Phát huy truyền thống Bộ đội Biên phòng anh hùng, quyết tâm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới
Để thống nhất các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, nội địa và giới tuyến, ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã ban hành Nghị quyết số 58 về việc xây dựng lực lượng Cảnh vệ nội địa và biên cương.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 100/TTg về việc thống nhất các đơn vị Bộ đội quốc phòng, Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an. Tại buổi lễ thành lập ngày 28-3-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự và huấn thị: “Đoàn kết cảnh giác; Liêm chính, kiệm cần; Hoàn thành nhiệm vụ; Khắc phục khó khăn; Dũng cảm trước địch; Vì nước quên thân; Trung thành với Đảng; Tận tụy với dân”.
Ngay từ khi mới ra đời, lực lượng CANDVT (nay là BĐBP) vừa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu trọng yếu, đồng thời triển khai nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ rời đồng bằng, thành phố tiến lên vùng cao, biên giới, ra biển - đảo lập đồn, dựng trạm, bám đất, bám dân, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, vận động quần chúng nhân dân, giúp đỡ đồng bào ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền cách mạng và “Lũy thép biên phòng nhân dân” nơi biên giới.
Những ngày đầu triển khai nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng lực lượng, BĐBP đã phải trực tiếp đương đầu với âm mưu và hoạt động chống phá cách mạng điên cuồng của đế quốc Mỹ, bè lũ tay sai và các thế lực thù địch. Cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao tinh thần cảnh giác, mưu trí, sáng tạo, vận dụng đúng đắn đường lối chính trị, quân sự, tấn công trấn áp bọn phản cách mạng, kết hợp chặt chẽ giữa vận động chính trị với các biện pháp nghiệp vụ và chiến đấu vũ trang, cùng với các lực lượng và nhân dân kịp thời phát hiện, bắt gọn nhiều toán gián điệp, biệt kích, đập tan nhiều vụ nổi phỉ, xưng vua, gây bạo loạn vũ trang ở khu vực biên giới, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị trong nội địa và trên các tuyến biên giới miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, các mục tiêu trọng yếu ở nội địa, các đơn vị vừa tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, vừa làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào; chi viện cho cách mạng miền Nam; phối hợp với các lực lượng trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, tháo gỡ nhiều bom, mìn, thủy lôi, mở luồng ra biển, bảo vệ hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân bám biển sản xuất. Tiêu biểu là các đơn vị: Đồn Hiền Lương, Đồn Cù Bai (CANDVT tỉnh Quảng Trị), Trạm Cửa Hội, Trạm Nậm Cắn (CANDVT tỉnh Nghệ An), Đồn cảng Hòn Gai, Đồn cảng Cửa Ông (CANDVT tỉnh Quảng Ninh),...
Ở miền Nam, lực lượng an ninh vũ trang chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt; với sự chi viện của miền Bắc, các chiến sĩ an ninh vũ trang đã bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục; luồn sâu vào lòng địch, diệt ác trừ gian, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, phá thế kìm kẹp của Mỹ - ngụy, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng; góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1975, đất nước thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia phát triển trong điều kiện mới: Các đơn vị đã tổ chức triển khai đồn, trạm, hình thành hệ thống bảo vệ biên giới, bờ biển dài hơn 8.000km thống nhất trên phạm vi cả nước. Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, một lần nữa, lực lượng BĐBP đã nêu cao ý chí kiên cường, dũng cảm, tinh thần độc lập dân tộc, lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, công tác và xây dựng lực lượng, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tháng 2-1979.
Từ khi đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia rất toàn diện, phức tạp, đòi hỏi phải có sự đổi mới đồng bộ cả về chủ trương, đối sách, biện pháp nghiệp vụ và bố trí, sử dụng lực lượng. Nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng báo cáo đề nghị Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, đối sách và hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới như: Pháp lệnh BĐBP, Luật Biên giới quốc gia; đặc biệt là Nghị quyết số 33, ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” và Luật Biên phòng Việt Nam.
Đổi mới mạnh mẽ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới, phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ vi phạm, vừa kiên quyết giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về biên giới, cửa khẩu, tạo môi trường thông thoáng, phục vụ tốt chủ trương mở cửa, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Trên mặt trận giữ gìn an ninh trật tự, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã không ngừng nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, vững về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, biển, đảo của Tổ quốc và vinh dự cho lực lượng BĐBP được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ 2, tháng 2-2009 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống BĐBP.
Những năm qua, các đơn vị BĐBP đã tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới. Qua đó, đã củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân trong tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Nhiều phong trào, chương trình, mô hình, sáng kiến tiêu biểu, cách làm hay của BĐBP đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống của nhân dân các dân tộc trên biên giới. Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và phương châm “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”; thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc” và hình ảnh các “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”; cán bộ, chiến sĩ BĐBP xả thân trong bão lũ cứu giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; đặc biệt trong đại dịch Covid-19… đã thực sự chiếm trọn tình cảm, sự tin yêu và quý mến của nhân dân cả nước, nhất là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, biển đảo, làm tỏa sáng phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Trước sự chống phá của các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, chia rẽ đoàn kết các dân tộc, tôn giáo; chia rẽ mối quan hệ đoàn kết với các nước láng giềng và bạn bè quốc tế, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quán triệt và thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng, mềm dẻo, linh hoạt trong đối sách nhưng kiên quyết, cứng rắn về nguyên tắc, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Đẩy mạnh công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, kết nghĩa giữa các đơn vị BĐBP với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu nước láng giềng, tạo sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng Việt Nam đã để lại những ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp trong nhân dân và lực lượng vũ trang nước bạn, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung của dân tộc Việt Nam.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của toàn Đảng, toàn dân, của tuyến sau hướng về tuyến trước phục vụ nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16 về tổ chức thực hiện “Ngày Biên phòng”; tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó quy định lấy ngày 3-3 hằng năm là “Ngày Biên phòng toàn dân”. Ngày 12-2-2020, Ban Thường trực Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ tư lệnh BĐBP đã ban hành Kế hoạch số 78 về phối hợp tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân.
Thực hiện nhiệm vụ đó, BĐBP đã tham mưu, phối hợp với các cấp, các ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi trong tham gia bảo vệ biên giới. Ý thức về quốc gia, quốc giới của công dân mà trực tiếp, thường xuyên là cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới được nâng lên rõ rệt. Ngày Biên phòng toàn dân đã trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, gắn với thực hiện hiệu quả Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, với gần 2.000 tổ tự quản, 46.000 hộ gia đình và trên 96.000 cá nhân đăng ký tự quản đường biên, mốc quốc giới; hơn 3.000 tổ tàu thuyền đoàn kết; 400 bến, bãi an toàn và hơn 16.000 tổ an ninh, trật tự.
Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã ký quy chế, chương trình phối hợp với hơn 20 ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; 44 tỉnh, thành phố biên giới và các đơn vị Quân đội; chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kết nghĩa, đỡ đầu các cơ quan, đơn vị trên biên giới. Nhiều chương trình hoạt động hướng về biên giới được tổ chức thường xuyên, hiệu quả như: “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Mái ấm người nghèo nơi biên giới”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”... Qua đó, tăng cường đoàn kết, phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa lực lượng BĐBP với các lực lượng và nhân dân.
Trong giai đoạn mới, BĐBP đã tham mưu triển khai nhiều hoạt động đối ngoại biên phòng, nổi bật như: Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; Biên cương thắm tình hữu nghị; tổ chức ký kết nghĩa 188 cặp đồn - trạm; tham mưu với địa phương tổ chức ký kết nghĩa 215 cặp cụm dân cư hai bên biên giới, góp phần củng cố, tăng cường, phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới và nhân dân hai bên biên giới.
Đồng thời với việc thực hiện nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới, nhiệm kỳ 2020 - 2025, BĐBP đã phối hợp với cấp ủy các địa phương thực hiện hiệu quả Kết luận số 68 của Ban Bí thư, triển khai 688 lượt cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã; 229 đồng chí tham gia Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường hàng trăm cán bộ cho các xã biên giới; giới thiệu hơn 2.000 đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt đảng tại các chi bộ thôn, bản và phân công hơn 9.000 đảng viên phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Triển khai nhiều phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, như: “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”; “Thầy giáo quân hàm xanh”; “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”... Trực tiếp tham mưu và cùng địa phương củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng biên giới vững mạnh và phát triển. Bên cạnh đó, BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong biểu dương, khen thưởng, tôn vinh hàng nghìn điển hình tiên tiến; phối hợp tổ chức chương trình “Điểm tựa của bản làng”, gặp mặt đội ngũ người có uy tín trong đồng bào các dân tộc. Kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biên giới.
