Phát huy tối đa tiềm năng về khoáng sản

Khánh Hòa có trữ lượng khoáng sản phong phú, dồi dào. Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh đang từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy tối đa tiềm năng về khoáng sản.

Nguồn khoáng sản dồi dào

Ông Bùi Minh Sơn - Trưởng phòng Khoáng sản, nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Khánh Hòa có nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng với trữ lượng có thể khai thác khoảng 1,42 tỷ m3; đá granite làm đá ốp lát có thể khai thác với trữ lượng khoảng 103 triệu m3. Đặc biệt, tỉnh có cát trắng làm thủy tinh ở huyện Cam Lâm nổi tiếng thế giới bởi chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất thủy tinh cao cấp, trữ lượng có thể khai thác khoảng 4,55 triệu m3; có nguồn nước khoáng, nước nóng thiên nhiên phong phú có thành phần, tính chất và một số hợp chất có hoạt tính sinh học đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam và nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện 24 điểm mỏ nước khoáng với trữ lượng có thể khai thác đến 13.860m3/ngày, trong đó có 21 điểm mỏ là nước khoáng nóng, phù hợp để sử dụng ngâm tắm, trị liệu phục hồi sức khỏe; 17 khu vực có nguồn bùn khoáng với trữ lượng khoảng 2,8 triệu m3, phù hợp mục đích ngâm tắm, làm đẹp. Hiện nay, tỉnh có 8 cơ sở sản xuất đá ốp lát đang hoạt động với công suất 1,9 triệu m2/năm; 1 cơ sở khai thác, chế biến cát trắng…

Mỏ khoáng sản cát trắng ở huyện Cam Lâm.

Mỏ khoáng sản cát trắng ở huyện Cam Lâm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, chủ yếu do quy định hiện hành của pháp luật khoáng sản và các pháp luật khác có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường… có nhiều quy định, quy hoạch khoáng sản chưa đồng bộ với các quy hoạch khác; ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở cấp cơ sở về bảo vệ, quản lý tài nguyên khoáng sản chưa tốt; nguồn lực tài chính bố trí cho công tác điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản còn hạn chế nên chưa đánh giá hết tiềm năng khoáng sản trên địa bàn, nhất là ở những khu vực có địa hình phức tạp, ven biển và trên biển. Cùng với đó, theo báo cáo của các địa phương như: Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lâm... hiện nay, các khu vực được cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế dẫn đến tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vẫn xảy ra trên địa bàn.

Triển khai đồng bộ những giải pháp

Theo ông Bùi Minh Sơn, để phát huy tiềm năng, thế mạnh về khoáng sản của tỉnh, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh một số giải pháp. Trong đó, cần đẩy mạnh và thực hiện tốt việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đảm bảo nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ thực hiện cấp phép các loại khoáng sản có giá trị, đặc thù thế mạnh của tỉnh như: Cát trắng làm thủy tinh, đá granite làm đá ốp lát phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên phục vụ du lịch, dịch vụ… Đồng thời, nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền cơ chế hỗ trợ tài chính chi cho công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác tại các địa phương và lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; tập trung công tác chuyển đổi số, xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên địa chất, khoáng sản của tỉnh để quản lý tập trung, thống nhất, hoàn thành trước năm 2025; số hóa dữ liệu cấp phép, tăng cường quản lý hoạt động hậu kiểm, giám sát hoạt động khai thác bằng công nghệ thông tin và dữ liệu số hóa; xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động khai thác khoáng sản…

Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã có những văn bản chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 10 ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 38 ngày 29-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; Chỉ thị số 23 ngày 15-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi và đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa… UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 917 về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh…

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp trong công tác quản lý các hoạt động khoáng sản, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường; ưu tiên cho việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, dự kiến hoàn thành trước ngày 20-12, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, thất thoát, tăng nguồn thu ngân sách tỉnh.

Theo kết quả điều tra trên đất liền cho đến nay, trên bản đồ địa chất, khoảng sản tỉnh Khánh Hòa tổng hợp được 295 mỏ, điểm khoáng sản và biểu hiện khoáng sản; trong đó có 238 mỏ, điểm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và 2 điểm than bùn thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh.

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202412/phat-huy-toi-datiem-nang-ve-khoang-san-b84329f/