Phát huy truyền thống, xây dựng hội vững mạnh

Không chỉ là những người mở đường máu, tham gia tiếp lương thực, tải đạn,... phục vụ trong hai cuộc kháng chiến ác liệt chống Pháp và chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc mà lực lượng cựu thanh niên xung phong...

Cán bộ Hội cựu TNXP tỉnh cùng đồng đội ôn lại truyền thống vẻ vang của lực lượng.

Cán bộ Hội cựu TNXP tỉnh cùng đồng đội ôn lại truyền thống vẻ vang của lực lượng.

(baophutho.vn)

- Không chỉ là những người mở đường máu, tham gia tiếp lương thực, tải đạn,... phục vụ trong hai cuộc kháng chiến ác liệt chống Pháp và chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc mà lực lượng cựu thanh niên xung phong (TNXP) trong thời bình vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp, hăng hái hoàn thành nhiệm vụ, tích cực giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Truyền thống vẻ vang

Tháng 6/1950, trong lúc cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của dân tộc ta đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tổng phản công, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới. Để bảo đảm công tác hậu cần cho chiến dịch quan trọng này, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội TNXP công tác Trung ương đã được thành lập ngày 15/7/1950 với 225 đội viên đầu tiên tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (tiền thân của lực lượng TNXP Việt Nam).
Ông Đinh Văn Sáu - Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh cho biết: Ngay từ những ngày đầu thành lập, các thế hệ thanh niên Đất Tổ đã nô nức tình nguyện gia nhập các đơn vị TNXP. Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, có gần 3.000 người tham gia các đội TNXP xây dựng, bảo vệ an toàn khu Việt Bắc, phục vụ Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Hòa Bình, Chiến dịch Tây Bắc. Thời kỳ khôi phục, phát triển kinh tế miền Bắc có trên 2.000 thanh niên tham gia các đơn vị TNXP khôi phục đường sắt Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Lạng Sơn; xây dựng Nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Nhà máy chè Phú Thọ; Khu kinh tế thanh niên Minh Đài. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn tỉnh có gần 5.000 cán bộ, đội viên tham gia các đơn vị TNXP do Trung ương huy động. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phú cũ (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc) có Đội TNXP 253 thành lập đầu năm 1972, được giao làm nhiệm vụ quốc tế mở đường chiến lược, chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Lào, đã lập thành tích xuất sắc, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào.Hoàn thành nhiệm vụ TNXP, hàng vạn cán bộ, đội viên TNXP đã tình nguyện chuyển sang các đơn vị quân đội trực tiếp tham gia chiến đấu trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, phục vụ trên mặt trận giao thông vận tải. Nhiều TNXP chuyển về công tác, làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, số còn lại trở về địa phương. Những năm đầu sau chiến tranh, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng phát huy truyền thống TNXP “Không có việc gì khó”, các TNXP vẫn nỗ lực vượt qua, phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng TNXP.

Cựu TNXP Tạ Văn Hưng ở khu 5, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì hạnh phúc bên gia đình trong ngôi nhà mới khang trang và chia sẻ kỷ niệm tham gia lực lượng TNXP.

Cựu TNXP Tạ Văn Hưng ở khu 5, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì hạnh phúc bên gia đình trong ngôi nhà mới khang trang và chia sẻ kỷ niệm tham gia lực lượng TNXP.

