Phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết của tập thể TKV

Còn nhớ giai đoạn trước năm 1993 - 1994, tình hình khai thác than vô cùng lộn xộn ở Quảng Ninh.

Ông Trần Xuân Hòa - Chủ tịch HĐTV TKV (2011 - 2014)

Ông Trần Xuân Hòa - Chủ tịch HĐTV TKV (2011 - 2014)

Đứng trước tình hình đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có một ngày đi trực thăng để khảo sát toàn bộ tình hình than ở Quảng Ninh và đi đến quyết định là phải tập trung lại. Chính từ ý tưởng chỉ đạo của Thủ tướng đã dẫn đến việc chúng ta được giao nhiệm vụ tập trung đầu mối khai thác than về Tổng công ty (TCT) Than Việt Nam và Chính phủ chỉ đạo thành lập thí điểm những tập đoàn của Nhà nước, trong đó có 3 tập đoàn năng lượng. Thời đó, tôi đang ở Vụ Tổ chức của Bộ cũng được trực tiếp tham gia vào những vấn đề trao đổi cơ chế, thể chế và tôi được biết chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Võ Văn Kiệt như thế nào đối với việc hình thành và việc ra các quy chế hoạt động, các thể chế cho các TCT Nhà nước đầu tiên. Bộ óc thiên tài và tấm lòng vì nước vì dân của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có ý tưởng rất táo bạo và đến bây giờ đã chứng minh sự đúng đắn của Thủ tướng, từ đường dây 500kV cho đến việc thành lập các TCT Nhà nước.

Sau khi Chính phủ quyết định thành lập và thống nhất giao việc khai thác, quản lý than trong cả nước về TCT, ngành Than như được tiếp thêm động lực. Sản lượng khai thác tăng vọt theo từng năm, đời sống của công nhân mỏ được cải thiện rõ rệt.

Nếu tôi nhớ không nhầm, chúng ta đã đẩy xuất khẩu lên lớn nhất là 24 triệu tấn. Có lẽ giai đoạn này nhu cầu than của thế giới tăng vọt và việc tiêu thụ than, đặc biệt xuất khẩu than chúng ta tiến hành đấu giá là thắng lợi rất lớn.

Do nắm bắt được nhu cầu nên thời điểm đó chúng ta đấu giá bán than, giá than tăng vọt. Đấy là điều kiện giúp cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có vốn tập trung để đầu tư phát triển.

Ông Trần Xuân Hòa tiếp đón lãnh đạo Nhà nước

Ông Trần Xuân Hòa tiếp đón lãnh đạo Nhà nước

Tôi hơi tiếc sau giai đoạn đó, tất nhiên bên cạnh những cái được của các tập đoàn thì cũng tại các tập đoàn kinh tế Nhà nước đã nảy sinh ra nhiều yếu kém trong công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp và thế là đã có không ít ý kiến cho rằng, tập đoàn kinh tế Nhà nước như là “ăn tàn phá hại”, làm cho nền kinh tế bị tổn thất thiệt hại… Thế là hoạt động của tất cả các tập đoàn đã bị “bóp lại” và vì vậy lĩnh vực hoạt động cũng bị “trói chân trói tay”. Đó chính là điểm mà tôi nghĩ rằng giai đoạn sau đó chùng xuống. Nếu như trước đây, ta thấy hằng năm, đặc biệt đối với 3 tập đoàn là TKV, PVN, EVN năm nào cũng có những dự án động thổ - khởi công - khánh thành - hoàn thành đưa vào hoạt động thì gần 10 năm nay chúng ta không còn thấy nhiều những dự án “khủng”. Và hiện nay Nhà nước cũng đang tìm nguyên nhân để làm sao đẩy mạnh đầu tư các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước.

