Phát huy truyền thống, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương
68 năm - một chặng đường với nhiều tên gọi khác nhau, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra của Ban Tuyên giáo Trung ương qua các thời kỳ, Tạp chí Tuyên giáo đã góp phần vào những thành tựu chung của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như ngành Tuyên giáo cả nước.
TĂNG CƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG, TÍNH CHIẾN ĐẤU, TÍNH ĐA DẠNG VÀ TÍNH THUYẾT PHỤC
Tạp chí Tuyên giáo đã trải qua các mốc cải tiến, đổi mới nội dung và hình thức để thích hợp, đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong từng thời kỳ lịch sử. Nhưng bao trùm lên công việc cải tiến, đổi mới đó đều không ngoài mục tiêu là tăng cường tính định hướng, tính chiến đấu, tính đa dạng và tính thuyết phục của Tạp chí.
Là một bạn đọc lâu năm của Tạp chí, tôi hoan nghênh chuyên mục” Nói đúng - Viết đúng” được mở ra trong những năm gần đây. Thực tiễn hoạt động tư tưởng nhiều năm qua, đã rút ra 3 phẩm chất cần có của người làm tuyên giáo, đó là: nói được, viết được, thuyết phục được người nghe, người đọc. Với các vấn đề được đề cập ở chuyên mục này, đã thực sự giúp ích đối với những người đam mê với công tác tuyên giáo. Bằng câu chuyện cụ thể, cách lập luận rành rẽ, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn cùng với các ví dụ dí dỏm, sâu sắc, nhìn chung chuyên mục thực sự có sức thuyết phục. Với trách nhiệm là cộng tác viên lâu năm, tôi hoan nghênh thái độ cầu thị của lãnh đạo Ban biên tập hiện nay, thường xuyên trân trọng lắng nghe, góp ý, gợi mở các vấn đề cần đề cập ở chuyên mục này; trên cơ sở đó “đặt hàng” các nhà khoa học có uy tín, chuyên sâu thể hiện.
Trong những nguyên nhân thành công của Tạp chí, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; sự phấn đấu nỗ lực của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, còn là ý thức xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên ở trong Ban Tuyên giáo, ở các ban, ngành Trung ương và trong ngành Tuyên giáo ở nhiều địa phương. Chính đội ngũ cộng tác viên này đã làm nên tiếng nói đa dạng của Tạp chí, phản ánh các góc cạnh nhiều chiều của công tác tuyên giáo. Làm được việc này, trên thực chất là sự chỉ đạo, nhất quán với bản lĩnh quyết đoán của người đứng đầu Tạp chí, bằng thái độ công tâm, khách quan, khi “dùng người”, “dùng bài” vì mục đích chung của Tạp chí, khắc phục hiện tượng “cánh hẩu”, “định kiến”, “nghe nhận xét một chiều” về chất lượng bài vở của cộng tác viên,.../.
PGS. TS. NGUYỄN HỒNG VINH
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương
TIẾP TỤC ĐÓNG GÓP VÀO SỰ NGHIỆP CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG TRONG THỜI KỲ MỚI
Hiện nay, với 2 ấn phẩm in và điện tử, Tạp chí Tuyên giáo có số lượng chuyên mục phong phú, tiện ích. Nổi bật trong số đó là các chuyên mục mang tính tiêu biểu, điển hình, “đậm nét tuyên giáo” như: Định hướng công tác tuyên giáo, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Cùng suy ngẫm, Văn hóa - Văn nghệ, Khoa giáo...
Là cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Tuyên giáo đã luôn tích cực chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tuyên giáo đến với đông đảo bạn đọc trong cả nước; tăng cường phản ánh thực tiễn sinh động của công tác tuyên giáo ở địa phương, cơ sở; góp phần đúc kết kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên giáo của Đảng. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Tạp chí tiếp tục bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương ương, đặc biệt chú trọng tuyên truyền theo các nội dung trọng tâm của ngành như: Xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên; Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới; Kết quả sau 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Tuyên truyền nội dung các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Tuyên truyền việc sơ kết, tổng kết thực hiện các nghị quyết của Đảng...
Có thể khẳng định, Tạp chí đã nỗ lực cố gắng đổi mới, điều chỉnh cơ cấu nội dung, chuyên mục, vừa có những chuyên mục mang tính truyền thống, ổn định, vừa bổ sung những chuyên mục mới, mở rộng, đa dạng thông tin, nội dung sinh động... Những thông tin mang tính hướng dẫn nghiệp vụ, giới thiệu những mô hình tốt, kinh nghiệm hay được đăng tải trên Tạp chí Tuyên giáo giúp các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể nghiên cứu, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, cơ quan. Tuy nhiên, cần thẳng thắn chỉ ra, một số bài viết trên Tạp chí vẫn mới chỉ dừng lại ở mức “báo cáo hóa” nên còn khô khan, nặng về con số, sự kiện.
