Phát huy truyền thống vẻ vang, đổi mới công tác chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh

Cách đây 135 năm, ngày 1-5-1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hàng chục nghìn công nhân đã bãi công, tổ chức mít-tinh và biểu tình với khẩu hiệu: 'Từ nay trở đi không người công nhân nào phải làm việc quá tám giờ một ngày'.

Lãnh đạo Tổng LÐLÐ Việt Nam động viên công nhân Công ty Samsung Việt Nam.

Lãnh đạo Tổng LÐLÐ Việt Nam động viên công nhân Công ty Samsung Việt Nam.

Cách đây 135 năm, ngày 1-5-1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hàng chục nghìn công nhân đã bãi công, tổ chức mít-tinh và biểu tình với khẩu hiệu: "Từ nay trở đi không người công nhân nào phải làm việc quá tám giờ một ngày".

Phong trào đấu tranh của công nhân đã giành được thắng lợi quan trọng khi chính quyền tư sản buộc phải ban hành quy định ngày làm việc tám giờ. Khẩu hiệu "Ngày làm việc tám giờ" trở thành tiếng nói chung, tạo thành phong trào đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới. Ba năm sau, năm 1889, Ðại hội thành lập Quốc tế thứ II đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động (CNLÐ) trên toàn thế giới - Ngày Quốc tế lao động. Tại Việt Nam, phong trào đấu tranh của công nhân gắn liền với quá trình vận động thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam với những hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Ðảng đã xác định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông.

Ngày 1-5-1930, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, giai cấp công nhân cùng nông dân tổ chức mít-tinh biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với CNLÐ thế giới. Phong trào đấu tranh đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh, cuộc tập dượt đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 29-4-1946, chỉ hơn nửa năm sau khi nước nhà giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 56 quy định quyền được nghỉ làm việc có hưởng lương vào Ngày Quốc tế lao động - thể hiện tính dân chủ, nhân văn, sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, Nhà nước đến quyền lợi thiết thân của người lao động (NLÐ).

Ngày 1-5-1946, lần đầu tiên Ngày Quốc tế lao động được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 200.000 nhân dân lao động. Tại buổi lễ lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi "Cùng toàn quốc đồng bào! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày tết chung cho lao động cả các nước trên thế giới. Ðó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Ðối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Ðoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Ðoàn kết để kiến thiết nước nhà. Ðoàn kết để xây dựng một đời sống mới". Từ đây, tháng 5 không chỉ là mốc son trong lịch sử phong trào vô sản thế giới mà còn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của giai cấp công nhân Việt Nam.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta luôn kiên định lập trường giai cấp công nhân; khẳng định địa vị lãnh đạo của giai cấp công nhân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tư tưởng, quan điểm của Ðảng được thể hiện xuyên suốt trong văn kiện các kỳ đại hội, các chỉ thị, nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Trong công cuộc đổi mới, Ðảng ta xác định sứ mệnh lịch sử to lớn của giai cấp công nhân: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Với vai trò là tổ chức quần chúng rộng lớn của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, từ ý tưởng cần tạo ra những cao trào trong hoạt động công đoàn, qua đó nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội trong xây dựng giai cấp công nhân, từ năm 2009 đến 2011, Tổng LÐLÐ Việt Nam đã chỉ đạo lấy tháng 5 là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, mang lại lợi ích cả về vật chất và tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLÐ). Sau ba năm triển khai thí điểm, đến năm 2012, Tổng LÐLÐ Việt Nam đề xuất với Ban Bí thư T.Ư Ðảng lấy tháng 5 hằng năm là "Tháng Công nhân". Ngày 24-2-2012, Ban Bí thư T.Ư Ðảng ban hành Thông báo số 77-TB/TW, nêu rõ: Ðồng ý chủ trương lấy tháng 5 hằng năm là "Tháng Công nhân" và cơ bản nhất trí nội dung đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam tổ chức hoạt động trong "Tháng Công nhân", với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLÐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quán triệt tinh thần Thông báo số 77 của Ban Bí thư, với phương châm "hướng về cơ sở, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện sống, làm việc của CNVCLÐ. Trong đó, tập trung cho hoạt động tuyên truyền đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giải quyết những khó khăn, bức xúc của NLÐ, thực hiện tốt việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLÐ", Tháng Công nhân hằng năm do Tổng LÐLÐ Việt Nam tổ chức đã thật sự trở thành ngày hội chăm lo cho NLÐ, thu hút sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền. Hoạt động Tháng Công nhân qua chín năm tổ chức đã dần đi vào chiều sâu, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLÐ, nhất là những lao động yếu thế, gặp nhiều khó khăn, công nhân tại các khu công nghiệp gắn với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật NLÐ. Từ phương châm "mỗi công đoàn cơ sở - một lợi ích đoàn viên", các cấp công đoàn đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, NLÐ như các chương trình "Mái ấm Công đoàn", "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình", "Phúc lợi đoàn viên",… Ðồng thời, luôn có sự đổi mới để phù hợp sự phát triển của phong trào CNVCLÐ và hoạt động công đoàn, cũng như tình hình thực tế tại từng địa phương, ngành với các chủ đề "sát sườn" với NLÐ. Tiêu biểu là năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, việc làm, đời sống của NLÐ, Tổng LÐLÐ Việt Nam kịp thời điều chỉnh chủ đề của Tháng Công nhân phù hợp thực tế, bổ sung chủ đề "Duy trì việc làm - An toàn lao động - Ổn định thu nhập" bên cạnh chủ đề "Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt", tạo điều kiện thuận lợi để các cấp công đoàn phối hợp người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động bảo đảm việc làm, thu nhập, an toàn tại nơi làm việc cho NLÐ trong bối cảnh dịch bệnh; kịp thời hỗ trợ NLÐ bị ảnh hưởng từ nguồn tài chính công đoàn; thực hiện tốt vai trò giám sát việc thực hiện chính sách để bảo đảm quyền lợi cho NLÐ bị cắt giảm lao động cũng như được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Có thể nói, Tháng Công nhân đã được đoàn viên, NLÐ đón nhận, được các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp ủng hộ và cộng đồng xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Số CNLÐ được chăm lo ngày càng nhiều hơn, tăng dần qua từng năm. Ước tính, đến nay đã có hàng chục triệu lượt CNLÐ được thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe, hỗ trợ "Mái ấm Công đoàn",… trong dịp Tháng Công nhân với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng. Những chăm lo thiết thực của tổ chức công đoàn và sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp đã động viên CNVCLÐ cả nước thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch tháng, quý, năm của đơn vị, doanh nghiệp. Chỉ tính riêng 5 năm qua, đã có hơn một triệu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích trong sản xuất với tổng giá trị làm lợi lên tới hơn 198 nghìn tỷ đồng. Tháng Công nhân thật sự là điểm nhấn, tạo những hiệu ứng xã hội tốt đẹp về sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với công đoàn và CNVCLÐ.

Ðặc biệt, từ năm 2016, vào dịp Tháng Công nhân hằng năm, Tổng LÐLÐ Việt Nam tham mưu đề xuất tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với CNLÐ. Ðến nay, người đứng đầu Chính phủ đã năm lần trực tiếp gặp gỡ lắng nghe, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, bất cập trong chính sách để chăm lo tốt hơn cho CNVCLÐ - nguồn lực quan trọng của đất nước. Qua chương trình, công đoàn đã góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của NLÐ về một Chính phủ kiến tạo, gần dân, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ để CNLÐ phấn khởi, hăng say lao động sản xuất. Hoạt động nêu gương đó đã thúc đẩy nhiều cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động phối hợp các cấp công đoàn đối thoại, lắng nghe, giải quyết các tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của NLÐ.

Năm 2021 là năm thứ 10 tổ chức Tháng Công nhân, kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế lao động (1-5) và 75 năm Ngày Quốc tế lao động lần đầu tiên được tổ chức trọng thể ở nước ta sau khi đất nước giành độc lập, Ðoàn Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức Tháng Công nhân với các hoạt động thiết thực, hiệu quả bám sát chủ đề "Ðoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển", trong đó tập trung vào các Chương trình: "75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển" - tuyên dương đoàn viên, CNVCLÐ; "Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ"; các hoạt động "Cảm ơn NLÐ".

Nguyễn Ðình Khang

Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/phat-huy-truyen-thong-ve-vang-doi-moi-cong-tac-cham-lo-xay-dung-giai-cap-cong-nhan-vung-manh-644019/