Phát huy truyền thống quân đội anh hùng qua 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành

1. Cách đây 75 năm, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách.

Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, 17h00 ngày 25-12-1944, Đội đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập đồn Phai Khắt (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và 7h00 ngày 26-12-1944 lại đột nhập tấn công đồn Nà Ngần (nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), lập hai chiến công mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta.

Tháng 4-1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước (Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác…) thành Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 15-5-1945, sau buổi lễ thống nhất tại Định Biên Thượng, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang cùng các tầng lớp nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và đã giành thắng lợi.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình, long trọng tuyên bố với thế giới, với quốc dân đồng bào Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á đã ra đời. Đồng thời Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc quân. Năm 1946, Vệ quốc quân đổi tên thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22-12-1944, Ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đứng trước nhiều khó khăn thử thách khi cùng một lúc vừa xây dựng đất nước vừa phải đối phó với lực lượng Tưởng, Anh, Pháp và các thế lực phản động... Trong bối cảnh đó, Vệ quốc quân vừa xây dựng, vừa cùng với lực lượng tự vệ chống giặc ngoài, thù trong... Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, Vệ quốc quân đã anh dũng chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội, làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tiếp đó, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, giành được nhiều chiến thắng, tiến tới cùng toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

2. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, tham gia xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ gìn, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam, từng bước đánh bại các chiến lược của đế quốc Mỹ và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, mà Trung ương Đảng xác định là “trụ cột bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”, quân đội ta nhanh chóng xây dựng theo kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ nhất (1955-1960) với phương châm: Tích cực xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại.

Tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) mở rộng đã xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng miền Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15-2-1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, bộ phận trực tiếp của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam. Chúng ta lần lượt đánh bại: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, chiến tranh phá hoại miền Bắc, đặc biệt là cuộc tập kích bằng không quân, hải quân lần thứ hai vào miền Bắc của đế quốc Mỹ (1969-1972).

Thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Nam - Bắc, đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, ngày 27-1-1973. Sau khi Hiệp định được ký kết, đế quốc Mỹ vẫn để lại nhiều sĩ quan mặc áo dân sự và giao lại cho quân đội Sài Gòn toàn bộ cơ sở vật chất, vũ khí, phương tiện chiến tranh. Dựa vào viện trợ của Mỹ, ngụy quân, ngụy quyền liên tiếp mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng. Nắm chắc âm mưu của địch, Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974 và đầu năm 1975 đã kịp thời đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

3. Trong giai đoạn đất nước hòa bình, thống nhất, nhiệm vụ của quân đội được Trung ương Đảng nêu rõ: “Ra sức bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội…, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo của nước Việt Nam thống nhất. Tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong 5 năm (1976-1981). Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; làm tròn nghĩa vụ quốc tế, cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, hồi sinh, tái thiết đất nước Campuchia. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1979, quân đội ta đã triển khai cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu”.

Trong giai đoạn đổi mới, quân đội ta đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Quân đội ta đã nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ra Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Bộ Chính trị khóa XII ban hành “Chiến lược quốc phòng”; tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược, đồng thời không để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng, bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trải qua 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành cùng với những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, quân đội ta đã xây đắp nên những truyền thống cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Hiện nay, trên thế giới và khu vực, bên cạnh xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và phát triển có những diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, bên cạnh thuận lợi, thời cơ thì cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh đó, cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị kiên định, có đạo đức, lối sống tốt, có năng lực trí tuệ và hoạt động thực tiễn, có quan hệ chặt chẽ, máu thịt với nhân dân.

Năm nay toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng là dịp hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 75 năm Ngày thành lập nước và là thời điểm tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là mốc son để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ vang và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tiến sĩ Bùi Thế Đức

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/953207/phat-huy-truyen-thong-quan-doi-anh-hung-qua-75-nam-chien-dau-xay-dung-va-truong-thanh