Phát huy truyền thống, quyết tâm xây dựng quê hương Đất Tổ phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc
Đất phát tích cội nguồn dân tộc Việt Nam, hội tụ khí thiêng sông núi, trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Phú Thọ hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng và di sản văn hóa đặc sắc.
Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra thực địa Dự án Cụm công nghiệp phía Bắc Lâm Thao. (Ảnh chụp ngày 23/4/2021)
(baophutho.vn) - Đất phát tích cội nguồn dân tộc Việt Nam, hội tụ khí thiêng sông núi, trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Phú Thọ hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng và di sản văn hóa đặc sắc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông, cùng với quân và dân cả nước lập nên nhiều kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH và thực hiện công cuộc đổi mới; tô đậm thêm trang sử vàng của quê hương Đất Tổ anh hùng…
Theo các nghiên cứu lịch sử, thời Hùng Vương, Phú Thọ nằm trong bộ Văn Lang. Thời Thục An Dương Vương, Phú Thọ nằm trong huyện Mê Linh. Dưới thời Bắc thuộc (từ năm 111 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ X), Phú Thọ nằm trong địa bàn các quận Mê Linh, Tân Xương, Phong Châu. Thời kỳ phong kiến độc lập, Phú Thọ thuộc lộ Tam Giang. Triều Nguyễn, Phú Thọ nằm trong hai tỉnh Hưng Hóa và Sơn Tây. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), nhà vua đã tiến hành cải cách hành chính, đổi tất cả các trấn trong cả nước, điều chuyển một số huyện từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, chia tách một số huyện lớn... Ở phạm vi hai tỉnh Hưng Hóa và Sơn Tây, năm 1831 chuyển huyện Tam Nông thuộc tỉnh Sơn Tây về tỉnh Hưng Hóa; tách huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng của tỉnh Hưng Hóa thành hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy (năm 1833). Thời thuộc Pháp, tháng 9/1891 chính quyền Thực dân Pháp thành lập tỉnh Hưng Hóa mới - tiền thân của tỉnh Phú Thọ, gồm năm huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Sơn Vi, Thanh Ba và Phù Ninh. Tháng 5/1903, lỵ sở của tỉnh Hưng Hóa chuyển từ làng Trúc Phê - huyện Tam Nông về làng Phú Thọ, tổng Phú Thọ. Đến giữa năm 1906, tỉnh Hưng Hóa được đổi tên thành tỉnh Phú Thọ với 10 huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Hạc Trì, Hùng Quan, Ngọc Quan và hai châu là Thanh Sơn, Yên Lập.
Đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế Dự án Hồ chứa nước Ngòi Giành tại xã Trung Sơn, huyện Yên Lập. (Ảnh chụp ngày 14/4/2021)
Tháng 6/1968, tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc được hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú. Tại Kỳ họp thứ Mười Quốc hội khóa IX (tháng 11/1996) đã thông qua nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, tỉnh Phú Thọ chính thức được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997. Đến nay, tỉnh Phú Phọ có diện tích tự nhiên 3.534,6km2, gồm 13 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 1 thành phố, 1 thị xã và 11 huyện) với 225 đơn vị hành chính cấp xã; dân số trên 1,48 triệu người, gồm 34 dân tộc anh em. Đảng bộ tỉnh Phú Thọ có 18 đảng bộ trực thuộc với 693 chi, đảng bộ cơ sở và trên 106 nghìn đảng viên.
Trải qua chặng đường 130 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo nên sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Công Thủy và đoàn công tác tìm hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động tại Nhà máy chế biến gỗ thuộc Công ty CP Tasa tại CCN Tân Phú, huyện Tân Sơn. (Ảnh chụp ngày 6/4/2021)
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng đô thị thấp kém; công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn, đến nay, kinh tế của Phú Thọ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước (tính riêng bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 7,58%, trong sáu tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu tác động rất nặng nề của đại dịch COVID-19 vẫn tăng 6,22%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; tỉ trọng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,01%; khu vực dịch vụ chiếm 41,65%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện; đã thực hiện tốt việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành, chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; cơ cấu nội bộ ngành từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu đề ra trước 3 năm; đến nay, toàn tỉnh đã có 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 đơn vị cấp huyện là: Huyện Lâm Thao và huyện Thanh Thủy đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh bình quân đạt 15,7 tiêu chí/xã.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, chiếm tỉ trọng 26% GRDP; tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; lập quy hoạch các khu công nghiệp Hạ Hòa, Tam Nông; nâng tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà, Cẩm Khê).Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia; giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 4,2 tỉ USD, tăng 2 lần so với năm 2019; hạ tầng thương mại, chất lượng dịch vụ từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Các ngành dịch vụ như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, lao động - việc làm phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tổ chức, cá nhân. Đã tích cực chỉ đạo, đầu tư xây dựng Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng trở thành Khu Du lịch Quốc gia gắn với phát huy giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Khu Du lịch suối nước nóng Thanh Thủy và Khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ - Hạ Hòa trở thành khu, điểm du lịch địa phương; thành phố Việt Trì từng bước trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, là thành phố “đáng sống”,...
Đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt đạt kết quả quan trọng; đã tập trung huy động tốt các nguồn lực, nhất là nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển; hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, hoàn thành nhiều công trình quan trọng, với hơn 1.100km đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã; hoàn thiện toàn bộ giao thông kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (05 nút giao IC7 đến IC11); cầu Văn Lang, cầu Mỹ Lung...; chuẩn bị các điều kiện để xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cầu Vĩnh Phú, đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B, quốc lộ 32C đi tỉnh Yên Bái,…
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, quy mô, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường và sắp xếp tinh gọn, từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 89,7%. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học có nhiều tiến bộ; tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục đại trà, chú trọng giáo dục mũi nhọn, số lượng, chất lượng học sinh giỏi quốc gia, hàng năm đều đứng trong tốp 10 cả nước. Công tác xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đạt kết quả tích cực.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Hệ thống y tế từ tỉnh đến xã không ngừng được củng cố và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác xã hội hóa về y tế được đẩy mạnh, tỉ lệ giường bệnh xã hội hóa chiếm 51,6%. Bệnh viện Sản Nhi được đầu tư theo hình thức xã hội hóa đã đi vào hoạt động ổn định với quy mô 560 giường bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên cả về chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ và chăm sóc người bệnh. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến hết năm 2020 đạt 93%; 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế năm 2020. Các chương trình y tế quốc gia được thực hiện có hiệu quả. Công tác y tế dự phòng được quan tâm chỉ đạo, hoạt động giám sát các bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch nguy hiểm được chủ động thực hiện thường xuyên, đặc biệt tích cực cùng cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19.Hoạt động văn hóa, thông tin - truyền thông, thể thao có nhiều khởi sắc. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc; xây dựng và bảo vệ thành công hai di sản văn hóa phi vật thể “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận và vinh danh; đảm bảo 100% khu dân cư có nhà văn hóa. Hoạt động thông tin, báo chí, văn học nghệ thuật, phát thanh, truyền hình có nhiều tiến bộ; phủ sóng 100% diện tích và dân số. Chú trọng đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao theo hướng xã hội hóa, nhiều công trình văn hóa, thể thao hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Công tác giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo đạt kết quả tích cực. Các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai có hiệu quả; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm. Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được triển khai có hiệu quả, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xuất khẩu lao động 2,8 nghìn người/năm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương quân đội. Công tác dân tộc được chú trọng; các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực. Chủ động nắm chắc, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt, lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản; kiềm chế và làm giảm số vụ, số người chết do tai nạn giao thông. Tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu có nhiều đổi mới, tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề nổi cộm, phức tạp; hàng năm duy trì và thực hiện tốt công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đạt nhiều kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn. Công tác cán bộ được coi trọng, nhiều chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ được cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, bảo đảm dân chủ, chặt chẽ. Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tiếp tục được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh trong tình hình mới.
Với những thành tựu xuất sắc đạt được trong những năm qua, nhân dân và cán bộ tỉnh Phú Thọ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, được phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; nhiều tập thể, cá nhân được phong danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”,”Anh hùng Lao động”; hàng vạn đồng bào, chiến sĩ trong tỉnh được tặng thưởng huân, huy chương và các phần thưởng cao quý khác. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phấn đấu giành kết quả to lớn hơn trong giai đoạn mới.Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương Đất Tổ và thực tiễn phát triển trong 130 năm xây dựng và trưởng thành, quyết tâm đưa Phú Thọ vươn lên phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực và uy tín, dám nghĩ, dám làm, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy truyền thống đoàn kết, tính năng động và ý chí tự cường, khát vọng phát triển của nhân dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết vùng; tập trung thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh; chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa- xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.Phát huy những thành tựu và kinh nghiệm tích lũy được, với quyết tâm và ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục viết nên những trang sử mới làm rạng rỡ truyền thống Đất Tổ Anh hùng; phấn đấu xây dựng quê hương Phú Thọ ngày càng phồn thịnh.
Bùi Minh Châu
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh