Phát huy tinh thần sáng tạo của người lao động xứ Thanh (Bài 2): Lan tỏa phong trào thi đua 'Lao động giỏi, lao động sáng tạo'

Phong trào thi đua (PTTĐ) 'Lao động giỏi, lao động sáng tạo' do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động trong những năm qua đã phát triển rộng khắp trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) xứ Thanh, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước, tính năng động, sáng tạo, vượt khó, đưa sản xuất phát triển, kinh doanh có hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn với chất lượng cao.

Sáng kiến “Mô hình cánh tay robot phân loại sản phẩm điều khiển, giám sát, thu thập dữ liệu bằng Smartphone” của anh Nguyễn Hữu Thắng, giảng viên Khoa Điện – Điện tử, điện lạnh, Trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa (người bên trái) được tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Thanh Huê

Trân trọng từng sáng kiến

Với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, những năm qua, PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được Công đoàn Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức tích cực triển khai và đã thu được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN).

Đồng chí Vũ Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức, cho biết: Để thúc đẩy người lao động (NLĐ) tích cực tham gia phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, công đoàn công ty đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng PTTĐ trên cơ sở bám sát nhiệm vụ, đặc điểm hoạt động của DN. Bên cạnh đó, công ty có chế độ khen thưởng cho cán bộ, NLĐ hăng hái, say mê sáng tạo, đồng thời coi đó là những nhân tố để theo dõi, bồi dưỡng phát triển. NLĐ được khuyến khích phát huy tối đa sức sáng tạo của mình, bất kể một sáng kiến cải tiến nào của NLĐ cũng được công ty thưởng tối thiểu là 500 nghìn đồng, dựa vào giá trị làm lợi, có những sáng kiến cải tiến được công ty ghi nhận, đánh giá cao thì tiền thưởng sẽ tăng lên gấp 10 - 20 lần. Nhờ có chính sách khen thưởng của DN nên NLĐ cảm thấy được ghi nhận, đánh giá cao. Chính vì thế mà mỗi đợt phát động PTTĐ, Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức đều nhận được từ 40 - 50 sáng kiến cải tiến lớn nhỏ của NLĐ, đóng góp cho sự phát triển bền vững của DN.

Thông qua PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã phát huy tiềm năng sáng tạo, ý thức trách nhiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của NLĐ, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, làm lợi hàng tỷ đồng cho DN. Từ năm 2017 đến nay, Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức có hơn 300 sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công nhân, NLĐ, áp dụng có hiệu quả và thực tiễn sản xuất; trong đó có 5 đoàn viên được nhận Bằng Lao động sáng tạo; 1 cá nhân được biểu dương tại Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” và được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam; 1 cá nhân được tặng Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2022; 2 đoàn viên đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa...

“Mỗi sáng kiến là một câu chuyện không chỉ có giá trị làm lợi cao mà sâu xa hơn là ở những NLĐ bình thường hay lao động trí thức đều có những sáng kiến mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Những sáng kiến ấy đều xuất phát từ thực tiễn sản xuất, từ đôi tay, trí óc và lòng đam mê công việc của NLĐ. Do vậy, tất cả các sáng kiến đó cần phải được người sử dụng lao động trân quý và có hình thức biểu dương, khen thưởng tương xứng” – đồng chí Vũ Ngọc Tuấn cho biết thêm.

Tạo môi trường sáng tạo

Nhận thức được vai trò của nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, khẳng định uy tín của nhà trường, những năm qua, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa không chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ đào tạo mà còn quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu khoa học và phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thu hút cán bộ, giảng viên (CBGV), sinh viên tham gia.

Đồng chí Trịnh Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa cho biết: Hàng năm, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu và Ban Chấp hành công đoàn nhà trường xác định đẩy mạnh PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Từ đó ban hành kế hoạch thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các giải pháp khoa học ứng dụng trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và quản lý của nhà trường và xem đây là một trong các tiêu chí thi đua khen thưởng và đánh giá phân loại CBGV và đoàn viên công đoàn hàng năm. Nhà trường có cơ chế, quy định tạo điều kiện cho CBGV tham gia tuyển chọn, xét chọn các đề tài khoa học cấp tỉnh; tạo môi trường thuận lợi để CBGV nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo, phát triển thành những sáng kiến, đề tài khoa học có giá trị thực tiễn. Cách làm này đã có tác động tích cực tới việc nâng cao chất lượng các sáng kiến, đề tài khoa học. Nhiều năm qua, đội ngũ CBGV nhà trường đã tích cực và chủ động tham gia công tác nghiên cứu khoa học, làm mô hình học cụ.

Để PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đi vào chiều sâu, nhiều năm qua, cùng với việc kêu gọi, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tinh thần nhiệt huyết cống hiến của đội ngũ CBGV, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Cụ thể là không chỉ động viên về mặt tinh thần mà nhà trường còn tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất, thời gian để CBGV có thể an tâm tham gia hoạt động nghiên cứu. Với CBGV, kết quả tham gia các hội thi được xem là cơ sở để xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Còn với sinh viên, các danh hiệu đạt được tại các hội thi sẽ là điều kiện để được cộng điểm đầu ra khi tốt nghiệp. Nhờ có sự quyết tâm từ phía lãnh đạo, sự nỗ lực của đội ngũ CBGV nhà trường nên chất lượng của các đề tài, dự án, giải pháp khoa học không ngừng nâng cao về số lượng, chất lượng.

Từ năm 2017 đến nay, CBGV nhà trường đã có trên 200 đề tài, sáng kiến cải tiến, mô hình thiết bị tự làm được đăng ký và triển khai thực hiện; trong đó có 12 đoàn viên được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; hơn 100 bài báo, công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước; 6 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Nhiều đề tài, sáng kiến, mô hình thiết bị tự làm được ứng dụng vào thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy, đã làm lợi và tiết kiệm được cho nhà trường hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu là các đề tài, sáng kiến: “Chế tạo bộ thiết bị đào tạo hộp số tự động vô cấp CVT xe Toyota phục vụ giảng dạy” của anh Trịnh Đình Chung, Trưởng Khoa Công nghệ ô tô; “Thiết kế, chế tạo mô hình dạy học ứng dụng PLC - HMI - biến tần trong điều khiển điện công nghiệp” của anh Nguyễn Văn Truyền, Trưởng khoa Điện, Điện tử - Điện lạnh; “Mô hình cánh tay robot phân loại sản phẩm điều khiển, giám sát, thu thập dữ liệu bằng Smartphone” của anh Nguyễn Hữu Thắng, giảng viên Khoa Điện – Điện tử, điện lạnh...

Sôi nổi thi đua, hiệu quả thiết thực

Thực hiện lời dạy của Bác “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý của dân tộc, chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào và lan rộng mãi”, trong những năm qua, PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đã được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai sâu rộng thực hiện có hiệu quả, thu hút và khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của NLĐ trên nhiều lĩnh vực.

Công đoàn phối hợp với chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và DN thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các PTTĐ. Bằng nhiều biện pháp đa dạng, phong phú, thiết thực, LĐLĐ tỉnh đã chủ động tổ chức cho các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền cùng cấp, căn cứ vào tình hình của từng địa phương, đơn vị, tổ chức phát động PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” gắn với các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại trong nước. Đặc biệt, để PTTĐ đạt được hiệu quả thiết thực, LĐLĐ tỉnh xác định mục tiêu, tập trung vào những vấn đề mấu chốt, hướng phong trào vào những khâu yếu, những việc khó, những vấn đề bức xúc, tồn tại đang đặt ra để tập trung giải quyết, trên cơ sở đó xây dựng nội dung và tiêu chuẩn thi đua phải thật cụ thể, sát với nhiệm vụ chính trị của từng tập thể, từng cá nhân...

Minh chứng cho điều này là số lượng các đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, kinh doanh được áp dụng vào thực tiễn sản xuất ngày càng tăng. Thông qua PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và các PTTĐ do các cấp công đoàn phát động, nhiệm kỳ qua (2018-2023), đã có 62.887 sáng kiến, đề tài được áp dụng vào công tác, sản xuất làm lợi hàng trăm tỷ đồng; Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo cho 167 đồng chí; 1.781 đồng chí được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn”; nhiều tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các PTTĐ được các cấp ghi nhận, khen thưởng.

Đồng chí Mai Bá Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khẳng định: Kết quả của PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do các cấp công đoàn phát động những năm qua có thể ví như một “ngọn lửa” bừng cháy với nhiệt huyết và sự dấn thân, cống hiến của mỗi đoàn viên, CNVCLĐ. Trên mọi lĩnh vực công tác, từ các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các trung tâm bệnh viện, nhà trường... đâu đâu cũng có dấu ấn sáng tạo của đoàn viên, CNVCLĐ. Với sự nỗ lực của tổ chức công đoàn, tin tưởng rằng thời gian tới, PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tiếp tục được lan tỏa, tạo sức hút để đoàn viên, CNVCLĐ thỏa sức nghiên cứu, sáng tạo, ngày càng có nhiều hơn những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ, cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích giúp nâng cao hiệu quả công tác, lao động, học tập, sản xuất, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Thanh Huê

Bài cuối: Công đoàn Thanh Hóa đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phat-huy-tinh-than-sang-tao-cua-nguoi-lao-dong-xu-thanh-bai-2-lan-toa-phong-trao-thi-dua-lao-dong-gioi-lao-dong-sang-tao/191072.htm