Về hai dự án khai bauxite nhôm ở Tây Nguyên. Nói về 2 dự án này thì tôi lại càng tự hào vì đội ngũ của những người thợ mỏ, đặc biệt là người thợ mỏ Quảng Ninh nói riêng và các anh em thợ mỏ trong TKV nói chung. Ban đầu chúng ta gần như điều động toàn bộ bộ máy của cán bộ chỉ đạo từ các vùng Quảng Ninh và các đơn vị của TCT Khoáng sản. Đó là một dự án ghi dấu ấn mà anh Kiển thời đó là Chủ tịch và tôi là Tổng Giám đốc. Chúng tôi đã được dự họp cả một ngày với tập thể Bộ Chính trị để giải trình về các dự án ở Tây Nguyên. Thời đó Tổng Bí thư là đồng chí Nông Đức Mạnh. Hôm đó vắng duy nhất chỉ có đồng chí Hồ Đức Việt đi công tác, còn tất cả các thành viên của Bộ Chính trị đều dự họp và đều có ý kiến. Ban đầu chỉ dự kiến trong một buổi nhưng sau đó vì những vấn đề cần làm rõ cho nên Tổng Bí thư lúc đó đề nghị tiến hành họp cả ngày. Và anh Kiển với tôi đã giải trình những câu hỏi mà các đồng chí trong Bộ Chính trị đưa ra.

Sau đó chúng ta có thông báo về phát triển Tây Nguyên và giao cho TKV 2 dự án làm thí điểm. Rất hiếm có dự án nào mà được bảo vệ một cách kỹ lưỡng như vậy. Hơn nữa, có lẽ không có dự án đầu tư nào của chúng ta trong suốt quá trình thực hiện đã được 10 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị đến thăm và có ý kiến chỉ đạo. Bởi hồi đó ý kiến nhiều lắm. Nhưng cũng rất tự hào anh em chúng ta, nhất là CBCNV đã vững tin ở đường lối, chủ trương của Đảng cũng như sự chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, các bộ, ban, ngành - những người đã thấy tiềm năng rõ ràng một ngành công nghiệp mới. Và đến hôm nay tôi có thể khẳng định là, chúng ta - những người thợ mỏ, những người con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là những người đầu tiên đã giúp mở mang một ngành công nghiệp mới. Chắc vào cuối năm 2025 chúng ta sẽ có những tấn nhôm đầu tiên. Như vậy ngành khai thác nhôm của chúng ta đã hoàn chỉnh từ khai thác bauxite, chế biến alumin ra nhôm, tiếp sau sẽ là các thành phần từ nhôm. Và công nghiệp nhôm của chúng ta sẽ phát triển, tạo cho Tây Nguyên một bộ mặt hoàn toàn khác. Vừa qua Đắk Nông kỷ niệm 20 năm ngày tách tỉnh thì chúng ta thấy đã có bộ mặt khác hẳn. Những ngày đầu chúng tôi vào đấy làm gì có khách sạn, nhà hàng như bây giờ, phải đi ở nhờ và đến bây giờ thành phố Gia Nghĩa - Đắk Nông như thế nào thì chúng ta đều rõ. Tôi tin rằng với quy hoạch phát triển ngành khai thác chế biến bauxite alumin và nhôm Chính phủ đã phê duyệt thì chỉ trong vòng 10 năm nữa bộ mặt Tây Nguyên sẽ khác hẳn. Và với định hướng của Tập đoàn là sẽ khai thác, chế biến từ 6-8 triệu tấn alumin cũng như được nửa triệu - 1 triệu tấn nhôm sẽ cho doanh thu bằng ngành Than bây giờ, tạo thế cho TKV.

Chúng ta vẫn giữ vững là tập đoàn mũi nhọn trong ngành khai khoáng cho dù tới đây không chỉ chúng ta mà rất nhiều các đơn vị khác, đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân sẽ cùng với chúng ta phát triển Tây Nguyên. Nhưng chúng ta - những người thợ mỏ của TKV là những người đầu tiên mở con đường khai thác tại Tây Nguyên và giúp cho bộ mặt Tây Nguyên phát triển, một vùng đất đẹp hùng vỹ nhưng đồng thời có nền công nghiệp tập trung, góp phần tạo sức mạnh tổng thể cho kinh tế nước nhà.

