Phát huy truyền thống xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh
Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Đồng Tháp được thành lập ngày 25/8/1945. Nói đến lực lượng vũ trang tỉnh Đồng Tháp mọi người thường nhắc đến những trận đánh mưu trí, gan dạ, dũng cảm mà điển hình là trận đánh tàu trên sông Sở Thượng, ta đánh chìm tàu D-27, diệt và làm bị thương 170 lính Âu Phi, thu hơn 90 súng các loại.
Hay như trận đánh bại cuộc hành quân cấp trung đoàn chủ lực của Ngụy tại Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung. Ta diệt, làm bị thương và bắt sống 200 tên, Tiểu đoàn 3 bị diệt gọn, Tiểu đoàn 2 bị thiệt hại nặng, ta thu tại chỗ 127 súng, 12 máy thông tin và nhiều quân trang quân dụng khác. Rồi trận quyết chiến và quyết thắng lính thủy đánh bộ Mỹ trên dòng kinh Nguyễn Văn Tiếp, ta bắn cháy và chìm 37 tàu, loại khỏi vòng chiến đấu 1.400 tên, làm phá sản hoàn toàn chiến dịch “Hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ - Ngụy.
Sau khi hòa bình lập lại, tháng 4/1977, bọn Pôn-pốt bất ngờ xâm chiếm biên giới Tây Nam. Gần 2 năm chiến đấu bảo vệ biên giới và 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh cùng nhường cơm, sẻ áo, xoa dịu nỗi đau, sự mất mát mà Nhân dân Campuchia đã trải qua. Tổ chức truy quét tàn quân Pôn-pốt, cứu đói, cứu đau, giúp bạn xây dựng chính quyền, xây dựng thực lực cách mạng, khôi phục và phát triển sản xuất ổn định cuộc sống, được Nhân dân và chính quyền nước bạn tin yêu, quí mến.
Kế thừa truyền thống hào hùng đó, những năm qua, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh chủ động tham mưu cho Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu và Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Trong đó chú trọng bồi dưỡng năng lực, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, địa phương; hoàn thiện cơ chế, quy chế xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ; xác định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ.
Hàng năm, sau khi nhận được mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân khu và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tham mưu Quân khu, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị xây dựng đúng, đủ hệ thống văn bản chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập chặt chẽ và triển khai thực hiện nghiêm túc. Song song đó, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng, Công an và các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiệm vụ này.
Hiện tỉnh Đồng Tháp được trên đầu tư xây dựng hệ thống công trình trường bắn có diện tích trên 33.000m2 tại ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc với mức vốn đầu tư 2,3 tỷ đồng phục vụ cho kiểm tra bắn đạn thật, đánh thuốc nổ... Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trình Quân khu phê duyệt Đề án qui hoạch khu thực binh diễn tập phòng thủ (cấp tỉnh, huyện) Bắc Dầu - Quán Tre (thuộc huyện Thanh Bình) với tổng diện tích trên 30ha với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 100 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí địa phương. Chính những nhân tố thuận lợi trên đã giúp cho công tác huấn luyện, diễn tập của các cơ quan, đơn vị đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, trong Đề án xây dựng khu vực phòng thủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, đến nay cơ bản đã hoàn thành các công trình chiến đấu, công trình quân sự, đường ra biên giới, đường tuần tra biên giới và việc phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới.
Để nâng cao chất lượng huấn luyện, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh đã cụ thể hóa, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết 1659 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 979 của Đảng ủy Quân khu và Nghị quyết 1411 của Đảng ủy Quân sự tỉnh về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo bằng nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị. Trong đó, coi trọng huấn luyện thực hành, đồng bộ, chuyên sâu, làm chủ trang bị kỹ thuật có trong biên chế và huấn luyện đêm nhằm nâng cao chất lượng diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp, diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật, diễn tập khu vực phòng thủ. Nội dung và tổ chức, phương pháp huấn luyện, diễn tập phải sát với điều kiện địa hình đồng bằng sông nước và thực tế chiến đấu; tập trung huấn luyện, rèn luyện nâng cao khả năng cơ động bằng hành quân bộ và các phương tiện qua các loại địa hình phức tạp.
Song song đó, để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các đơn vị chủ động hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn dự báo tình hình để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra chủ trương, đối sách kịp thời xử lý các vấn đề về quốc phòng - an ninh. Đồng thời đề xuất chủ trương, giải pháp và triển khai các biện pháp giải quyết các vấn đề di cư tự do của người gốc Việt tại Campuchia di cư về Việt Nam; tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Đến nay, tỷ lệ dân quân tự vệ toàn tỉnh đạt 1,27% so với dân số với tỷ lệ đảng viên chiếm 23,67%. Lực lượng dự bị động viên sắp xếp vào các đơn vị đạt 99,93% biên chế, trong đó đúng chuyên nghiệp quân sự đạt trên 93,77%. 100% chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn có chi ủy hoạt động nề nếp, hiệu quả. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Đồng Tháp là tỉnh đứng đầu Quân khu về số lượng thí sinh trúng tuyển hàng năm vào các học viện, nhà trường trong Quân đội. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay đã có 364 thí sinh trúng tuyển vào các học viện, nhà trường trong Quân đội.
Cùng với nhiệm vụ xây dựng lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh chủ động phối hợp với các lực lượng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, tuyến đầu để giúp Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Trong 2 năm 2020-2021, Đồng Tháp cũng như cả nước oằn mình chống chọi với đại dịch Covid-19, đã có hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ thuộc LLVT tỉnh tình nguyện tham gia tại các chốt kiểm soát, khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến để giúp chính quyền và Nhân dân sớm đẩy lùi dịch bệnh; giúp dân thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn nông sản vượt qua khó khăn trong đại dịch...
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong LLVT tỉnh xuất hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo như: mô hình “Tết Quân - Dân” đến nay đã triển khai đều khắp 12/12 huyện, thành phố, huy động được trên 810 tỷ đồng; mô hình gia đình cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tham gia xây dựng nông thôn mới đã đóng góp trên 32.000m2 đất và hàng trăm ngàn ngày công lao động tham gia xây dựng nông thôn mới. Hay như mô hình mô hình “Bộ đội về làng”, “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “LLVT tỉnh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Câu lạc bộ ngân hàng máu sống trong lực lượng dân quân”, “Tuyên truyền hướng nghiệp, tạo việc làm cho bộ đội sau khi xuất ngũ”, “Nghĩa tình quân - dân vùng biên”... đã vun đắp thêm mối quan hệ gắn bó giữa quân và dân, tạo sự đồng thuận, chung lòng với cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, củng cố thế trận lòng dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.