Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc Việt Nam

Cuốn sách 'Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc' của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư duy nhất quán của nhà lý luận xuất sắc, liêm chính của Đảng ta về đại đoàn kết dân tộc. Vấn đề được xác định là đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta trong mọi thời kỳ.

Sách kết cấu thành 3 phần. Phần 1 với nhan đề: “Đại đoàn kết toàn dân tộc - Sức mạnh nội sinh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phần thứ hai là phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phần thứ ba là phát huy vai trò của các tầng lớp Nhân dân các địa phương, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới đất nước.

Nói về sứ mệnh chính trị cao cả, vẻ vang của MTTQ Việt Nam, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Là nòng cốt đoàn kết, là ngôi nhà chung của toàn dân tộc, là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu của các giai tầng xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài”.

Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh, trước những bước ngoặt lớn của lịch sử với mục tiêu lớn lao của đất nước, nếu biết khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ vượt qua mọi thác ghềnh, phong ba bão táp, để cập bến bờ vinh quang.

Theo khẳng định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời đại Hồ Chí Minh là thời đại huy hoàng bậc nhất về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Người đã sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ đại đoàn kết, đến đại đoàn kết toàn dân rồi phát triển lên thành đại đoàn kết toàn dân tộc là những cột mốc đánh dấu sự đổi mới và phát triển quan trọng về tư duy nhận thức và lý luận đối với chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta, theo chiều hướng ngày càng mở rộng về biên độ từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ còn những xơ cứng đến ngày càng cởi mở hơn. Các mối quan hệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xử lý luôn trên nguyên tắc thật thà và chân thành vì mục tiêu chung: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc làm điểm tương đồng.

Lịch sử cách mạng đã để lại nhiều bài học quý về xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là nhạy bén trong xác định những mục tiêu chung, điểm tương đồng của các giai tầng trong xã hội để tập hợp, đoàn kết được rộng rãi nhất lực lượng Nhân dân. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, cơ sở mục tiêu nào là điểm tương đồng để quy tụ, khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc? Đây luôn là nhiệm vụ, thách thức của những người làm công tác mặt trận.

Có thể thấy rõ, một trong vấn đề có ý nghĩa sống còn trong công tác nghiên cứu lý luận hiện nay đó là coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu làm rõ những yếu tố tác động đến sự phân hóa, biến động mới của các giai tầng xã hội; làm rõ nội hàm và những đặc điểm về đại đoàn kết toàn dân tộc, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và nội dung cốt lõi của liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong tình hình mới; xây dựng và triển khai Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự, đó là: “Hoạt động của mặt trận nên nhằm vào điểm chính để tránh khỏi việc gì cũng làm, nhưng ít việc làm chu đáo”.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động là hiệp thương dân chủ để đi đến thống nhất, do đó MTTQ Việt Nam cần phát huy cao độ dân chủ, để mọi sự khác biệt không trái với lợi ích chung đều cần được tôn trọng lắng nghe, bàn thảo và thống nhất, “cầu đồng tồn dị” không áp đặt, ép buộc. Mặt trận các cấp phải thật sự là trung tâm đoàn kết. Dân chủ đồng thời phải gắn liền với nguyên tắc, kỷ cương, tuân thủ Điều lệ, Cương lĩnh của MTTQ Việt Nam.

Đồng chí cố Tổng Bí thư cũng lưu ý: Giám sát và phản biện xã hội là để làm tăng thêm sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận xã hội chứ không phải là làm phân tán, phân tâm tư tưởng, làm giảm sự đồng thuận xã hội; để khuyến khích sáng tạo, tìm tòi cái mới chứ không phải là thui chột sự sáng tạo. Đối với cán bộ mặt trận các cấp, đồng chí cũng nhắn nhủ: Người hạnh phúc nhất là người mang lại hạnh phúc cho nhiều người.

Điều dễ nhận thấy, các bài nói, bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi trao đổi về những vấn đề hệ trọng của toàn dân tộc, như vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc đều thể hiện phong cách nói hết sức dung dị, gần gũi. Đúng với tinh thần như lời thơ vui của Người: “Mấy lời mộc mạc, nôm na. Vừa là tâm sự, vừa là ước mong”.

Trong rất nhiều bài nói, viết ở phần ba của cuốn sách, đặc biệt quan tâm tới bài phát biểu của cố Tổng Bí thư tại hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2018. Đúng là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở là khâu quan trọng và cấp bách. Cố Tổng Bí thư đã tìm ra chìa khóa hạt nhân, đó là “Ở đâu cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu gương mẫu, quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện để ban chỉ đạo hoạt động và phát huy tốt vai trò của mình thì ở đó việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nền nếp, thực chất và chuyển biến toàn diện”. Có vậy mới khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của Nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất.

Cổ nhân từ xưa đã nói, thành, tín luôn là vật dẫn kết nối các mối quan hệ. Suy rộng ra, muốn kết đoàn rộng khắp thì mẫu số chung luôn là khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, từ đó kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Có vậy thì con thuyền cách mạng Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua mọi thác ghềnh để cập bến vinh quang như lời vừa “tâm sự”, vừa “ước mong” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/phat-huy-truyen-thong-dai-doan-ket-dan-toc-viet-nam-33960.htm