Phát huy vai trò Cộng tác viên dân số trong đẩy mạnh thực hiện Đề án xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ

Mạng lưới cộng tác viên dân số được xem là 'cánh tay nối dài' trong việc tuyên truyền các vấn đề dân số tại cơ sở. Có thể nói, đội ngũ này cũng là lực lượng nòng cốt để triển khai có hiệu quả Đề án 818 ở các địa phương.

Vai trò quan trọng của cán bộ, cộng tác viên dân số

"Đi từ ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ - đó là hoạt động của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số. Họ là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành quả của công tác DS-KHHGĐ, trong đó có việc đưa người dân tiếp cận tốt hơn với các sản phẩm xã hội hóa trên địa bàn, vận động người dân có thái độ tích cực làm chuyển đổi nhận thức và hành vi về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

Theo thông tư số 02/2021 (có hiệu lực từ ngày 10.3.2021) của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ của Cộng tác viên dân số, các cộng tác viên (CTV) dân số chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và huớng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của trạm y tế cấp xã, dưới sự giám sát về hoạt động của cán bộ phụ trách công tác dân số cấp xã, trưởng thôn cùng địa bàn quản lý. Đội ngũ CTV dân số có trách nhiệm cùng nhân viên y tế thôn và CTV các chương trình khác trên địa bàn tuyên truyền, vận động về công tác dân số, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong địa bàn quản lý. Là những người trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn về dân số cho người dân trong địa bàn đảm nhiệm.

Đồng thời, cung cấp các dụng cụ tránh thai đến từng hộ gia đình theo quy định; thực hiện tiếp thị, tiếp thị xã hội, xã hội hóa sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và dịch vụ về dân số theo quy định. Kiểm tra, theo dõi việc duy trì thực hiện các nội dung về dân số của các hộ gia đình tại địa bàn quản lý.

Việc tuyên truyền về công tác dân số đòi hỏi sự gần gũi với nhân dân, sự khéo léo, linh hoạt, không những để phụ nữ hiểu mà nam giới là người chồng trong cũng phải am hiểu và có trách nhiệm với chính sách DS-KHHGĐ

Việc tuyên truyền về công tác dân số đòi hỏi sự gần gũi với nhân dân, sự khéo léo, linh hoạt, không những để phụ nữ hiểu mà nam giới là người chồng trong cũng phải am hiểu và có trách nhiệm với chính sách DS-KHHGĐ

Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ CTV dân số hầu khắp cả nước đều rất nhiệt tình, tận tụy với công việc, nhất là những cộng tác viên dân số ở thôn, bản, vùng sâu, vùng xa. Phải thực sự yêu nghề, họ mới gắn bó, nhiệt huyết với công việc như vậy. Người ít nhất cũng gắn bó đến 4-5 năm, có người thì 10-20 năm. Việc tuyên truyền về công tác dân số đòi hỏi sự gần gũi với nhân dân, sự khéo léo, linh hoạt, không những để phụ nữ hiểu mà nam giới là người chồng trong cũng phải am hiểu và có trách nhiệm với chính sách DS-KHHGĐ. Đó là lời tâm sự hầu hết của cộng tác viên dân số.

Hết lòng vì công tác dân số

Triển khai "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ)/sức khỏe sinh sản (SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn (gọi tắt Đề án 818), hầu hết các cán bộ chuyên trách dân số, CTV dân số đã tới từng hộ gia đình để tìm hiểu, nắm rõ hoàn cảnh, tâm tư, từ đó đưa ra cách thuyết phục hợp lý cũng như tư vấn sản phẩm phù hợp với điều kiện của họ. Ban đầu nhiều người đã từ chối vì không muốn bỏ tiền mua sản phẩm, nhưng cứ kiên trì vận động thì dần dần họ cũng hiểu ra và tự nguyện mua phương tiện tránh thai để thực hiện KHHGĐ.

Các cộng tác viên dân số góp phần giúp công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn đạt hiệu quả. Ảnh Vân Anh

Các cộng tác viên dân số góp phần giúp công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn đạt hiệu quả. Ảnh Vân Anh

Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh có trên 1.500 cộng tác viên dân số hoạt động tại thôn, bản, khu phố. Chị Phạm Thị Chĩnh, cộng tác viên dân số xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã có nhiều năm gắn bó với công việc tuyên truyền các chính sách về dân số cho bà con nơi đây. Chị luôn thấu hiểu những khó khăn, vất vả cũng như phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo chị, để làm tốt vai trò cộng tác viên dân số, ngoài việc tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi, các buổi họp của các đoàn thể, họp thôn, bản cũng phải tranh thủ thời gian mọi lúc, mọi nơi để tuyên truyền cho chị em. Nhiều chị em có kiến thức, biết cách lựa chọn đúng biện pháp tránh thai và chấp nhận lựa chọn các biện pháp tránh thai hiện đại để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như thực hiện tốt công tác dân số ở địa phương.

Xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lắk có 20 CTV dân số. Nhiều năm qua, đội ngũ CTV dân số đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện có hiệu quả các chính sách về DS - KHHGĐ. Toàn xã hiện có 2.484 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng nhưng đã có 80% cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại…

Với phương châm "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng", chị Nguyễn Thị Lịch CTV dân số ở buôn Kuaih đã tuyên truyền, vận động người dân trong buôn thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, thai phụ, nam, nữ chuẩn bị kết hôn…

Bằng sự tận tâm, am hiểu về văn hóa, phong tục của người dân nơi đây, chị thường xuyên phối hợp với cán bộ chuyên trách dân số xã tổ chức tuyên truyền nhóm nhỏ, tư vấn hộ gia đình, từ đó vận động người dân tham gia các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Từ đó góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác dân số của buôn, với trên 88% các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm đáng kể.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phat-huy-vai-tro-cong-tac-vien-dan-so-trong-day-manh-thuc-hien-de-an-xa-hoi-hoa-phuong-tien-tranh-thai-va-dich-vu-csskss-khhgd-172211210162603172.htm