Phát huy và nâng cao vai trò, hoạt động của công đoàn trong cơ quan quản lý nhà nước

Công đoàn Bộ Công Thương luôn bám sát chương trình và kế hoạch hàng năm để phối hợp cùng các cấp chính quyền thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Ngày 17/7, trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Công đoàn Công Thương Việt Nam đang diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực và có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế đất nước. Ngành Công Thương, với vai trò nòng cốt của nền kinh tế ở lĩnh vực công nghiệp và thương mại đã khẳng định được vị thế trụ cột, đóng góp quan trọng vào chỉ số tăng trưởng kinh tế vĩ mô của đất nước.

Bà Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024. (Ảnh: Trường Minh)

Bà Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024. (Ảnh: Trường Minh)

Trong những năm qua, trong bối cảnh tình hình chung của đất nước, cùng với sự nghiệp tái cơ cấu ngành Công Thương với những thay đổi, tăng trưởng vượt bậc, tất cả cán bộ công chức, viên chức, người lao động Bộ Công Thương đã luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Là thành viên trong hệ thống chính trị, đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng 34 tổ chức công đoàn trực thuộc, gồm các đơn vị Tổng cục, cục, vụ và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; triển khai thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, công tác cải cách hành chính, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Hội nghi sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thu hút đông đảo đại biểu Công đoàn Công Thương Việt Nam tham dự. (Ảnh: Trường Minh)

Hội nghi sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thu hút đông đảo đại biểu Công đoàn Công Thương Việt Nam tham dự. (Ảnh: Trường Minh)

Do đó, Công đoàn Bộ Công Thương hiện có hơn 2.000 đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại 34 tổ chức công đoàn cơ sở. Đoàn viên Công đoàn Bộ Công Thương có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chấp hành tốt nề nếp, kỷ luật kỷ cương hành chính, có ý thức trách nhiệm, có tinh thần học hỏi nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, linh hoạt sáng tạo, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, biết vận dụng thực tế, phù hợp với điều kiện để thực hiện nhiệm vụ, công vụ đạt hiệu quả cao.

Theo bà Huệ, mặc dù trong bối cảnh chung của đất nước và ngành Công Thương còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhưng với sự đổi mới trong công tác điều hành, quản lý và sự chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, cùng sự chung tay đồng lòng của Lãnh đạo đơn vị và tinh thần đoàn kết tập thể của cán bộ công chức, viên chức, người lao động, Bộ Công Thương đã từng bước vượt qua khó khăn và vươn lên với những kết quả nổi bật. Điều đó, đã tạo nên niềm tin, sự vững tâm của toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ, cố gắng hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, với bối cảnh tình hình trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, thách thức; tuy nhiên, ngành Công Thương đã bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vượt khó để phục hồi và đạt vượt mức kế hoạch trên hầu hết các chỉ tiêu được giao (như chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng trên 7,0%,; xuất khẩu tăng xấp xỉ 13,8%; nhập khẩu ước tăng 18,4%...; thị trường trong nước tăng trưởng khá, đạt 8,6%).

Qua đó, đóng góp tích cực vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và ổn định các nền tảng tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước; góp phần xây dựng niềm tin của doanh nghiệp, thu hút đầu tư, ổn định đời sống nhân dân.

Công đoàn Bộ Công Thương luôn xác định nhiệm vụ công đoàn gắn với nhiệm vụ chuyên môn, công đoàn có tầm quan trọng trong công tác xây dựng chính sách pháp luật và cải cách hành chính của Bộ, nên từ những ngày đầu, Công đoàn Bộ và các công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp chặt chẽ, bám sát chương trình và kế hoạch hàng năm của Bộ để tham gia phối hợp cùng các cấp chính quyền thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước; trong đó có việc hiện đại hóa nền hành chính, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ISO của cơ quan Bộ phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam.

Với mục tiêu đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử tại các đơn vị thuộc Bộ trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số một cách tổng thể, toàn diện đối với mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ Công Thương trong cách thức làm việc dựa trên công nghệ số, hướng tới chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng…

Từ những kết quả trên đã tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngành.

Bên cạnh đó, tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nhận thức cho đoàn viên công đoàn để đáp ứng yêu cầu cải cách, đổi mới hoạt động quản lý nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn cao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Lê Sơn - Trường Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-huy-va-nang-cao-vai-tro-hoat-dong-cua-cong-doan-trong-co-quan-quan-ly-nha-nuoc-332926.html