Phát huy tối đa nguồn lực đất đai

Ngày 21-7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp… Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội với điểm cầu các đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và 11.661 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc. Hơn 1 triệu đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết.

Tại điểm cầu TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dự và chủ trì. Cùng dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM; và lãnh đạo TPHCM qua các thời kỳ.

Hoàn thiện chính sách quản lý và sử dụng đất

Trong sáng 21-7, hội nghị đã nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận một cách dân chủ và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 về vấn đề này.

Trình bày chuyên đề, Thủ tướng cho rằng, đất đai là chủ đề khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan tới quá khứ, hiện tại, tương lai, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, các vấn đề an ninh phi truyền thống, các vấn đề đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Do đó, trong quá trình xây dựng Nghị quyết 18, các cơ quan liên quan đã đặt hàng 12 cơ sở nghiên cứu trong nước, 3 tổ chức quốc tế; tổ chức 9 tọa đàm, 12 hội thảo, 3 hội nghị ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; lấy ý kiến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, có nhiều cuộc làm việc với các đảng đoàn, ban cán sự đảng. Việc thảo luận tại Trung ương về dự thảo nghị quyết rất sôi nổi.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vấn đề đất đai dù phức tạp nhưng phải làm. “Thực tiễn chúng ta thấy, giàu lên cũng vì đất, nghèo đi cũng vì đất, mất đoàn kết, chia rẽ, sai phạm, tham nhũng cũng vì đất. Nhưng chúng ta vẫn phải làm, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để làm. Vừa làm vừa thí điểm, rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nóng vội”, Thủ tướng nêu quan điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung phân tích, nhấn mạnh những điểm mới của Nghị quyết 18 với 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn. Trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Một điểm mới mà Thủ tướng nhấn mạnh là cho cơ chế góp quyền sử dụng đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn (trước đây, đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn thì Nhà nước đứng ra thu hồi và chưa có quy định về điều chỉnh lại đất đai đối với các loại dự án này).

Đồng thời, đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, sẽ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư nhằm thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất...

Tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã trình bày chuyên đề về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.

Điểm mới đột phá: Bỏ khung giá đất

Đặc biệt, một điểm mới đột phá là Nghị quyết 18 bỏ khung giá đất, đồng thời yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường và quy định chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. HĐND cấp tỉnh quyết định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất.

Nghị quyết cũng yêu cầu hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm. Nghị quyết đưa ra chủ trương quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Đồng thời, có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương (nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch).

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dự hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dự hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất là nội dung hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất. “Chúng ta đều biết, khiếu kiện liên quan đến đất đai trong giai đoạn 2014-2020 thường chiếm từ 60-70% số lượng vụ việc hành chính; trong đó 60-70% là liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc chậm giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án lớn chậm tiến độ, đội vốn... Đây là vấn đề rất lớn cần giải quyết trong đổi mới chính sách pháp luật đất đai”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, đất đai là một hằng số nhưng dân số càng ngày càng đông hơn, do đó bài toán đặt ra là quản lý, sử dụng cho hợp lý, hiệu quả nhất. Thủ tướng nhắc lại, khi đi công tác tại các địa phương, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, những vị trí đất đai đẹp nhất phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, từ đó mới có người đến làm việc và có người đến làm việc thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, như thế thì phát triển bất động sản mới bền vững. Sử dụng đất đai phải hiệu quả, tính toán phù hợp. Sử dụng đất đai trước hết phải tạo ra công ăn việc làm, chứ không phải để phát triển thị trường bất động sản. Phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân, Nhà nước; nếu hài hòa thì sẽ không để xảy ra khiếu kiện.

Về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị sẽ ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị. Đây là điểm mới trong tổ chức thực hiện và điều này còn cho thấy tầm quan trọng của nghị quyết cũng như của chính sách, pháp luật về đất đai đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các cơ quan trong cả hệ thống chính trị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chủ động tổ chức thực hiện nghị quyết. Trong đó, Ban Cán sự đảng Chính phủ tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện nghị quyết đồng bộ, hiệu quả; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vào tháng 10-2022.

LÂM NGUYÊN - VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//phat-huy-toi-da-nguon-luc-dat-dai-828974.html