Phát huy vai trò 'bà đỡ' của các chính sách

Chất lượng dân số được xác định là 'nền tảng của sự phát triển' của mỗi quốc gia, dân tộc. Do vậy, việc xây dựng và phát huy vai trò của các chính sách phù hợp để phát triển dân số trong tình hình mới là hết sức cấp thiết, nhất là đối với các dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người.

BĐBP Lai Châu phối hợp cùng công an địa phương tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến người dân La Hủ ở bản Nhóm Pố, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Đức Duẩn

BĐBP Lai Châu phối hợp cùng công an địa phương tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến người dân La Hủ ở bản Nhóm Pố, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Đức Duẩn

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nêu rõ: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân… Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển”.

Nghị quyết cũng xác định mục tiêu: “Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người”.

Theo báo cáo của các địa phương năm 2019, dân tộc có dân số dưới 10.000 người, có tổng số 16.344 hộ, 73.010 khẩu sinh sống tại 419 thôn, bản, làng, 191 xã, 47 huyện trên địa bàn 13 tỉnh.

Đồng bào các DTTS rất ít người thường cư trú ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn của các tỉnh vùng núi cao, biên giới: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Bình…

Nhiều nghiên cứu cho thấy, các chỉ số đáng quan ngại trong bức tranh thực trạng dân số của 16 DTTS rất ít người.

Đó là các chỉ số về tỷ suất chết thô, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi/1.000 trẻ sinh sống, tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi/1.000 trẻ sinh sống, tỷ suất chết mẹ ở nhóm các DTTS rất ít người đều cao hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc. Tuổi thọ trung bình của người DTTS rất ít người cũng thấp hơn đáng kể so với tuổi thọ trung bình của các nhóm dân tộc khác. Đặc biệt, số năm sống khỏe mạnh trong cuộc đời của người dân các DTTS rất ít người cũng thấp so với các dân tộc khác.

Đặc biệt, tập quán kết hôn cận huyết thống, tảo hôn của một số DTTS rất ít người dẫn đến nhiều hệ lụy như đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, mắc bệnh, tỷ lệ tử vong cao, chất lượng giống nòi suy thoái.

Trong tham luận “Thực trạng và giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả chính sách bảo tồn và phát triển các DTTS rất ít người ở nước ta hiện nay”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thái, Đại học Thái Nguyên đề cập: Theo báo cáo từ các địa phương năm 2019, tập tục lạc hậu sinh con tại nhà vẫn tồn tại trong mỗi thôn, bản xa xôi hẻo lánh, biệt lập với cộng đồng còn chiếm tỷ lệ cao (80% đối với người Si La, 88,8% đối với người La Ha, 95,1% đối với người La Hủ…) cùng với tình trạng tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống sinh ra những đứa trẻ mang nhiều bệnh tật là nguyên nhân làm gia tăng tỷ suất chết ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của phụ nữ mang thai.

Tính đến thời điểm năm 2018, trung bình cứ 1.000 ca đẻ có 56 bà mẹ thuộc dân tộc La Ha, 34 bà mẹ thuộc dân tộc Si La, 32 bà mẹ thuộc dân tộc Bố Y tử vong liên quan đến sinh sản. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng về cân nặng là 33,3%, về chiều cao là 26,3%.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS rất ít người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tham gia khám, chữa bệnh chỉ hơn 30%, tỷ lệ khám thai tại trạm y tế mới đạt 70%. Mặc dù được cấp 100% bảo hiểm y tế miễn phí, nhưng đồng bào vẫn chưa thực sự thoát khỏi tập tục chữa bệnh bằng cúng bái.

Các vấn đề trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, làm suy giảm giống nòi, nguy cơ mất thành phần một số DTTS rất ít người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam

Mấy chục năm qua, cùng với chính sách chung cho đồng bào DTTS, nhiều chính sách riêng, đặc thù nhằm bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người đã được các ngành, các cấp triển khai.

Theo từng giai đoạn, các chính sách đặc thù này liên tục được mở rộng cả về đối tượng thụ hưởng, địa bàn và lĩnh vực. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015, vùng đồng bào dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ được thụ hưởng chính sách đặc thù theo Quyết định 1672/QĐ-TTg ngày 26-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ; và các DTTS rất ít người được hỗ trợ phát triển giáo dục, được quy định tại Quyết định số 2123/QĐ-TTg, ngày 22-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 31-10-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2086/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025. Thực hiện quyết định này, 16 DTTS rất ít người (dưới 10.000 người) sinh sống, tập trung trên địa bàn 93 xã, thuộc 37 huyện của 12 tỉnh được đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế-xã hội.

Mới đây, ngày 10-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 499/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030”. Theo chương trình này, 16 DTTS rất ít người sinh sống tập trung trên địa bàn 12 tỉnh (Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum) sẽ được hỗ trợ để nâng cao chất lượng dân số.

Tuy nhiên, do kinh tế phát triển không đồng đều, các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế, nhiều tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, nên công tác dân số ở vùng đồng bào các DTTS rất ít người gặp rất nhiều trở ngại.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thái, trước những thách thức mới của sự phát triển, quá trình hội nhập, nguy cơ tụt hậu lại xa hơn của các DTTS rất ít người ngày càng bộc lộ rõ nét. Chinh vì vậy, việc đánh giá một cách hệ thống chính sách đã và đang thực hiện là điều cần thiết làm tiền đề cho việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với nhóm dân tộc này ở giai đoạn tiếp theo.

Mặt khác, khi xây dựng và triển khai chính sách dân số cần lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực.

Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS mới được Ủy ban Dân tộc công bố tháng 7-2020, tính đến thời điểm ngày 1-4-2019, dân số của 53 DTTS là 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Tổng tỷ suất sinh (TFR) của người DTTS là 2,35 con/phụ nữ, giảm 0,03 con/phụ nữ so với năm 2015, nhưng vẫn khá cao so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/phụ nữ và cao hơn so với mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Tỷ số giới tính khi sinh của các DTTS là 110,2 bé trai/100 bé gái, thấp hơn so với mức chung của toàn quốc (111,5 bé trai/100 bé gái). Tỷ suất chết thô (CDR) chung của 53 DTTS là 7,65‰, cao hơn so với mức chung của cả nước năm 2019 (6,3‰). Tuổi thọ trung bình của 53 DTTS là 70,7 tuổi, thấp hơn mức chung của cả nước (73,6 tuổi); nam là 68,0 tuổi và nữ là 73,7 tuổi. Dân tộc Hoa có tuổi thọ trung bình cao nhất (74,4 tuổi), dân tộc La Hủ có tuổi thọ trung bình thấp nhất (59,4 tuổi).

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-vai-tro-ba-do-cua-cac-chinh-sach-post431685.html