Một vấn đề đặc biệt với ngành Than - Khoáng sản Việt Nam là chúng ta chăm sóc đội ngũ người lao động. Từ những năm 70, ai đã biết tới ngành Than thì thấy so với bây giờ khác một trời một vực. Ngày xưa, vào giờ tan tầm, trên đường chúng ta chỉ nhìn thấy những người thợ mỏ mặt đen nhẻm, chỉ còn mỗi ánh sáng đôi mắt. Đến bây giờ chúng ta lo cho người thợ mỏ từ
cái ăn, giấc ngủ, từ bữa ăn giữa ca, đến quần áo giặt. Ta có thể tự hào nói rằng, nếu so sánh thợ mỏ Việt Nam với thợ mỏ thế giới, tôi tin chắc rằng Việt Nam chẳng thua bất kỳ nước nào được xếp vào loại cao. Vì chúng tôi có điều kiện đi nhiều nước, sống thực tế với nhiều thợ mỏ. Chúng tôi biết rằng, chúng ta đã quan tâm rất tốt đời sống cho những người thợ mỏ. Và điều này với những người lãnh đạo Tập đoàn cần tiếp tục phát huy. Đã là khai khoáng không thể nào nói là chúng ta không tác động tới môi trường, cái này đương nhiên. Nhưng không thể nào vì vấn đề đó mà chúng ta dừng lại, không phát triển khai thác, vì ngành mỏ, nói như một giáo sư, bác học người Đức là ngành mỏ chẳng là gì, nhưng không có ngành mỏ thì chẳng có cái gì.

Ông Trần Xuân Hòa kiểm tra sản xuất và làm việc với Tổng công ty Khoáng sản, năm 2010

Ông Trần Xuân Hòa kiểm tra sản xuất và làm việc với Tổng công ty Khoáng sản, năm 2010

Cho nên chắc chắn rằng, chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển ngành mỏ. Nhưng để bảo vệ môi trường là vấn đề rất bức bách, cấp thiết. Chúng ta thấy rõ rồi, nhiệt độ ngày một nóng lên, bão lụt, thiên tai xảy ra thường xuyên, đó là vấn đề môi trường và chúng ta phải cùng với Đảng, Chính phủ, nhân dân cả nước giải quyết tốt vấn đề này. Hiện nay nhiều công nghệ hoàn toàn cho phép chúng ta giải quyết, hạn chế tối thiểu tác động đến môi trường do khai thác khoáng sản mang lại. Tôi tin chắc rằng, ngay cả những bãi thải hiện nay nếu có công nghệ với thể chế phù hợp có thể hoàn toàn khắc phục trong thời gian ngắn.

Khẩu hiệu “Đoàn kết, Kỷ luật và Đồng tâm” đã tạo nên sức mạnh của TKV ngày hôm nay. Nhìn lại thời gian vừa qua mới thấy rằng, sức mạnh của sự đoàn kết, kỷ luật và đồng tâm đã giúp TKV vượt qua khó khăn và đứng vững cho đến ngày hôm nay như thế nào. Tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta với cảnh quan kinh tế của đất nước, với tình hình các doanh nghiệp hiện nay, cho dù khó khăn nhưng chúng ta vẫn vững vàng. Chúng ta có đoàn kết, như Bác Hồ nói, đoàn kết là sức mạnh. Chúng ta đoàn kết, chúng ta kỷ luật và chúng ta đồng tâm thì tôi nghĩ mục tiêu mà các thế hệ lãnh đạo TKV cũng như CBCNV TKV đề ra và quyết tâm phấn đấu sẽ thực hiện được.

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/phat-huy-truyen-thong-suc-manh-dai-doan-ket-cua-tap-the-tkv-718748.html