Phát huy tính ưu việt của mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng

Ngày 17/4, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp thẩm định.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp thẩm định.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch thường trực thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng dự.

Phát biểu tại phiên họp, ông Lê Mạnh Hùng Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 03 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, thành phố đã phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ thành phố xuống phường theo hướng bảo đảm tính thống nhất, thông suốt; đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ chính quyền thành phố cho chính quyền quận, phường, giảm khâu trung gian, rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, qua sơ kết, việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về: cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường; cơ chế tài chính của UBND quận, phường; liên thông cán bộ phường và cán bộ, công chức xã… Bên cạnh đó, quá trình triển khai một số cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội còn chậm so với kế hoạch; một số cơ chế tuy đã thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội là cần thiết nhằm đẩy mạnh việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, phát huy tính ưu việt và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản nhất trí với nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết; đồng thời trao đổi, thảo luận và đóng góp thêm ý kiến cho cơ quan chủ trì soạn thảo về một số nội dung cụ thể như: nghiên cứu các quy định áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa thể thao; cơ chế bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng…

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành phố Đà Nẵng và các bộ, ngành liên quan trong việc điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Thứ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết đã bám sát và thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, xin ý kiến thêm của Chính phủ về nội dung biên chế và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đồng thời, giao dịch trong Khu thương mại tự do có thể bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ, vì vậy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động đến thị trường ngoại tệ.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ nguyên tắc, tiêu chí, thời gian, không gian, địa điểm cách thức tham gia mô hình thử nghiệm có kiểm soát của thành phố. Ngoài ra, để tránh kẽ hở pháp lý trong quá trình triển khai, thực hiện, cơ quan chủ trì cũng cần nghiên cứu bổ sung thêm 1 điều riêng quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của từng cơ quan, đơn vị và biện pháp xử lý khi có xung đột giữa các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước hoặc với cơ quan quản lý nhà nước.

Hồng Lê

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phat-huy-tinh-uu-viet-cua-mo-hinh-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-tai-da-nang-post510062.html