Phát huy ưu thế của thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh

PTĐT - Thương mại điện tử là phương thức giao dịch hiện đại trong mua bán hàng hóa và từng bước chiếm ưu thế trong thời đại ngày nay bởi tính linh hoạt, tiết giảm chi phí, thời gian cho các bên tham gia. Để phát huy thế mạnh của thương mại điện tử, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ.

Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods - thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn ứng dụng thương mại điện tử giúp tiếp thị sản phẩm hiệu quả, tiện lợi trong thanh toán trực tuyến, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods - thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn ứng dụng thương mại điện tử giúp tiếp thị sản phẩm hiệu quả, tiện lợi trong thanh toán trực tuyến, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Trên địa bàn tỉnh, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin nói chung và hạ tầng phục vụ phát triển thương mại điện tử nói riêng đã có những chuyển biến đáng kể. Doanh nghiệp đã chủ động đổi mới trong việc tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giảm chi phí tiếp thị và giao dịch. Nhiều doanh nghiệp thương mại thuần túy đã lập website để phục vụ cho việc tiếp thị, quảng bá, hỗ trợ bán hàng cũng như tìm kiếm thị trường. Chỉ số thương mại điện tử của tỉnh tăng lên hàng năm, từ xếp thứ 33 năm 2015 lên xếp thứ 22 năm 2019 (trong tổng số 54 tỉnh, thành phố xếp hạng). Thương mại điện tử được xem là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử nhanh hơn, không bị giới hạn bởi không gian địa lý; doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể tìm hiểu các thông tin cần thiết trước khi thực hiện giao dịch. Đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh có địa chỉ truy cập http://giaothuong.net.vn hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể giới thiệu, quảng bá hình ảnh, mua bán sản phẩm hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ. Đây là kênh thương mại điện tử hữu ích đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh. Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods có địa chỉ tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn chuyên sản xuất thịt chua, nem sợi. Cơ sở sản xuất có quy mô tương đối lớn, tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động. Công ty đã tận dụng lợi thế của thương mại điện tử để tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Trường - Giám đốc Công ty cho biết: Công ty phân phối hàng hóa vào hệ thống một số siêu thị lớn, thành lập website, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, cung cấp đầy đủ thông tin về các sản phẩm và có thể đặt hàng trực tuyến. Tôi nhận thấy rằng phát huy thế mạnh của thương mại điện tử là cơ hội để nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận khách hàng nhanh chóng, hiệu quả.Góp phần thuận lợi cho thương mại điện tử, trong giao dịch, các ngân hàng nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa và đẩy mạnh sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại, xây dựng hệ thống thanh toán phục vụ các giao dịch bán lẻ. Đồng thời phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, tích hợp đa kênh thanh toán hiện đại từ thanh toán trên di động, internet… ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hiện toàn tỉnh có trên 600 máy POS thanh toán (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ). Các siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối đã đầu tư thiết bị cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; những đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông... thanh toán phí dịch vụ của hộ gia đình qua phương tiện điện tử. Hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử cũng được các doanh nghiệp áp dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng, giảm thời gian và chi phí của đôi bên.Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh còn hạn chế nhất định do một số doanh nghiệp có website nhưng chủ yếu hoạt động dưới dạng giới thiệu hoạt động của doanh nghiệp, mức độ ứng dụng để giao dịch mua bán hàng hóa thấp, chưa chú trọng đến truyền thông về sản phẩm. Thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân, doanh nghiệp vẫn còn muốn trực tiếp nhìn nhận sản phẩm, tự trao tay hợp đồng, tiền và sản phẩm nên chưa hiểu hết lợi ích của thương mại điện tử mang lại, ngại sử dụng tiện ích từ thương mại điện tử.Xác định thương mại điện tử là xu thế tất yếu và để thương mại điện tử phát triển, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và đưa ra các giải pháp đồng bộ. Trước hết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức cho cộng đồng về thương mại điện tử. Triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử, phát triển các sản phẩm như: Hỗ trợ áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, tích hợp giải pháp thẻ thanh toán đện tử trên website của doanh nghiệp. Vận hành, duy trì sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán qua mạng internet thông qua sàn; nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý Nhà nước về thương mại điện tử.

Huế Nguyễn

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202009/phat-huy-uu-the-cua-thuong-mai-dien-tu-trong-san-xuat-kinh-doanh-172880