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu đã đề ra, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo của Đảng, Tạp chí Tuyên giáo cần phát huy tích cực hơn nữa vai trò cầu nối, truyền tải, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Do đó, Tạp chí cần bám sát thực tiễn công tác tuyên giáo ở địa phương, cơ sở, hướng về cơ sở để có những tác phẩm báo chí chất lượng, đậm hơi thở của cuộc sống. Cần tăng dung lượng bài viết nghiên cứu lý luận gắn với đúc rút kinh nghiệm thực tiễn công tác tuyên giáo của hệ thống chính trị, để có những bài viết thực sự bổ ích, thiết thực, nghiên cứu mở thêm các chuyên mục mới, đổi mới cách thức thể hiện nhằm tăng tính hấp dẫn với bạn đọc. thực sự là món ăn tinh thần, là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi cán bộ làm công tác tuyên giáo trong hệ thống chính trị cả nước./.
VŨ TIẾN ĐIỀN
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước
TÍCH CỰC GÓP PHẦN VÀO ĐẤU TRANH BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Thời gian qua, cùng với hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo đã có những đóng góp quan trọng trên lĩnh vực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Với những bài viết chất lượng về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tạo hiệu ứng dư luận xã hội tốt, được bạn đọc đánh giá cao, Tạp chí đã góp phần giúp các địa phương, đơn vị có thông tin định hướng kịp thời, hiệu quả.
Theo dõi cho thấy, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, cùng với các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong cả nước, từ năm 2018 đến nay, trên các ấn phẩm của Tạp chí Tuyên giáo đã mở chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.
Đối với chúng tôi, nội dung những bài viết đăng tải trên các ấn phẩm Tạp chí, nhất là trong chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” được coi là cẩm nang về những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ chính trị quan trọng này trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. Từ đó, đã cung cấp những luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; cung cấp những kỹ năng cơ bản về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt, bên cạnh những bài viết lan tỏa những thông tin tích cực góp phần làm tốt công tác “xây” trong Đảng thì Tạp chí Tuyên giáo có những tuyến bài bám sát tình hình thời sự, kịp thời phản bác quan điểm sai trái thù địch để thực hiện nhiệm vụ “chống” rất hiệu quả. Nổi bật là các bài phân tích, bình luận, phê phán các thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị; phản bác những lời nói, hành động thiếu thiện chí, nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với quần chúng; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; phản bác sự vu cáo về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo; phê phán những quan niệm lệch lạc về phát triển kinh tế, văn hóa - văn nghệ, đạo đức lối sống, thông tin sai lệch về dịch bệnh; thông tin về các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…
Với nội dung đa dạng, sâu sắc, nhiều bài viết trên Tạp chí không chỉ thể hiện rõ tính đấu tranh trong vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản bác kịp thời và có sức thuyết phục, mà còn chú trọng đến khía cạnh hấp dẫn bởi cách viết “có lý có tình”, “thấu lý đạt tình” của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học… Cùng với đó là cách thức trình bày phong phú, ấn tượng, theo hướng hiện đại. Vì thế, có thể khẳng định, bên cạnh tính lý luận, chuẩn mực, Tạp chí đã từng bước “mềm hóa” nhiều vấn đề “khó và khô”, tạo được sự hấp dẫn, thu hút độc giả, trong đó có đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo đóng vai trò nòng cốt. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta xác định, trong thời gian tới, “các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta, nhất là trên không gian mạng”; “Sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn”. Do đó, rất cần thiết phải trang bị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đặc biệt là trên không gian mạng.
Vì vậy, để làm tốt công tác này, thời gian tới, đề nghị Tạp chí tiếp tục quan tâm sâu hơn những tuyến bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng; chú trọng những khía cạnh liên quan đến báo chí hiện đại, nắm bắt xu thế phát triển để đa dạng hóa các phương thức đấu tranh, phản bác hiệu quả nhằm kịp thời cập nhật tình hình, định hướng dư luận; quan tâm hơn nữa đến việc mở rộng đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia để không ngừng nâng cao chất lượng và tăng tính hấp dẫn cho chuyên mục... Có như vậy, chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của Tạp chí sẽ tiếp tục để lại nhiều dấu ấn và làm tốt nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng như trở thành tư liệu quan trọng, cập nhật cho cán bộ, đảng viên và đội ngũ làm công tác tuyên giáo các cấp chủ động về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng trong giai đoạn mới./.
NGUYỄN THỊ HÀ TÂN
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ VỀ CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO
Tạp chí Tuyên giáo có tôn chỉ, mục đích là nghiên cứu lý luận, định hướng thông tin về công tác tuyên giáo và là diễn đàn trao đổi nghiệp vụ về những vấn đề quan trọng, nổi bật trong lĩnh vực tuyên giáo. Nếu tôn chỉ mục đích thứ nhất thể hiện vai trò là công cụ lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực tuyên giáo, thì tôn chỉ thứ hai lại làm nổi bật tính thực tiễn của Tạp chí.
