Phát huy vai trò cán bộ người dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng
Sóc Trăng là địa phương có hơn 30% dân số là đồng bào Khmer. Những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Với lợi thế ngôn ngữ, tiếng nói, sự thấu hiểu văn hóa, phong tục tập quán, cán bộ người Khmer dễ dàng hòa nhập, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận của đơn vị.
Vĩnh Châu là thị xã vùng ven biển, thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng, đồng bào dân tộc Khmer và Hoa chiếm hơn 70% dân số. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, thị xã Vĩnh Châu luôn là điểm sáng trong công tác tuyển quân của tỉnh Sóc Trăng. Để nâng cao chất lượng tuyển quân trong đồng bào các dân tộc, thời gian qua, Ban CHQS thị xã Vĩnh Châu phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt việc nắm nguồn và chú trọng thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, động viên thanh niên người dân tộc thiểu số có đủ tiêu chuẩn tham gia phục vụ tại ngũ trong quân đội.
Em Thạch Minh Tiến là một trong 70 thanh niên người Khmer tình nguyện nhập ngũ năm 2020. Học hết lớp 8, Tiến phải nghỉ ở nhà để phụ giúp cha mẹ. Ban đầu nhận được giấy gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, Tiến khá băn khoăn và lo lắng cho gia đình. Khi được cán bộ trực tiếp gặp gỡ, động viên, Tiến hiểu đây là trách nhiệm của người thanh niên tham gia bảo vệ đất nước. Sau khi xuất ngũ với các chế độ ưu đãi học nghề, Tiến có thể phụ giúp gia đình nhiều hơn.
Huyện Châu Thành có gần 50% là người dân tộc Khmer. Nhờ cán bộ thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên tỷ lệ thanh niên nhập ngũ hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, 100% thanh niên tình nguyện đăng ký và chấp hành tốt các quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS).
Ông Trương Văn Cương, ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành chia sẻ: “Con trai lớn của tôi xuất ngũ năm 2015 và đã có việc làm ổn định, giờ đến con trai út chuẩn bị nhập ngũ. Ngày trước, cán bộ đến thăm gia đình, tôi không hiểu tiếng phổ thông nhiều lắm, nhờ có anh em cán bộ dân tộc ở Ban CHQS huyện trao đổi bằng tiếng Khmer nên tôi tiếp thu được nhiều thông tin. Thời gian con trai thực hiện NVQS, tôi cũng có vài lần đến thăm con ở đơn vị. Chứng kiến điều kiện sinh hoạt, học tập của con, tôi rất an tâm. Vì thế, tôi và gia đình đều vận động con trai út cố gắng học tập, rèn luyện để xứng đáng là thanh niên tốt”.
Thiếu tá Kim Thanh Long, Phó tham mưu trưởng, Ban CHQS huyện Châu Thành cho biết: “Là cán bộ người dân tộc thiểu số, tôi phần nào hiểu rõ phong tục, tập quán cũng như sinh hoạt hằng ngày của bà con. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động cũng dễ dàng hơn. Khi trực tiếp chia sẻ thông tin cùng bà con dân tộc Khmer, mình phải linh hoạt trao đổi bằng tiếng Khmer để bà con hiểu và nắm bắt những thông tin một cách thấu đáo. Những vấn đề bà con chưa hiểu, mình phải tận tình trao đổi lại nhiều lần. Khi bà con hiểu thì công tác vận động của mình sẽ rất thuận lợi”.
Không chỉ trong công tác tuyển quân, thời gian qua, đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer trong LLVT tỉnh Sóc Trăng còn góp phần giúp chính quyền địa phương hướng dẫn bà con sản xuất phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự trên địa bàn. Điển hình là ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, cách đây khoảng 6 năm, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn diễn biến phức tạp, thường xuyên xảy ra các vụ tranh chấp, gây rối trật tự. Trước thực trạng đó, Ban CHQS xã Tham Đôn phối hợp với các lực lượng tăng cường tổ chức tuần tra, nhất là tuần tra về đêm. Ông Lê Minh Tán, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn cho hay: “Là địa phương có đông đồng bào Khmer, phần lớn bà con không rành tiếng phổ thông. Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới xã cũng gặp nhiều khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ từ LLVT huyện vận động, tuyên truyền các chủ trương, bà con Khmer đã tự nguyện hiến đất làm đường, chung tay đóng góp tiền của và ngày công lao động tham gia xây dựng cảnh quan, làm lộ giao thông nông thôn… Nhờ đó, xã Tham Đôn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn NTM”.
“Việc xây dựng và phát huy hiệu quả của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ người dân tộc Khmer được Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm. Phát huy hiệu quả của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục quan tâm tạo nguồn, quy hoạch, bồi dưỡng nghiệp vụ, phát triển đảng viên, đoàn viên… trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyển sinh quân sự và công tác tuyển quân”, Đại tá Huỳnh Văn Giang, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.