Có thể khẳng định rằng, qua 35 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, Đảng, Nhà nước đã tiếp tục quan tâm sâu sắc và có nhiều chủ trương, chính sách sát đúng; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chung tay, góp sức hướng về biên giới, biển đảo; quần chúng nhân dân trong cả nước nói chung và ở khu vực biên giới nói riêng đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ biên giới.
Các hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân được tổ chức thường xuyên, rộng khắp; tạo khí thế sôi nổi, trở thành ngày hội của không chỉ đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, mà còn là ngày hội của nhân dân cả nước, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh vững mạnh, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trong quá trình chiến đấu, công tác, có 3.770 liệt sĩ, 4.800 thương binh và nhiều tấm gương hy sinh của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Qua 65 năm kiên cường chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã thể hiện lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, lập nên nhiều thành tích vẻ vang, tô thắm thêm truyền thống anh hùng của QĐND Việt Nam anh hùng; rạng ngời thêm phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ.
Toàn lực lượng đã 2 lần được phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; 1 Huân chương Sao vàng; 3 Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Độc lập; 3 Huân chương Quân công; 3 Huân chương Lao động; 156 lượt tập thể và 67 cá nhân được trao tặng danh hiệu ''Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân''. Hàng vạn tập thể và cá nhân được trao tặng các phần thưởng cao quý khác.
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống BĐBP và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân, lực lượng BĐBP vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh thắng lợi chuyên án A723P, triệt phá đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, bắt giữ 6 đối tượng, thu 14 khẩu súng và nhiều tang vật khác bảo đảm tuyệt đối an toàn. Đây là niềm tự hào to lớn của cán bộ, chiến sĩ BĐBP.
65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an trước đây và hiện nay là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự quan tâm của các cấp, các ngành, của cấp ủy, chính quyền các địa phương và sự phối hợp hiệp đồng của các lực lượng vũ trang; sự đùm bọc, giúp đỡ tận tình của nhân dân; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã kế thừa và phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của QĐND Việt Nam anh hùng, xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của BĐBP, tiêu biểu là:
1. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân nhân, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống. Thực hiện hiệu quả 16 chữ mà Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã tặng cho BĐBP nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, đó là “Trung thành tuyệt đối, Đoàn kết kỷ cương, Đổi mới sáng tạo, Bình yên biên giới”.
2. Cảnh giác, mưu trí, dũng cảm tấn công địch và tội phạm, chủ động sáng tạo trong công tác, nhạy bén linh hoạt trong đấu tranh, quyết thắng mọi kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
3. Gắn bó máu thịt với nhân dân, đoàn kết phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng, các địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia.
4. Đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, thực hiện “Liêm, chính, kiệm, cần”, xây dựng BĐBP ngày càng vững mạnh và phát triển.
5. Giữ vững đoàn kết quốc tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần thực hiện chính sách mở cửa, giao lưu, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.
Những thành tích và truyền thống vẻ vang của lực lượng BĐBP đạt được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, Nhà nước, của Bác Hồ kính yêu. Từ truyền thống của dân tộc, của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; từ sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP qua các thời kỳ; từ sự thương yêu, đùm bọc, cưu mang của đồng bào các dân tộc biên giới và nhân dân cả nước; sự giúp đỡ to lớn của cấp ủy, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương; đặc biệt là công lao của những người cha, người mẹ, người anh, người chị, người vợ, người em nơi hậu phương đã âm thầm vượt qua khó khăn, vất vả, lo toan mọi việc, để những người cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh vững vàng làm nhiệm vụ nơi biên cương, hải đảo.
65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy với nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đó là tài sản tinh thần to lớn và quý báu đã được lớp lớp cán bộ, chiến sĩ BĐBP dày công vun đắp, xây dựng.
Ôn lại từng trang sử hào hùng của lực lượng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang trước đây và BĐBP ngày nay không khỏi bồi hồi nhớ buổi đầu thành lập và Lời huấn thị của Bác Hồ kính yêu cũng như chặng đường gian khổ song anh dũng, quật cường. Tự hào về 65 năm truyền thống BĐBP anh hùng, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP hôm nay sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, quyết tâm xây dựng, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại; cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Trung tướng NGUYỄN ANH TUẤN, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.