Nêu cao vai trò TNXP trong thời bình

Năm 2006, Hội cựu TNXP Phú Thọ được thành lập và từng bước kiện toàn 13 hội cấp huyện, thành, thị, 133 hội cơ sở, 79 chi hội cơ sở, thu hút 8 ngàn cựu TNXP tham gia, đạt 94% tổng số cựu TNXP sinh sống trên địa bàn.
Nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp Hội đã đẩy mạnh các hoạt động “Nghĩa tình đồng đội” với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Đặc biệt, Hội đã duy trì Quỹ xóa đói, giảm nghèo tại 216 tổ chức cơ sở hội với trên 6 tỉ đồng; tổng lượng huy động trong nhiệm kỳ qua gần 8 tỉ đồng; xây dựng, sửa chữa 41 nhà tình nghĩa tặng cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 2 tỉ đồng. Vào các dịp lễ, tết hàng năm, Hội đã tặng 11 sổ tiết kiệm, trên 3.000 suất quà cho cựu TNXP khó khăn, cô đơn, bệnh tật kéo dài, trị giá 3,2 tỉ đồng. Ông Tạ Văn Hưng ở khu 5, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì - một trong số cựu TNXP được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa chia sẻ: Là cựu TNXP của Đội N209, thuộc Tổng cục Đường sắt Việt Nam, tham gia sửa chữa 5 tuyến đường sắt miền Bắc... đến khi trở về quê hương hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, đông con, bệnh tật, hai vợ chồng vẫn sống trong căn nhà cũ xuống cấp nghiêm trọng... Năm 2020, được sự giúp đỡ của Hội Cựu TNXP thành phố hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình tôi đã xây được ngôi nhà mới. Thực hiện phương châm “đoàn kết, đổi mới và phát triển”, các cấp Hội Cựu TNXP đã tổ chức nhiều hoạt động tạo sự gắn kết giữa các hội viên, tiêu biểu như thành lập các Câu lạc bộ “Văn nghệ xung kích cựu TNXP”, “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế để cùng phát triển”. Qua phong trào hoạt động, nhiều cán bộ, hội viên đã nâng cao nhận thức về làm kinh tế, phấn đấu thoát nghèo, vươn lên trở thành những hộ khá, giàu. Nhiều hội viên là chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mở rộng quy mô phát triển, tạo việc làm cho lao động ở địa phương. Hầu hết các cựu TNXP đã tuổi cao, sức yếu nhưng đến nay, toàn tỉnh có trên 400 gia đình cựu TNXP tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế trang trai, gia trại, kinh doanh, dịch vụ... mỗi năm thu lãi từ 100 triệu đồng trở lên. Nổi bật như huyện Đoan Hùng có 39 gia đình cựu TNXP trồng bưởi, trồng và chế biến lâm sản, mỗi năm thu lãi từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng; Hạ Hòa có 31 mô hình trồng và chế biến lâm sản; vườn ao chuồng rừng; kinh doanh, dịch vụ, mỗi năm thu lãi từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng... Hưởng ứng phong trào nuôi lợn tiết kiệm do Trung ương Hội phát động, các Hội Cựu TNXP huyện Thanh Ba, Tam Nông có 100% hội viên tham gia nuôi lợn nhựa tiết kiệm, góp phần giúp đỡ hội viên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Bà Nghiêm Thị Siu - Trưởng ban đồng đội nữ cựu TNXP huyện Tam Nông cho biết: Được các hội viên tham gia tích cực, chúng tôi đã giúp được nhiều hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Năm 2020, ngày hội mổ lợn nhựa tiết kiệm đã đạt gần 200 triệu đồng.Bên cạnh đó, các cấp Hội đã làm tốt vai trò nhân chứng, giúp chính quyền, các cơ quan chức năng giải quyết chế độ chính sách cho các TNXP tham gia kháng chiến. Hội đã hướng dẫn, lập hồ sơ, xác nhận và đề nghị cấp thẩm quyền giải quyết trợ cấp một lần cho 2.257 TNXP tham gia kháng chiến; trợ cấp hàng tháng cho 26 người; cấp thẻ BHYT cho 5.094 người; cấp mai táng phí cho 373 người từ trần... Ông Đinh Văn Sáu-Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: Trải qua 71 năm cống hiến và trưởng thành, lực lượng TNXP Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng đã viết nên những trang sử oanh liệt, hào hùng, góp phần tô thắm truyền thống cách mạng, vẻ vang của dân tộc, lập nên những kỳ tích trong thời đại Hồ Chí Minh. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đánh giá cao vai trò, sự cống hiến xuất sắc của lực lượng TNXP với những phần thưởng, danh hiệu cao quý.

Linh Nguyễn

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202107/phat-huy-truyen-thong-xay-dung-hoi-vung-manh-178305