Phát huy truyền thống, phẩm chất 'Trung thành - liêm chính - bản lĩnh - tận tụy', thực hiện tốt công tác tham mưu về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Trải qua 54 năm (5-1-1966 – 5-1-2020) xây dựng và trưởng thành, mặc dù có nhiều biến động, thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cho phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn cách mạng của nước ta, nhưng ngành nội chính Đảng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đồng chí Võ Duy Sang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Sầm Sơn về việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế – xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước 6 tháng cuối năm 2018, 6 tháng đầu năm 2019. Ảnh: Việt Linh
Quá trình lãnh đạo cách mạng, công tác nội chính, phòng chống tham nhũng (PCTN) luôn được Đảng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm toàn diện về nội chính, đặt nền móng cho công tác nội chính và nền dân chủ - pháp quyền của nước ta. Quan niệm Hồ Chí Minh về nội chính và công tác nội chính thấm nhuần sâu sắc tính nhân dân và dân tộc, nhất quán với mục đích vì dân, phục vụ nhân dân, bảo vệ nhân dân. Những chỉ dẫn của Người về nội chính, nội trị, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, còn thể hiện trong “Quốc lệnh”, ghi rõ thưởng cho người có công thật hậu, phạt kẻ có tội thật nặng, kết hợp đức trị với pháp trị để giáo dục văn trị trong chế độ mới, đem “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đó là những bài học quý trong di sản của Người cần khai thác, vận dụng, phát huy trong tình hình hiện nay.
Cũng từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mặt trái của quyền lực, Người nói rõ những tệ nạn chủ yếu cần phải phòng, chống là quan liêu, tham ô, lãng phí. Theo Người, những tệ nạn đó là tội ác, là kẻ thù khá nguy hiểm của nhân dân, là bạn đồng hành của thực dân phong kiến, là giặc nội xâm, phá từ trong phá ra. Tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí phá hoại đạo đức cách mạng, làm suy yếu thể chế, làm suy yếu Đảng, làm tha hóa quyền lực Nhà nước, đe dọa trực tiếp tới sinh mệnh của Đảng, tới sự tồn vong của chế độ.
Sau nhiều lần thay đổi về chức năng, tổ chức bộ máy, để đáp ứng yêu cầu công tác nội chính và PCTN trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), năm 2012 Bộ Chính trị đã quyết định tái thành lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính Tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; đồng thời kiện toàn ban chỉ đạo về PCTN.
Từ ngày được tái thành lập đến nay (tháng 8-2013), Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phát huy truyền thống, nêu cao phẩm chất “Trung thành - liêm chính - bản lĩnh - tận tụy” của đội ngũ cán bộ ngành nội chính Đảng, vượt qua khó khăn, nỗ lực cố gắng, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp với các ban, ngành chức năng, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác nội chính và PCTN, được cấp ủy và các ban, ngành đánh giá cao, bước đầu tạo niềm tin của nhân dân trong công tác PCTN và xử lý các tình hình nội chính phức tạp. Ban Nội chính đã tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh chọn những lĩnh vực trọng tâm, những khâu, những việc khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp trong công tác nội chính và PCTN để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lựa chọn những vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Ban đã làm tốt vai trò cầu nối quan trọng giữa các cơ quan nội chính, định hướng, chủ trương xử lý, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nội chính, tích cực theo dõi, đôn đốc, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng đã được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Năm 2019, Ban Nội chính đã nắm chắc tình hình, tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề nổi cộm về an ninh trật tự, bảo vệ an toàn các mục tiêu, sự kiện lớn của tỉnh. Ban đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các quyết định ban hành nội quy, quy chế tiếp dân và tham mưu, phục vụ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp dân định kỳ theo Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng các kế hoạch tổng kết, sơ kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương liên quan đến công tác nội chính, PCTN và CCTP.
Ban Nội chính đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập đoàn và tổ chức kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTN, lãng phí đối với 2 ban thường vụ huyện ủy và đảng ủy – ban giám đốc 2 sở, ngành; thành lập đoàn rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với tất cả các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và đôn đốc xử lý sau kết luận thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm, từ đó tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng thanh tra. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng điều tra, xác minh, giải quyết 3 vụ án diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo và 8 vụ việc, vụ án diện Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc; đến nay, đã giải quyết xong 7 vụ án, vụ việc. Ban đã phối hợp rà soát đề xuất đưa vào diện Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo 5 vụ án, vụ việc; diện Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc 6 vụ án, vụ việc; nghiên cứu, xác minh ban đầu, kiến nghị biện pháp xử lý, giải quyết 9 vụ khiếu nại, tố cáo do Thường trực Tỉnh ủy giao.
Ban Nội chính đã tham mưu chương trình công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh; tham mưu Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh chỉ đạo bổ sung, kiện toàn giám định viên tư pháp tại các sở, ngành; tham mưu giúp Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất, các văn bản, hướng dẫn, thực hiện quy chế làm việc; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ CCTP năm 2019 trên địa bàn tỉnh.
Qua tiếp công dân, xử lý đơn, thư, Ban Nội chính đã tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ngành, địa phương giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và giải quyết dứt điểm một số vụ việc kéo dài, phức tạp, ổn định tình hình.
Nhìn lại năm 2019, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, của Ban Nội chính Tỉnh ủy, các cơ quan khối nội chính của tỉnh, công tác nội chính, PCTN và CCTP trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra “điểm nóng” phức tạp, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; nhiệm vụ CCTP được thực hiện hiệu quả. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng tăng cao so với cùng kỳ. Trong năm qua, Công an Thanh Hóa đã điều tra, xử lý 25 vụ án/87 bị can phạm tội tham nhũng (trong đó có 19 vụ/48 bị can là khởi tố mới). Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã thụ lý 8 vụ/32 bị can, đã truy tố 4 vụ/9 bị can, trả hồ sơ điều tra bổ sung 4 vụ/23 bị can. Tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý 6 vụ/13 bị cáo, đã xét xử 5 vụ/11 bị cáo, trả hồ sơ điều tra bổ sung 1 vụ/2 bị cáo.
Năm 2020 là năm đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch nhiệm kỳ 2015 – 2020. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có vai trò quan trọng trong việc giữ vững ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Dự báo tình hình thế giới, khu vực vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp khó lường, các thế lực thù địch, phản động tăng cường các hoạt động chống phá nước ta, tình hình tham nhũng, tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Do đó công tác nội chính, PCTN và CCTP cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đối với công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo mật thông tin; quản lý chặt chẽ thông tin của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Hai là, tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người.
Ba là, các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang chủ động nắm chắc tình hình, xây dựng các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; định hướng dư luận, đấu tranh với những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh, không để bị động, bất ngờ; ngăn chặn tình trạng di cư tự do, công dân xuất cảnh trái phép đi lao động ở nước ngoài, các hoạt động tôn giáo trái phép. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm; nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tập trung thi hành án dân sự đối với những việc và tiền có điều kiện thi hành. Tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ, cháy rừng.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 169-KH/TU ngày 17-9-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19–CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 27–CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các đối tượng lợi dụng việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo nhiều người, xuyên tạc, vu khống, gây mất an ninh trật tự, xâm hại đến quyền và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận quan tâm, có nhiều đơn, thư; phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức và các cơ quan tổ chức, đơn vị để phát hiện, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, lãng phí.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động tư pháp và thực hiện nhiệm vụ CCTP. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp; khắc phục hạn chế công tác giám định tư pháp, bảo đảm chính xác, khách quan.
Võ Duy Sang
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy