” và “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Vì thế, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, của chính quyền các cấp hiện nay phải phản ánh được tâm tư nguyện vọng và lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, chính quyền phải thật sự gần dân, trọng dân, và phấn đấu cho quyền lợi của nhân dân. “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Bởi vậy, khi biết mình đã không còn được cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân lâu hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn Dân, trong đó, Người dặn dò toàn Đảng, toàn dân phải không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"3. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên lúc này tâm niệm và cố gắng làm được một phần như Bác, chắc chắn đại đoàn kết toàn dân sẽ có lực hấp dẫn đủ lớn để ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn chia rẽ của các thế lực thù địch.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, góp phần không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong hoạt động của mình cũng góp phần quan trọng vào đoàn kết các tầng lớp nhân dân, huy động sức mạnh toàn dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị; thông qua đó làm cho quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân càng thêm gắn bó. Dân thêm tin Đảng, hiểu được những chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội là nhằm mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tiến lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Vấn đề đặt ra lúc này không chỉ là nhận thức đúng đắn hơn nữa vai trò của Mặt trận, từ đó thiết kế nội dung đổi mới tổ chức tinh gọn, hiệu quả, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng sao cho mọi người dân đều có thể tiếp nhận và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khắc phục bệnh quan liêu, hình thức, hành chính hóa; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng theo hướng sát dân, trọng dân, hiểu nhu cầu chính đáng của nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức vận động và nâng cao tỷ lệ tập hợp quần chúng nhân dân vào các tổ chức đại diện, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Thanh niên.

Đặc biệt, ở vùng dân tộc thiểu số cần phát huy các hình thức tự quản của cộng đồng dân cư, coi trọng vai trò già làng, trưởng bản, những người có uy tín ở cộng đồng trong công tác vận động quần chúng. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo, không tạo ra những kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo và làm mất ổn định chính trị - xã hội.

Nguyễn Thị Tâm

PGS.TS, Học viện Chính trị khu vực III

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.38.

2. Hồ Chí Minh, sđd, 2011, t9, tr.69.

3. Hồ Chí Minh, Sđd, 1996, t12, tr 512.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phat-huy-tinh-than-dai-doan-ket-toan-dan-toc-trong-thoi-ky-hoi-nhap-phat-trien-hien-nay-36379.html