Phát huy vai trò báo chí trong phòng chống tham nhũng

Sáng 24/12, tại Hà Nội, báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, cho thấy: Sau 5 năm triển khai luật (2020-2024), các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại 117.848 cơ quan, tổ chức, đơn vị, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 2.906 người vi phạm.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ảnh: thanhtra.gov.vn

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ảnh: thanhtra.gov.vn

Theo báo cáo, có 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập, trong đó 147 người bị kỷ luật do vi phạm; 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.

Hội nghị đánh giá, hiện nay, tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn, trong khi đó hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp, giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn lớn. Luật Phòng, chống tham nhũng còn một số quy định chưa phù hợp, hạn chế, bất cập về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập, thiếu quy định về tài sản hình thành trong tương lai…

Trong khi chưa sửa đổi luật, các ý kiến đề nghị cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, nhất là thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng; đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc về công tác này.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-huy-vai-tro-bao-chi-trong-phong-chong-tham-nhung-post852388.html