Trong lĩnh vực tuyên giáo, có những người chuyên nghiên cứu, giảng dạy ở các học viện, nhà trường và đội ngũ đông đảo cán bộ tuyên giáo của cấp ủy các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội. Những người nghiên cứu, giảng dạy có nhu cầu công bố, chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình; những người tác chiến thực tiễn lại mong muốn được học tập, giải đáp những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở, giới thiệu kinh nghiệm hay, cách làm tốt của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tạp chí Tuyên giáo sẽ là cầu nối giữa họ và nếu làm tốt, đây sẽ trở thành nơi giáo dục, đào tạo cán bộ thực tiễn, là nơi cung cấp tư liệu để các nhà khoa học khái quát hóa thành lý luận, chuẩn hóa, chu trình hóa, công nghệ hóa công tác tuyên giáo.
Là cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương, diễn đàn của Tạp chí càng được kỳ vọng, bởi tiếng nói của nhà khoa học và cán bộ thực tiễn sẽ dễ đến được với Trung ương từ đó sớm được lắng nghe, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
Có thể nói, Tạp chí đã trở thành người bạn đồng hành của cán bộ tuyên giáo, là cẩm nang cho những người mới vào nghề. Nhiều bài viết, thông tin đăng tải trên Tạp chí về những vấn đề cơ bản của công tác tuyên giáo từ khái niệm, phạm trù, quy luật, nguyên tắc, phương châm, cho đến quy trình tiến hành các hoạt động cụ thể, những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, những sáng kiến của các địa phương, cơ quan, đơn vị, cách xử lý các tình huống nhạy cảm, phức tạp trong lĩnh vực tuyên giáo... không chỉ là một trong những “nguồn tham khảo” của cán bộ, đảng viên, giảng viên có liên quan đến công tác tuyên giáo, mà còn là “tài liệu chính thống” cho sinh viên, học viên các chuyên ngành có liên quan.
Theo đó, chúng tôi coi Tạp chí thực sự là một diễn đàn cung cấp, trao đổi về luận chứng, luận cứ cho các công trình, đề tài khoa học; nhiều cán bộ, giảng viên đã trở thành phó giáo sư, giáo sư; nhiều cán bộ thực tiễn có bài viết hay đã khẳng định được uy tín trong nghề và được biết đến rộng rãi.
Tuy nhiên, trên Tạp chí Tuyên giáo, số bài mang tính hướng dẫn, trao đổi về nghiệp vụ còn khá ít so với số bài nghiên cứu lý luận và định hướng chỉ đạo. Cần khai thác tốt hơn những bài học kinh nghiệm đa dạng, phong phú, sâu sắc tại công tác tuyên giáo ở cơ sở.
Để làm tốt hơn vai trò là diễn đàn nghiệp vụ, trong thời gian tới, Tạp chí cần phải nhận thức rõ vị trí, vai trò và tính chất khoa học của diễn đàn, trong đó nhấn mạnh sự trao đổi, bàn luận rộng rãi cho những người nghiên cứu và cán bộ tuyên giáo. Từ đó, mạnh dạn khơi dậy không khí tranh luận, làm gia tăng sức sống của diễn đàn bằng cách tăng cường gợi mở, dẫn dắt trúng và đúng những vấn đề mà nghiệp vụ đang gặp khó khăn hoặc hạn chế, yếu kém. Tạp chí cần phát huy tinh thần “7 dám” để nâng cao tính hữu ích, tính thực tiễn, tạo ra luồng gió mới trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin như hiện nay.
Căn cứ vào các lĩnh vực cơ bản của công tác tuyên giáo, Tạp chí cần hệ thống hóa các nghiệp vụ cơ bản của ngành như: tham mưu, xây dựng và thực hiện kế hoạch, kiểm tra, sơ tổng kết các nghị quyết của Đảng về công tác tuyên giáo và của bản thân công tác tuyên giáo; nghiệp vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, báo cáo viên,…những vấn đề còn gây tranh luận, khó và mới,…để từ đó đặt hàng, lên kế hoạch đăng tải cho từng số trong năm.
Đẩy mạnh phát hiện và tăng cường hợp tác với các nhà khoa học chuyên sâu và tâm huyết, những cán bộ thực tiễn dày kinh nghiệm, cán bộ trẻ yêu nghề, có khát vọng vươn lên để đặt hàng. Bản thân Ban Biên tập và mỗi biên tập viên cũng cần phải được đào tạo chuyên sâu và có kinh nghiệm thực tiễn về công tác tuyên giáo./.
TS. LƯƠNG NGỌC VĨNH
Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền